Nỗi đau mất mẹ chồng lên cảnh tiếc thương cha

ANTĐ - Nỗi đau mất mẹ khi vừa mới hết tang cha đã khiến những đứa trẻ mồ côi không còn cảm nhận được gì ngoài sự mất mát và tận cùng hụt hẫng...

Phiên xét xử được bắt đầu bằng sự sẻ chia nỗi đau mà vị thẩm phán, chủ tọa phiên tòa gửi đến các con của bị hại. Phía dưới, anh em Trinh ngồi lặng lẽ, ngơ ngác. Có lẽ, nỗi đau mất mẹ khi vừa mới hết tang cha đã khiến những đứa trẻ mồ côi không còn cảm nhận được gì ngoài sự mất mát và tận cùng hụt hẫng...

Ngày 16-8-2011, TAND H. Gio Linh, Quảng Trị mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án Hoàng Long (1990, trú P. Đông Lương, TP Đông Hà) bị VKSND truy tố tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”. Bị hại là chị Lê Thị Liễu (1964, còn gọi là Liệu, trú xã Gio Việt, Gio Linh). Chị Liễu trước khi bị nạn là góa phụ nghèo, chồng mất vì TNGT hơn 2 năm trước, có 4 người con, trong đó 2 đứa đang học cấp II là Trinh (nữ) và Trãi (nam). Hai anh của Trinh thương mẹ nên ly hương mưu sinh phụ giúp gia đình nhưng cũng chỉ là phận làm thuê, bấp bênh lắm. Làng xóm bảo chị Liễu thương con biết mấy mà kể, nhất là út Trinh thiệt thòi, khuyết tật hay đau ốm. Nhưng nghiệt ngã thay, người mẹ ấy ra đi mà không kịp nhìn mặt các con thương yêu lần cuối sau cú đánh vô-lăng lấn đường của tay lái ẩu vào đêm 29-1-2011. Cay đắng chưa dừng lại đó...

Nhân chứng Lê Minh Quang cho biết: trên xe tải, ngoài Long điều khiển còn có anh và Hà Văn Dũng, đều là bạn của nhau. Xe chạy trên đường Xuyên Á xuống Cửa Việt, đến đoạn thôn Tân Xuân (Gio Việt) thì phía trước có chiếc xe máy bật đèn pha lưu thông ngược chiều. Long liền đánh vô-lăng cho xe tấp vào lề phải để tránh thì bất ngờ nghe một tiếng va chạm lớn, đèn xe phía phải vỡ, tắt ngúm. Trời lúc ấy đang đổ mưa. Chiếc xe máy ngược chiều đã lao vút qua, còn phía sau là chiếc xe tải cũng khuất dần trong bóng đêm. Bên lề đường, nạn nhân Liễu nằm đó, chân tay đều bị gãy lòi xương ra ngoài, ngực bụng đa chấn thương nặng. Nếu được đưa đến bệnh viện kịp thời thì tính mạng của chị biết đâu đã được cứu. Đáng tiếc, chỉ còn là những từ “nếu”, bởi kẻ gây ra tai nạn đã bỏ chạy khỏi hiện trường.

Út Trinh chưa nguôi nỗi nhớ về mẹ.

Út Trinh chưa nguôi nỗi nhớ về mẹ. 

Tại phiên tòa, bị cáo Long khai rằng không hề biết gây TNGT, chạy tiếp khoảng 5km thì Quang nói “hình như tông người rồi” thì Long mới quay đầu xe lại. Long khai có chạy xe chầm chậm để tìm người nhưng không thấy. Thật khó tin, bởi nạn nhân nằm tại hiện trường cho đến hôm sau mới được người dân phát hiện.

Việc Long bỏ trốn vào TPHCM ngay sáng hôm sau vì quá hoảng sợ, theo lời khai của bị cáo, càng chứng tỏ bị cáo rất hiểu sự nghiêm trọng mà mình gây ra. Theo dõi phiên tòa, nhiều người không khỏi bức xúc trước sự vô trách nhiệm của Long và hụt hẫng trước thái độ thờ ơ đến tội lỗi ấy. Còn Quang, sau đôi lời khuyên can bạn rồi cũng có việc riêng phải vào TPHCM. Chuyện tưởng sẽ qua đi...

Bị cáo Hoàng Long

Bị cáo Hoàng Long 

Trước tính chất nghiêm trọng của vụ án cũng như xót xa hoàn cảnh bị hại, CAH Gio Linh vào cuộc điều tra, ráo riết truy tìm kẻ phạm tội dù thời điểm đó đã cận kề Tết Nguyên đán.

Với manh mối là chút mảnh gương vỡ vương lại ở hiện trường, lực lượng điều tra đã rất vất vả sàng lọc hơn 1.800 chiếc ô-tô dòng KIA và 3 ngày sau đã tìm ra đúng chiếc xe gây tai nạn. Long cũng được vận động về CQĐT đầu thú.

Trong những ngày Long bị tạm giam, cha mẹ Long đã cố gắng bồi thường khắc phục hậu quả dẫu biết nỗi mất mát về tình thân của anh em Trinh không tiền bạc nào xoa dịu được. Tòa xem xét toàn bộ vụ án và tuyên phạt Long 18 tháng tù, cấp dưỡng cho hai em Trinh, Trãi hết tuổi 18 theo luật định.

Nhiều người cho rằng mức hình phạt không tương xứng với hành vi phạm tội. Tuy nhiên, Long vốn là thanh niên chăm chỉ, chưa từng có tiền án, tiền sự, những ngày ở trại tạm giam cũng đã thấm thía về hậu quả mà mình gây ra và đó là tình tiết được xem xét khi tuyên án.

Tiên, con trai thứ 2 của chị Liễu tâm sự: nhà mấy anh em đang ở là tá túc đất của cậu ruột. Lâu nay mẹ con chị Liễu vẫn chưa đủ tiền để mua đất và cất một căn nhà vào ra đúng nghĩa. Mẹ mất, Tiên từ TPHCM ra để chăm các em đang đi học, Tiên cũng bàn với vợ “gác” lại dự định sinh con để chung tay lo cho các em học hành. Sau khi tai nạn xảy ra, đã có nhiều tấm lòng hảo tâm từ TP Đà Nẵng, TPHCM hỗ trợ tiền bạc, động viên mấy anh em vượt qua những khó khăn trước mắt, và nhất là để tiếp sức cho việc học của Trinh và Trãi không bị gián đoạn vì hoàn cảnh nghiệt ngã, bất hạnh.

Phiên tòa đã khép lại, nhưng nỗi đau vẫn còn đó. Và, một điều nữa lớn hơn, rộng hơn là nó đã đánh động vào những ai tham dự phiên xét xử, rằng hãy luôn có trách nhiệm mỗi khi tham gia giao thông, dù bằng phương tiện thô sơ hay cơ giới. Bởi, ý thức tham gia giao thông, văn hóa giao thông, chấp hành luật giao thông là điều kiện tiên quyết để không gây ra nỗi đau cho chính mình cũng như xã hội.