Liên tục thành lập doanh nghiệp để lừa đảo

ANTĐ - Muốn kiếm tiền nhanh, Trung cùng đồng bọn thành lập một loạt công ty để lừa đảo hàng chục tỷ đồng của những người muốn đi lao động nước ngoài.

Liên tục thành lập doanh nghiệp để lừa đảo ảnh 1Nguyễn Mạnh Trung (thứ hai, bên phải) cùng đồng bọn tại tòa

Sau 2 ngày xét xử, hôm qua (23-10), TAND TP Hà Nội đã quyết định tuyên phạt Nguyễn Mạnh Trung (SN 1969, trú ở thôn Hạ, xã Phùng Xá, Mỹ Đức, Hà Nội) 19 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Tổng hợp với bản án mới đây của TAND Tối cao tại Hà Nội cũng về tội “Lừa đảo chiếm đoạt sản”, cựu Giám đốc Công ty CP Thương mại công nghệ Mạnh Trung (gọi tắt là Công ty Mạnh Trung) phải chấp hành 30 năm tù giam. Giữ vai trò thứ hai, Nguyễn Huyền My (SN 1983, trú ở tổ 27, cụm 4, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ) cũng phải lĩnh 19 năm tù giam. 

Liên quan đến vụ án, Vũ Bá Thủy (SN 1978, ở xã An Tiến, huyện Mỹ Đức), Trần Văn Trình (SN 1983, trú xã Minh Tân, Hàm Yên, Tuyên Quang) và Nguyễn Văn Qua (tức Quân, SN 1981, ở xã Quảng Châu, TP Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên) lần lượt phải nhận từ 12 đến 16 năm tù cùng tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Bị hại của ổ nhóm lừa đảo này là hàng chục người, lao động ở nhiều tỉnh, thành phố khác nhau.

Quá trình xét xử, Tòa án Hà Nội đã làm rõ, năm 2004, Nguyễn Mạnh Trung đứng ra thành lập Công ty Mạnh Trung với ngành nghề kinh doanh chính là giáo dục dạy nghề, môi giới việc làm và hoàn toàn không có chức năng xuất khẩu lao động. Quá trình hoạt động, đối tượng thấy nhiều người có nhu cầu xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc nên nảy sinh ý đồ lừa đảo.

Để tạo ra vỏ bọc doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng, Trung tuyển dụng Nguyễn Văn Qua, Trần Văn Trình, Vũ Bá Thủy vào công ty, đồng thời lần lượt giao cho các đối tượng này những chức danh quan trọng. Tiếp đến, Trung cho đăng thông báo tuyển người đi xuất khẩu lao động theo chương trình chuyển giao công nghệ giữa công ty mẹ và công ty con tại Hàn Quốc, thời hạn từ 3 – 5 năm. Thông báo của Trung cùng đồng bọn thể hiện, những người đi lao động tại Hàn Quốc sẽ có thu nhập từ 800USD đến 1.200USD/tháng; thời gian từ khi đăng ký đến lúc được bay chỉ từ 1-5 tháng và tổng mức chi phí là 10.000USD. 

Cuối năm 2007, khi đã nhận được hồ sơ và tiền đặt cọc của một số người, Trung và đồng bọn nhanh chóng làm thủ tục giải thể doanh nghiệp, đồng thời lần lượt thành lập thêm 3 công ty nữa để tiếp tục lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bằng thủ đoạn đó, từ tháng 4-2007 đến tháng 4-2010, Trung cùng đồng bọn đã nhận của 50 người cùng 42 đầu mối đưa người đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc ở 17 tỉnh, thành phố trên cả nước với tổng số tiền gần 21 tỷ đồng. 

Đối với Nguyễn Huyền My, hồ sơ vụ án cùng lời khai của bị cáo tại phiên tòa cho thấy, đối tượng vốn là nhân viên hợp đồng của Trạm y tế phường Nhật Tân, quận Tây Hồ. Tháng 11-2007, My thấy việc lừa tiền của người có nhu cầu xuất khẩu lao động quá dễ dàng nên bỏ việc ở trạm y tế và tự giới thiệu bản thân là cán bộ của Cục Lao động ngoài nước – Bộ LĐ-TB&XH.

Qua quan hệ xã hội, My quen biết Thủy nên bàn với đối tượng này báo cáo “sếp” rằng chị ta sẽ lo “đầu ra” cho những người có nhu cầu xuất khẩu lao động thông qua các công ty do Trung đứng tên với chi phí chỉ 6.000USD/người. Ngoài việc nhờ My lo cho một số trường hợp đã đăng ký, Thủy còn hướng dẫn cho hàng loạt đầu mối ở nhiều địa phương khác nhau trực tiếp nộp tiền và hồ sơ xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc cho My… Tại tòa, HĐXX đã làm rõ, trong số gần 21 tỷ đồng nêu trên, My chiếm đoạt gần 7 tỷ đồng; Trung chiếm đoạt hơn 6,3 tỷ đồng; Thủy chiếm đoạt hơn 3,6 tỷ đồng; Trình hưởng lợi bất chính hơn 2 tỷ đồng và Qua chiếm hưởng gần 1,9 tỷ đồng. Quá trình điều tra, các bị cáo mới hoàn trả cho các bị hại hơn 6,1 tỷ đồng.

Tiến hành xét xử, tòa khẳng định hành vi của Trung cùng đồng bọn rất nguy hiểm đối với xã hội vì các bị cáo không chỉ chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn mà còn sử dụng thủ đoạn hết sức tinh vi. Do đó, HĐXX sơ thẩm TAND TP Hà Nội đã lần lượt áp dụng các mức án nghiêm khắc đối với từng bị cáo như nêu trên.