Chàng trai chạy thận và hành trình... tiếp lửa sống

ANTĐ - Trước đây, tôi biết đến Nguyễn Ngọc Sơn (ở khu 3, xã Thanh Vinh, thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ) khi cuốn nhật ký “Xin đừng khóc nữa mẹ ơi” của anh được xuất bản nằm trong tủ sách Chuyện đời tôi của NXB Công an nhân dân. Cuốn nhật ký đã làm lay động nhiều độc giả bởi nghị lực sống phi thường và tình yêu tha thiết cuộc đời của chàng trai đang giành giật sự sống từng ngày cùng với chiếc máy chạy thận. Hôm nay, gặp lại anh, tôi xúc động hơn, khi với nghị lực và tình yêu ấy, anh không chỉ sống tốt cho mình, mà còn san sẻ, tiếp lửa cho những hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật giống mình. 

Chàng trai chạy thận và hành trình... tiếp lửa sống ảnh 1Anh Nguyễn Ngọc Sơn trong một lần thăm bệnh nhân chạy thận

Những vần thơ khi cận kề cái chết

Nguyễn Ngọc Sơn sinh năm 1979, là anh cả trong một gia đình công chức nghèo. Hồi bé Sơn khá thông minh học giỏi nhưng năm 1995, khi đang học lớp 10, thấy cơ thể mệt mỏi, chân tay bủn rủn, phù nề gia đình đưa đi khám thì phát hiện Sơn mắc bệnh viêm cầu thận mãn tính. Cố gắng vừa chữa bệnh vừa học hết năm lớp 10 thì bệnh tình ngày càng nặng hơn, Sơn phải bảo lưu kết quả để đi chữa trị. Hết một năm mà bệnh không khỏi, Sơn quyết định quay trở lại trường đi học trong khi rất nhiều người can ngăn. Hồi đó sức khỏe Sơn rất yếu, cơ thể lúc nào cũng phù nề, da xanh tái, hằng ngày bố mẹ phải thay nhau đèo đến trường, và trong cặp không lúc nào được phép quên thuốc. Vì sợ các bạn biết mình bị bệnh Sơn cứ tranh thủ giờ ra chơi đem cặp sách xuống nhà vệ sinh uống thuốc, mãi sau các bạn mới phát hiện, họ ôm Sơn mà khóc.

Học hết phổ thông, Sơn xuống Hà Nội thi đại học nhưng năm đầu không đỗ vì mấy hôm thi đúng lúc thời tiết thất thường bệnh trở nặng. Sơn lại khăn gói xuống Hà Nội thuê trọ, vừa ôn thi, vừa chữa bệnh. Năm đó Sơn thi đỗ 2 trường đại học với số điểm cao, và cuối cùng anh quyết định theo học Đại học sư phạm I Hà Nội để thỏa ước mơ được đứng trên bục giảng.

Ngày biết tin con trai đỗ đại học, bố mẹ Sơn lo nhiều hơn mừng. Sơn kể rằng lúc nhập trường, thứ quan trọng nhất của Sơn ngoài quần áo, sách vở còn là một bao tải thuốc nam. Sợ mọi người biết bệnh tình của mình sẽ thương hại hay xa lánh, Sơn không nói với ai mình bị bệnh mà thuê một phòng trọ riêng để ở, đêm đến khi mọi người tắt đèn đi ngủ thì Sơn mới lẳng lặng dậy sắc thuốc để uống. Có lần, ngồi trông nồi thuốc, mệt quá Sơn ngủ gật dúi cả đầu vào bếp. 

Ấy thế mà trong suốt những năm Đại học, Sơn luôn nỗ lực để đạt kết quả cao nhất. Để có tiền trang trải thuốc thang phụ giúp bố mẹ, Sơn mở lớp dạy thêm tiếng Việt cho những sinh viên Hàn Quốc. Cứ thế, anh chiến đấu với bệnh tật và tốt nghiệp Đại học Sư phạm. Anh tiếp tục thi đỗ văn bằng 2 Học viện Báo chí và Tuyên truyền, trong quá trình học tại đây, Sơn được kết nạp Đảng, được nhận bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo, anh tốt nghiệp với tấm bằng Giỏi. Tốt nghiệp anh xin vào làm giảng viên tại Trường CĐ Công nghiệp quốc phòng tại Phú Thọ, nhưng vì lý do sức khỏe nên không được xét biên chế.

Tai họa lại một lần nữa ập xuống khi anh nhận được tin bệnh tình của mình đã vào giai đoạn cuối. Lúc ấy là năm 2006, thấy sức khỏe không tốt, gia đình đưa Sơn đi khám lại tại Bệnh viện Quân y 103. Nghe bác sĩ thông báo mình bị suy thận độ 4, trời đất như sụp đổ trước mắt Sơn. Bao nhiêu cố gắng, nỗ lực của anh, giờ nhận lại là cái “án tử” treo trên đầu, thời gian sống chỉ còn tính bằng ngày, bằng tháng. Những ngày đó, hai mẹ con cứ ôm nhau khóc, không biết bao nhiêu nước mắt đã rơi. Và đêm hôm đó, những vần thơ đầu tiên trong cuốn nhật ký đẫm nước mắt đã được anh viết nên đầy đau đớn: “Xin đừng khóc nữa mẹ ơi!/ Giờ phút chia biệt tới rồi, con đi/ Anh em, bầu bạn, chú dì/ Từ nay nhờ cậy… những khi mẹ buồn/ Con biết là lệ sẽ tuôn/ Nhưng mà... con muốn mẹ luôn mỉm cười/ Mẹ ơi! Ly rượu tình người/ Cho con được cạn được mời mẹ yêu…”. 

Còn một ngày, cũng phải đứng dậy

Hồi đó, suy thận gần như là một căn bệnh vô phương cứu chữa, nhất là với gia cảnh nghèo như nhà Sơn, nên nhiều người đã khuyên gia đình đưa Sơn về nhà lo hậu sự. Nhưng với tình yêu con vô bờ bến, sáng sớm hôm sau hai mẹ con lại khăn gói sang Bệnh viện Bạch Mai, mẹ Sơn khẩn khoản xin bác sĩ dù còn một ngày để sống cũng chữa chạy cho con mình, dù phải bán cả nhà cửa đi cũng cam lòng. Vị bác sĩ xúc động yêu cầu mẹ con Sơn làm thủ tục nhập viện. Được bác sĩ đồng ý, hai mẹ con mừng quá ôm nhau vừa khóc vừa cười giữa sảnh viện.

Trong thời gian điều trị trong viện, giữa những rối ren của cảm xúc, Sơn đã gửi tất cả tâm tư, tình cảm của mình vào trang nhật ký. Khi đọc báo viết về tủ sách Chuyện đời tôi, Sơn suy nghĩ rồi quyết định viết thư gửi cho nhà thơ Đặng Vương Hưng, biên tập viên cao cấp của Nhà xuất bản, và cuối cùng, sau khi đọc bản thảo cuốn nhật ký nhà thơ Đặng Vương Hưng đã gật đầu đồng ý xuất bản. Đầu tháng 1-2008, những trang nhật ký của Sơn đã được Nhà xuất bản CAND ấn hành thành sách với tên gọi “Xin đừng khóc nữa mẹ ơi” làm xúc động người đọc. Đến nay, cuốn sách đã được tái bản nhiều lần và vẫn được bạn đọc đón nhận, nó đã trở thành điểm tựa, niềm tin cho nhiều bạn trẻ, đặc biệt là nhiều bạn có số phận không may mắn trong cuộc đời. Năm 2009, anh tiếp tục xuất bản cuốn sách thứ hai với tựa đề “Không là cơn gió thoảng qua”, tập hợp những tản văn, ghi chép, cảm nhận, và những bài tưởng tượng giả định như truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Sơn cùng hàng trăm tin nhắn và những lá thư tiêu biểu của bạn đọc mà Sơn nhận được trong thời gian gần đây. 

Giờ đây, ngoài thời gian chạy thận, Sơn vẫn tiếp tục là giáo viên thỉnh giảng của trường Cao đẳng Công nghiệp Quốc phòng, đồng thời tham gia các cuộc nói chuyện với các bạn trẻ để truyền đi thông điệp về giá trị cuộc sống. Ngoài ra, Sơn còn nuôi thỏ để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Và một công việc quan trọng nữa của anh là đi làm từ thiện.

San sẻ yêu thương, tiếp thêm lửa sống

Sau khi xuất bản cuốn sách, Sơn bỗng trở thành “người nổi tiếng”, hằng ngày Sơn nhận được nhiều tin nhắn, điện thoại hỏi thăm, động viên, hoặc đôi khi là những người bị bệnh tật tìm đến với anh để được chia sẻ, tiếp thêm nghị lực. Những ám ảnh về cái chết cũng mờ dần trong anh, nói đúng hơn là anh không còn thời gian mà nghĩ về nó nữa. Lúc này, ý tưởng thành lập một nhóm từ thiện cho những bệnh nhân suy thận lớn dần, anh đã chia sẻ với các y, bác sĩ tại Bệnh viện đa khoa Phú Thọ và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình. Thế là Hội Thận nhân tạo và những người bạn ra đời vào năm 2012, đến nay nhóm thiện nguyện của anh đã đi đến hàng chục bệnh viện hầu tất khu vực phía Bắc, giúp đỡ hàng trăm bệnh nhân suy thận. Anh tâm sự mình làm từ thiện với tấm lòng chân thật, chứ không khuyếch trương, đánh bóng tên tuổi, cứ âm thầm làm thôi. Vì vậy, việc anh đi xe máy vượt mấy trăm cây số để làm từ thiện là chuyện bình thường. Anh kể hành trình đi xe máy dài nhất của anh là gần 400 cây số, từ Phú Thọ qua Hà Nội, Nam Định, Ninh Bình rồi lại trở về. “Tôi thường tự đi xe máy tìm đến các trung tâm thận nhân tạo tại các bệnh viện, trực tiếp tìm những bệnh nhân khó khăn để giúp đỡ, chứ không tìm qua báo hay qua các tổ chức khác, vì những người đã lên báo rồi thì họ đã nhận được sự giúp đỡ. Thường thì lúc nào tổ chức đoàn nhiều người đi và mang nhiều quà cáp thì chúng tôi mới thuê ô tô, vì mỗi lần thuê ô tô như vậy khá tốn kém”. 

Vì cách ngày lại phải lọc máu một lần, nên thường những chuyến đi thiện nguyện của anh chỉ kéo dài trong ngày hoặc hai ngày là cùng. Nhưng anh đi liên tục, hôm nay gọi điện anh bảo đang ở Lào Cai, Lai Châu, vài hôm sau gọi lại thấy anh đang ở Hải Phòng, Nam Định… Cứ thế, hầu như không có trung tâm chạy thận nào ở miền Bắc mà anh chưa đặt chân đến. Đôi khi vì những chuyến đi xa, anh cũng chấp nhận bỏ một buổi lọc máu. Có lúc phải đi dài ngày, bất đắc dĩ anh phải lọc máu dịch vụ luôn tại nơi mình làm từ thiện, tuy nhiên nhiều khi các bác sĩ cũng không lấy tiền vì coi anh là “người nhà”. 

Trong những chuyến đi, tiếp xúc với những người chạy thận, anh càng thấy có những hoàn cảnh vô cùng đáng thương. “Người suy thận phần nhiều là rất khổ, họ phải chạy thận suốt đời, tốn kém, ốm đau dặt dẹo, không làm ra tiền, sống nay chết mai, phải có người thân chăm sóc… Vì vậy rất nhiều gia đình có người thân chạy thận không theo kịp đã phải đưa về chờ chết, vì vậy họ bị bỏ rơi trong chính gia đình mình. Những trường hợp khó khăn như thế nhiều lắm, thành ra dù có cố gắng giúp đỡ cũng không xuể được”. Anh kể rằng có cậu bé nhà nghèo phải chạy thận, mới đầu hội của anh giúp đỡ một khoản tiền lo chi phí xe cộ, đi lại, ăn uống, thuê trọ để chạy thận, nhưng chạy được một thời gian thì gia đình hết tiền lại đưa về. Khi bị gãy chân mà gia đình không có tiền đưa đi viện, đến khi đau quá, cậu bé đành phải gọi điện cho anh nhờ đưa đi viện. Lập tức trong đêm anh và các bạn thuê một chuyến xe đến chở cậu bé đi, lúc đến nơi đã thấy dân bản đốt đuốc đứng chờ để đưa cậu bé lên xe. Hay có gia đình nhà có 5 người con thì 4 người suy thận, 1 người đã. Có bệnh nhân thì vừa mù, vừa bị suy thận…

Theo Nguyễn Ngọc Sơn, mục đích những chuyến đi từ thiện, ngoài việc giúp đỡ vật chất cho các bệnh nhân khó khăn, còn là lan tỏa đến cộng đồng, mong muốn mọi người hiểu thêm về bệnh nhân suy thận, đó là căn bệnh “nhà giàu” nhưng những người chịu ảnh hưởng nặng nề nhất lại là những người “cùng khổ”. Và quan trọng là truyền đến cho những bệnh nhân nghị lực sống, để họ có thêm niềm tin chiến đấu với bệnh tật. “Mỗi khi đến thăm các bệnh nhân suy thận, tôi đều kể cho họ nghe về cuộc đời mình, về việc mình đã chiến đấu với bệnh tật ra sao. Thì người ta thấy mình cũng bị suy thận như họ, mà vẫn sống khỏe, vẫn đi làm từ thiện được thì chắc chắn họ sẽ có thêm niềm tin. Tôi rất vui vì mình đã truyền ngọn lửa khao khát sống, sự lạc quan yêu đời cho rất nhiều bệnh nhân suy thận” - anh tâm sự.