Trả giá đắt khi lơ là với bệnh lý tâm thần

ANTĐ - “Em tôi vốn có biểu hiện bị bệnh tâm thần từ trước, nhưng do gia đình chủ quan nên mới dẫn tới hậu quả đau lòng này”. Đó là nỗi ân hận, day dứt của chị T và người thân tại một phiên tòa xét xử bị cáo phạm tội “Giết người” mới đây.

Trả giá đắt khi lơ là với bệnh lý tâm thần  ảnh 1Không được giám sát chặt chẽ, người tâm thần có thể gây án trong trạng thái bị kích động

Bị kích động, hậu quả tức thì...

Nghe được không ít điều tiếng về cô con dâu nên chiều 17-4-2014, ông Vũ Văn K (83 tuổi) sang nhà Vũ Văn Minh (SN 1961, trú thôn Thống Nhất, xã Đông Lỗ, Ứng Hòa, Hà Nội) chửi mắng con trai. Vừa chửi, ông K vừa cầm thanh gỗ đánh Minh. Sau đó, ông K tiếp tục ra sân đứng nhiếc móc con trai. 

Bị bố đánh, mắng, Minh quẫn trí chạy ra sân giằng lấy thanh gỗ và đẩy ông K ngã. Tiếp đến, đối tượng ngồi đè lên người bố, một tay túm cổ áo, một tay túm tóc đập đầu ông K xuống nền gạch. Đối tượng còn dùng gậy gỗ nện bố túi bụi và nhặt một viên ngói đập vào ngực bố. Chỉ đến khi thấy bố nằm bất động, máu chảy nhiều ở mặt, Minh mới chịu dừng tay. Đánh bố đẻ xong, đối tượng lấy nước đổ lên người bố, rồi bỏ mặc vào nhà ngồi hút thuốc lào. Ít phút sau, cô con dâu của Minh về thấy ông nội nằm bất động ở sân vội hô hoán mọi người đưa đi bệnh viện cấp cứu, nhưng đã quá muộn. Giám định pháp y cho thấy, ông K bị nhiều thương tích ở vùng đầu, mặt và nguyên nhân tử vong do sốc vì đa chấn thương.

Cùng cảnh ngộ, tối 8-5-2013, Nguyễn Văn Tín (SN 1980, trú ở thôn Thu Quế, xã Song Phượng, Đan Phượng, Hà Nội) đi xe đạp ra ruộng ngô của gia đình ở bãi Đìa Chuối 3, thôn Thu Quế - nơi ông Nguyễn Văn Tân (62 tuổi, bố đẻ Tín) đang trông nom để xin tiền khao bạn. Tại đây, hai bố con xảy ra cãi vã vì ông Tân nhất quyết không cho tiền. Cơn điên nổi lên, Tín dùng 2 lưỡi kéo vừa nhặt được đâm bố đẻ liên tiếp đến tắt thở mới thôi. Gây án xong, Tín như người mộng du. Trong đêm tối, đối tượng đạp xe lên chùa Trăm Gian và tha thẩn suốt đêm ở đó. Mờ sáng hôm sau, Tín đạp xe quay lại ruộng ngô của gia đình thì thấy có nhiều ô tô và đông người đang có mặt. Chỉ đến lúc này, đối tượng mới choàng tỉnh nên sợ hãi trốn vào ngôi nhà hoang giữa đồng. Tối cùng ngày, khi Tín ra chỗ đặt quan tài bố để chịu tang thì bị bắt giữ.

Tại phiên tòa xét xử Nguyễn Văn Tín mới đây, ngoài bản kết luận pháp y khẳng định đối tượng bị bệnh tâm thần thì đại diện hợp pháp của bị cáo là chị Nguyễn Thị T (chị gái Tín) cũng trình bày với tòa rằng em trai chị vốn có biểu hiện tâm thần. Minh chứng rõ nhất là một hôm, Tín đùng đùng nổi giận giết chết con chó của gia đình, bất chấp nó vừa đẻ một đàn con. Lần ấy, Tín cũng đã xông vào đánh bố, khiến cả 2 cùng phải nhập viện. Cũng theo chị T, mặc dù biết Tín có biểu hiện tâm thần từ khá lâu, song gia đình chị đã quá chủ quan và không đưa đi chữa trị kịp thời. 

Người thân cần tỉnh táo nhận biết

Là người bào chữa cho đối tượng sát hại bố đẻ ở xã Đông Lỗ, huyện Ứng Hòa ngay từ giai đoạn điều tra, Luật sư Trần Chí Thanh – Phó trưởng VPLS Tâm Đức (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, từ nhỏ Vũ Văn Minh đã mắc bệnh tâm thần. Do đó, từ lâu chính quyền địa phương đã đưa Minh vào diện được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng. Tuy nhiên, chưa bao giờ Minh được gia đình đưa vào cơ sở chữa bệnh. Tham gia giải quyết vụ án, luật sư Thanh đã có văn bản kiến nghị và được TAND TP Hà Nội chấp thuận trả hồ sơ cho VKSND cùng cấp để giám định bệnh lý tâm thần đối với Minh. 

Cũng theo luật sư Thanh, việc gia đình bị can Minh không kịp thời đưa người thân đi trị bệnh là thiếu sót rất lớn của họ. Và cũng chính vì thế nên mới dẫn tới vụ án đau lòng. Chia sẻ thêm về vấn đề người tâm thần phạm tội, luật sư Thanh cho biết, đối với người mắc bệnh ở thể nặng thì không nói làm gì, nhưng nguy hiểm hơn là ở chỗ có nhiều trường hợp chỉ khi gây ra hậu quả nặng nề, bị khởi tố và bắt giam rồi thì mới phát hiện can phạm đó có nhược điểm về tinh thần. Những can phạm ấy thường bị hạn chế một phần về nhận thức và điều khiển hành vi ở vào thời điểm trước, trong hoặc sau khi phạm tội.

Về chính sách pháp luật đối với những người tâm thần (chưa mất hết năng lực nhận thức và điều khiển hành vi) gây án, luật sư Thanh cho biết, về nguyên tắc phải áp dụng biện pháp chữa bệnh bắt buộc trước, sau đó mới tiến hành xét xử. Giải quyết vụ án, các cơ quan tiến hành tố tụng cũng buộc phải áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định tại điểm n, khoản 1, Điều 46-BLHS (có nhược điểm về thể chất và tinh thần) đối với bị can, bị cáo.

Còn theo bác sỹ (BS) Nguyễn Thị Sáu, Trưởng khoa Khám bệnh - Cận lâm sàng (Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương), những người bị tâm thần cho dù ở bất cứ thể bệnh nào thì bình thường họ có thể rất hiền lành. Nhưng khi bị kích động bởi lời nói hay hành vi nào đó, họ rất dễ trở nên hung giữ và mất kiểm soát. Về bệnh lý, BS Sáu cho biết có nhiều loại mã bệnh khác nhau được ký hiệu từ F1, F2, F3, F4…, từ F2, F3 trở lên sẽ là các rối loạn về tâm lý, ảo thanh, ảo giác chi phối. Hầu hết người mắc bệnh tâm thần đều bị mãn tính và chỉ cần điều trị trong những giai đoạn cấp tính. Hơn nữa, thực tế là người mắc bệnh tâm thần không phải lúc nào cũng bộc phát ra bên ngoài mà chỉ hay phát bệnh theo mùa, thời tiết; ở những thời khắc nhất định hoặc khi gặp phải những sang chấn tâm lý, biến cố trong cuộc sống.  

 

Giải thích vì sao người tâm thần thường gây án với chính những người ruột thịt, BS Nguyễn Thị Sáu cho biết, hơn ai hết những người thân của họ thường là người giám sát, kiểm soát hoặc hàng ngày có những va chạm nhất định. Điều đó dần hình thành tâm lý phản kháng hoặc tự vệ trong trí não người tâm thần. Sau đó, khi bị những ảo giác, ảo tưởng cộng hưởng thì bệnh lý họ sẽ bùng nổ. Nói về những dấu hiệu bệnh lý, vị bác sỹ này chia sẻ không dễ gì để nhận ra người mắc bệnh tâm thần và có lẽ chỉ có những người thân thích mới nhận biết rõ nhất.

Theo đó, dấu hiệu chung sẽ là tất cả các biểu hiện bất bình thường từ hành vi, cử chỉ, lời ăn tiếng nói đến sắc thái, biểu cảm trên gương mặt cũng như cung cách ứng xử với xung quanh. Khi nhận thấy những biểu hiện ấy bất thường của một người diễn ra trong một khoảng thời gian nhất định thì những người xung quanh cần tránh gây ra những xung động, áp lực, ức chế và tuyệt đối không chê trách, bình phẩm hành vi của họ. Đồng thời phải xử sự nhẹ nhàng, vỗ về, động viên, an ủi và chia sẻ… Sau cùng là xin tư vấn của bác sỹ, trường hợp cần thiết sẽ phải điều trị bằng thuốc cùng các liệu pháp kèm theo.