Một miếng đất cầm cố cho 4 người

ANTĐ - Lún sâu vào hụi họ, Tạ Thị Hợi liên tục “khát tiền” dẫn đến phải vay tiền của người này để đắp điếm vào khoản nợ của người khác. Bị cáo còn nhắm mắt làm liều, dùng giấy tờ nhà đất giả để cầm cố vay tiền.

Một miếng đất cầm cố cho 4 người ảnh 1Ra tòa, Tạ Thị Hợi ra sức cho rằng bị chủ nợ “cài bẫy”

“Bảo bối” của người quá cố... 

Tại phiên tòa ngày 27-3, Tạ Thị Hợi (SN 1959, trú ở phường Quang Trung, thị xã Sơn Tây, Hà Nội) bị truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, theo quy định tại điểm a, khoản 4, Điều 139-BLHS. Những người tố cáo bị Hợi dùng giấy tờ nhà đất giả để chiếm đoạt tiền là 3 chủ nợ, trong đó có vợ chồng anh Phùng Đức Giang, trú ở quận Hoàng Mai, Hà Nội. Cụ thể, tài liệu điều tra thể hiện, năm 1995, chồng Tạ Thị Hợi qua đời và để lại thửa đất hơn 400m2, tại thôn Thái Bình, xã Bình Yên, Thạch Thất, Hà Nội. Tạ Thị Hợi phát hiện trong tủ của gia đình có tổng cộng 4 bộ giấy tờ nhà đất, tương ứng với thửa đất nêu trên, trong đó có ít nhất 3 bộ giấy tờ là giả. Ngày 31-1-2011, do cần tiền nên bị cáo lấy 1 bộ giấy tờ nhà đất trong hòm mang tới thế chấp cho chị Nguyễn Thu Phương (ở cùng thị xã Sơn Tây) để vay 200 triệu đồng. Sau hơn 1 năm không trả được lãi (ngày 28-4-2012), chị Phương và Hợi buộc phải lập giấy chốt nợ với nhau là 350 triệu đồng. 

Cuối năm 2011, Hợi lại dùng 1 bộ giấy tờ nhà đất giả khác mang đến thế chấp cho chị Nguyễn Thị Thành (cũng ở thị xã Sơn Tây) lấy 400 triệu đồng. Tuy nhiên, cũng như lần trước, Hợi không trả được tiền vay nên buộc phải chốt nợ với chị Thành là 560 triệu đồng, cũng vào ngày 28-4-2012. Cùng giai đoạn đó, Hợi nhiều lần vay của vợ chồng anh Phùng Đức Giang, ở quận Hoàng Mai tổng số tiền hơn 2 tỷ đồng và cũng dùng bộ giấy tờ nhà đất giả để làm tin. Những giấy tờ Hợi ký nhận vay nợ vợ chồng anh Giang lần lượt ở vào các thời điểm là ngày 9-12-2011 vay 500 triệu đồng, ngày 11-12-2011 vay 500 triệu đồng và ngày 1-4-2012 vay hơn 1 tỷ đồng. 

Lý giải về các bộ giấy tờ nhà đất giả, Hợi khai tất cả đều do người chồng quá cố làm ra tại thời điểm mua đất. Khi dọn dẹp nhà cửa, Hợi tình cờ phát hiện các bộ giấy tờ nhà đất này nên cất giữ chờ có cơ hội sẽ sử dụng. 

Còn chi tiết cần làm rõ

Cũng theo lời khai của Hợi, bộ giấy tờ thứ tư  cũng đã được  thế chấp cho cặp vợ chồng ở thị xã Sơn Tây vì một khoản vay mượn khác. Thế nhưng, do người thứ tư nhận cầm cố giấy tờ nhà đất chưa kịp thời giao nộp nên CQĐT quyết định tách rút phần nội dung này ra thành một vụ án khác và sẽ xử lý sau. 

Trong quá trình tố cáo, vợ chồng anh Giang trước sau đều khẳng định, các lần Hợi vay tiền đều độc lập và hoàn không liên quan đến nhau. Tuy nhiên, với tài liệu là bảng kê chi tiết tiền gốc, lãi mà bị cáo giao nộp cho cơ quan tiến hành tố tụng, đồng thời khẳng định đó là chữ viết của vợ chồng chủ nợ, thì vợ chồng anh Giang nhất quyết không công nhận. Bởi theo bị hại này, đó chỉ là... bản nháp và hoàn toàn không biết do đâu mà bị cáo lại có được nó. Trong khi ấy, trước vành móng ngựa, bị cáo Tạ Thị Hợi một mực rằng, thực tế số tiền mà bà ta vay nợ của vợ chồng anh Giang chỉ có 395 triệu đồng. Trong đó, Hợi cắt ra 60 triệu đồng cho một người vay “ăn theo”. Số tiền còn lại, Hợi dùng để đắp điếm hết vào các khoản nợ từ trước. 

Trong quá trình xét xử, nhận thấy lời khai của bị cáo có nội dung cần làm rõ, đồng thời cần thiết phải giám định thêm một số “bút tích” của cả bị cáo lẫn bị hại, HĐXX sơ thẩm TAND TP Hà Nội đã quyết định hoãn tòa để điều tra bổ sung. Trước đó, do không đủ căn cứ để xem xét trách nhiệm hình sự đối với Tạ Thị Hợi về hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức nên CQĐT cũng không đề cập xử lý.