Cần có quy định rõ ràng về chuyển đổi giới tính

ANTĐ - Dù pháp luật chưa thừa nhận việc chuyển giới, nhưng những vấn đề pháp lý liên quan tới người đã chuyển giới vẫn liên tục phát sinh. Điều này đòi hỏi các nhà làm luật cần nhanh chóng xem xét điều chỉnh các quy định cho phù hợp, đặc biệt là trong Bộ luật Dân sự…

Về vấn đề chuyển đổi giới tính, Dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi (gọi tắt là Dự thảo) quy định tại Điều 28: Cá nhân có quyền được xác định lại giới tính. Việc xác định lại giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Còn theo Bộ luật Dân sự 2005, Điều 36 quy định: Cá nhân có quyền được xác định lại giới tính. Việc xác định lại giới tính của một người được thực hiện trong trường hợp giới tính của người đó bị khuyết tật bẩm sinh hoặc chưa định hình chính xác mà cần có sự can thiệp của y học nhằm xác định rõ về giới tính. Việc xác định lại giới tính được thực hiện theo quy định của pháp luật. 

 Luật sư Hoàng Huy Được - Phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư Hà Nội phân tích, pháp luật Việt Nam hiện hành chỉ cho phép xác định lại giới tính cho những người khuyết tật về giới tính hay chưa phân biệt được là nam hay nữ, do đó các trường hợp tự chuyển giới tính đến nay vẫn chưa được phép thay đổi thông tin giới tính trên giấy tờ tùy thân. Nguyên nhân do những lo ngại về hậu quả pháp lý có thể xảy ra nếu vấn đề chuyển đổi giới tính bị lợi dụng để gian lận trong thể thao hoặc lừa đảo tài sản, để trốn tránh lệnh truy nã của cơ quan có thẩm quyền, trốn tránh nghĩa vụ quân sự…

Trong quá trình hội nhập quốc tế, vấn đề đảm bảo quyền con người, từng bước ghi nhận quyền được chuyển giới chính đáng của công dân được nhiều người đồng tình ủng hộ. Khác với đồng tính là những người có xu hướng yêu người cùng giới với mình, chuyển giới là việc một người luôn có cảm giác mình thuộc một giới tính khác với giới tính lúc mới sinh. Thời gian qua, do pháp luật Việt Nam cấm chuyển đổi giới tính nên nhiều người tìm cách sang Thái Lan, Hàn Quốc... để phẫu thuật chuyển giới. Tuy vậy, điều làm người chuyển giới lo lắng nhất không phải là những đau đớn về thể xác, tốn kém về tiền bạc trong quá trình phẫu thuật mà chính là việc họ không được pháp luật thừa nhận và bảo vệ. Điều này cũng gây khó khăn không nhỏ cho họ khi tham gia các giao dịch mua bán, chuyển nhượng, thừa kế tài sản, đăng ký tạm trú tạm vắng… Đây cũng là nguyên nhân khiến người chuyển giới luôn phải sống trong tâm lý mặc cảm trước sự kỳ thị của xã hội, khó hòa nhập với cuộc sống đời thường.

Dù pháp luật hiện hành chưa thừa nhận việc chuyển giới, nhưng những vấn đề pháp lý liên quan đến việc áp dụng các quy định của pháp luật đối với người đã chuyển giới vẫn đặt ra như thủ tục về khám người, thi hành các biện pháp tạm giữ, tạm giam, thi hành án phạt tù đối với những người này... Trường hợp “hot girl chuyển giới” Trâm Anh, tức Nguyễn Văn Hiếu bị bắt giữ vì hành vi mua bán trái phép chất ma túy là một ví dụ điển hình. Khi bị bắt, dù Nguyễn Văn Hiếu có khuôn mặt giống nữ, song các bộ phận khác vẫn là nam nên việc bố trí phòng giam cho đối tượng này cũng gặp không ít khó khăn.

Pháp luật sinh ra là để điều chỉnh các quan hệ xã hội. Do đó, người chuyển giới cần được pháp luật và xã hội thừa nhận để tạo sự bình đẳng, từ đó chúng ta có thể bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp cũng như xử lý nghiêm hành vi vi phạm của họ. Thực tế, việc người chuyển giới không được điều chỉnh các giấy tờ về hộ tịch do chưa có quy định cũng là vấn đề vướng mắc. Đã đến lúc xã hội và Nhà nước ta nên thừa nhận người chuyển giới trên cả phương diện pháp lý và trong đời sống thực tế, để họ không còn cảm giác bản thân đang ở “ngoài vòng pháp luật”, bị mặc cảm, bị phân biệt đối xử. Tuy vậy, do đây là vấn đề phức tạp nên trước mắt cần quy định một cách bao quát tại Bộ luật Dân sự, tạo điều kiện thuận lợi cho pháp luật chuyên ngành quy định cụ thể về những vấn đề liên quan.