Kẻ bị truy nã ân hận vì 4 năm không được gặp mặt con

ANTĐ - Sau khi tham gia vào vụ xô xát tại phố Đào Duy Từ và gây ra cái chết cho anh Nghiêm Đình Dũng, trong khi đồng bọn lần lượt sa lưới pháp luật thì Nguyễn Văn Long “lặn” rất sâu để trốn tránh tội lỗi của mình. Tuy nhiên, sau gần 4 năm lẩn trốn khắp trong Nam ngoài Bắc, Nguyễn Văn Long đã không thể trốn thoát khỏi sự truy lùng của pháp luật.

Bắn chết người vì mâu thuẫn trong lúc đòi nợ

Trưa ngày 22-10-2011, bà Hoàng Thị Uyên (SN 1958) trú tại 36 Mã Mây, quận Hoàn Kiếm đến nhà chị Mai ở ngõ Đào Duy Từ để đòi nợ. Tại đây, bà Uyên gặp Nguyễn Văn Thanh (SN 1969) ở số 10, ngõ Đào Duy Từ, phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm cũng là người đến đòi nợ nhà chị Mai.

Khi Thanh đang nói chuyện với anh Cảnh là chồng chị Mai, thì chị Uyên đứng gần đó cũng tham gia. Khó chịu vì có người khác xen vào câu chuyện của mình, Nguyễn Văn Thanh quay sang nhắc nhở bà Uyên. Vốn cũng là dân xã hội nên bà Hoàng Thị Uyên cũng chẳng ngại ngần “bật” lại Thanh. Sợ bị mất mặt ngay ở nhà con nợ nên Nguyễn Văn Thanh đã xảy ra xô xát với bà Uyên. Do được mọi người can ngăn kịp thời nên bà Uyên đã “thoát” được về nhà.

Tuy nhiên với Thanh thì câu chuyện chưa dừng lại ở đó. Vẫn ấm ức vì chuyện bị đối thủ bêu xấu, khoảng 9h30 đêm hôm đó, Thanh lại tìm đến trước cửa nhà bà Uyên để chửi bới, gây sự. Tuy nhiên, địa chỉ mà Thanh tìm đến để gây sự cũng không phải dạng vừa. Trong lúc Thanh chửi đang “sướng” mồm thì từ trong nhà bàn Uyên, có một nhóm thanh niên cầm theo dao kiếm ra “lùa” kẻ dám thách thức ở ngoài đường. Thấy nhóm đối thủ quá đông và quá nguy hiểm, Thanh bỏ chạy về nhà. 

Kẻ bị truy nã ân hận vì 4 năm không được gặp mặt con ảnh 1

Đối tượng Nguyễn Văn Long trước và sau khi bị bắt

Từ chuyện va nhau ở nhà con nợ, nhưng thấy thái độ của Thanh có phần trên phân nên gia đình bà Uyên quyết không bỏ qua. Chỉ 2 tiếng sau cuộc va chạm ở nhà bà Uyên, lúc này gia đình bà Uyên đã tập hợp xong lực lượng.

23h đêm hôm đó, Nghiêm Hoàng Tùng (Sn 1985, con trai bà Uyên) cùng bố đẻ là ông Nghiêm Đình Dũng (SN 1957), anh họ là Vũ Tuấn Anh, anh rể là Vũ Huy Phong và một số đối tượng khác cầm dao, kiếm, súng đến ngõ Đào Duy Từ để tìm Nguyễn Văn Thanh hỏi chuyện. Do không biết chính xác nhà của Thanh ở đâu nên nhóm của Tùng đứng rải rác trong ngõ Đào Duy Từ để phục chờ Thanh.

Về phần Nguyễn Văn Thanh, sau khi gây chuyện ở nhà bà Uyên trở về nhà biết gia đình bà Uyên chắc chắn sẽ không bỏ qua chuyện này lên cũng tìm cách để đối phó và đã âm thầm chuẩn bị sẵn lực lượng chờ sẵn.

Trong lúc nhóm của Nghiêm Đình Dũng còn đang mai phục chờ đối thủ thì bất ngờ có 2 thanh niên chạy từ ngách số 10 ngõ Đào Duy Từ ra nổ súng thẳng vào đầu Nghiêm Đình Dũng khiến Dũng gục ngã tại chỗ. Đồng bọn của Dũng cùng con trai Dũng là Nghiêm Hoàng Tùng đuổi theo 2 thanh niên vào ngách số 10, nhưng bị đối tượng ở trong ngách bắn ra khiến nhóm của Tùng phải bỏ chạy. 

Nghiêm Đình Dũng mặc dù được đưa vào bệnh viện cấp cứu kịp thời nhưng do thương tích nặng vì bị bắn vào đầu nên đã tử vong sau đó. Do tính chất nghiêm trọng của vụ việc nên ngay sau đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Hoàn Kiếm phối hợp với Phòng Cảnh sát Hình sự - Công an TP Hà Nội đã khẩn trương vào cuộc điều tra, thu thập tài liệu chứng cứ để làm rõ vụ án.

Chỉ 2 ngày sau khi vụ án xảy ra, Nguyễn Văn Thanh đã đến cơ quan công an đầu thú, tự nhận đã dùng súng bắn đạn hoa cải bắn vào ông Dũng. Tiến hành khám xét nhà Nguyễn Văn Thanh, cơ quan công an còn thu giữ 4 viên đạn súng hoa cải. Tuy nhiên, trên cơ sở tài liệu chứng cứ thu thập được, Cơ quan CSĐT - CAQ Hoàn Kiếm cùng Phòng CSHS - CATP Hà Nội đã làm rõ Thanh là đối tượng gọi đồng bọn đến để bắn ông Dũng.

Những đối tượng được Thanh “nhờ” đến để giải quyết việc gồm có Nguyễn Văn Long (SN 1985) ở số 3 ngõ Đào Duy Từ, quận Hoàn Kiếm, Nguyễn Văn Nam (SN 1986), ở tổ 12 thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh, Hà Nội và Đỗ Minh Đức (SN 1989) trú tại TP Thái Nguyên, đang bị CATP Thái Nguyên truy nã về tội cố ý gây thương tích.

Tập trung truy xét, Công an quận Hoàn Kiếm phối hợp với Đội Điều tra trọng án - Phòng CSHS - Công an TP Hà Nội đã bắt được Nguyễn Văn Nam, Đỗ Minh Đức và các đối tượng khác. Riêng Nguyễn Văn Long đã bỏn trốn. Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội sau đó đã xét xử Nguyễn Văn Thanh và Nguyễn Văn Nam mức án chung thân về tội giết người.

Các đối tượng còn lại đều phải chịu mức án thích đáng về tội gây rối trật tự công cộng và không tố giác tội phạm. Riêng đối với Nguyễn Văn Long, ngày 21-12-2011, Cơ quan Cảnh sát điều tra CATP Hà Nội đã ra quyết định truy nã đặc biệt số 11 trên toàn quốc về hành vi Giết người. 

Gây án khi bạn gái có bầu

Trong vụ án giết người xảy ra tại ngõ Đào Duy Từ, Nguyễn Văn Long tuy không phải là người trực tiếp bắn Nghiêm Đình Dũng nhưng vai trò của Long lại hết sức quan trọng. Nguyễn Văn Long là cháu của Nguyễn Văn Thanh. Sau khi xảy ra việc xô xát giữa Nguyễn Văn Thanh và gia đình bà Hoàng Thị Uyên, Long được chú mình đặt vấn đề nhờ trợ giúp. Sau đó chính Nguyễn Văn Long là người đã gọi điện cho Nguyễn Văn Nam mang súng đến để giải quyết. Và chính Long là người cùng với Nam chạy ra để giao chiến với nhóm của Thanh.

Khi biết tin Nghiêm Đình Dũng đã chết và cơ quan công an đang truy lùng mình, Nguyễn Văn Long đã che giấu thân phận của mình và bỏ trốn rất kỹ. Sự biến mất của Long khiến Đội điều tra hình sự Công an Quận Hoàn Kiếm hết sức “nóng mặt”. Tuy nhiên việc truy bắt Nguyễn Văn Long không hề đơn giản bởi mức án mà đồng bọn đã lĩnh trong vụ này khiến cho Long càng thêm thận trọng trong việc che giấu thân phận của mình.

Trung tá Nguyễn Hữu Điển - Phó đội trưởng đội Điều tra hình sự - Công an quận Hoàn Kiếm cho biết: Trong suốt quá trình lẩn trốn của Nguyễn Văn Long, Đội điều tra hình sự vẫn bám theo dấu vết và âm thầm thu thập những thông tin về đối tượng này. Khoảng thời gian đầu năm 2015, Đội Điều tra Hình sự Công an quận Hoàn Kiếm tiến hành rà soát hồ sơ của những đối tượng có lệnh truy nã trên địa bàn, trong đó có trường hợp của Nguyễn Văn Long. Với quyết tâm phải truy bắt bằng được đối tượng nguy hiểm vẫn đang ở ngoài vòng pháp luật này, Đội Điều tra hình sự - Công an quận Hoàn Kiếm đã báo cáo lãnh đạo Công an quận lập hồ sơ chuyên án để truy bắt đối tượng này.

Ngay sau khi chuyên án được thành lập, các trinh sát đã rà soát lại toàn bộ những hồ sơ và thông tin của đối tượng. Sau một thời gian dài theo dấu và bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ để thu thập dấu vết của Nguyễn Văn Long, Ban chuyên án đã nắm được thông tin sau một thời gian lẩn trốn tại các tỉnh phía Nam, đối tượng hiện đang xuất hiện tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.

Đây là một nút thắt quan trọng giúp cơ quan công an có thể khoanh vùng và truy bắt đối tượng. Trung tá Kiều Đình Vinh, đội Điều tra hình sự Công an quận Hoàn Kiếm cho biết, khó khăn nhất trong quá trình truy bắt đối tượng Nguyễn Văn Long đó là việc nhận dạng Long. Sau 4 năm lẩn trốn ngoài vòng pháp luật chắc chắn Long đã có sự thay hình đổi dạng rất nhiều để đối phó với cơ quan chức năng. Trong khi đó, đối với lực lượng truy bắt trong tay chỉ có duy nhất tấm ảnh của Long trong tàng thư lưu trữ đã được chụp từ cách đó gần 15 năm.

Sau khi củng cố nguồn tin Ban chuyên án quyết định cử một tổ công tác do đích thân Trung tá Nguyễn Hữu Điển dẫn đầu vào Nha Trang để truy bắt đối tượng Nguyễn Văn Long. Xác định Long là đối tượng gây án nghiêm trọng, manh động có thể sẽ luôn mang theo vũ khí nóng trong người nên các phương án truy bắt Long được tổ công tác tính toán và cân nhắc hết sức chặt chẽ.

Bằng các biện pháp nghiệp vụ, sau nhiều ngày theo dấu, xác minh đối tượng các trinh sát nhận định, Nguyễn Văn Long có thể đang lẩn trốn trong một ngôi nhà người quen ở TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. 

Khi đã xác minh được địa chỉ mà đối tượng nghi là Long ẩn náu, tổ công tác tiến hành mật phục xung quanh địa điểm nghi ngờ. Tuy nhiên, hơn một ngày trôi qua ngôi nhà vẫn đóng cửa kín mít, bóng dáng của Long vẫn biệt tích.

Tiến hành xác minh bằng các biện pháp nghiệp vụ, tổ công tác có nguồn tin giá trị, ngôi nhà mà các trinh sát đang theo dõi có một người đàn ông lạ mặt, nói giọng Bắc xuất hiện, tuy nhiên người này lại đăng ký tạm vắng dưới một tên khác chứ không phải là Long. Nhận định rất có thể đối tượng đã làm giả giấy tờ, tổ công tác vẫn kiên trì bám theo dấu vết.

Đến ngày thứ 2 khi cửa ngôi nhà hé mở, các trinh sát mật phục quanh ngôi nhà phát hiện có một thanh niên cởi trần trên mình có nhiều hình săm đang quay lưng ra phía cửa. Tổ công tác tìm cách áp sát, tiếp cận ngôi nhà tuy nhiên vẫn chưa biết chắc chắn đối tượng này liệu có phải là Nguyễn Văn Long hay không. Tình thế ấy buộc tổ công tác phải dùng cách thử. Một trinh sát bất ngờ cất tiếng gọi tên cúng cơm của Nguyễn Văn Long, theo phản xạ thanh niên ngồi trong nhà quay đầu lại. Ngay lập tức đối tượng đã bị áp sát và khống chế. 

Khi bị bắt, Nguyễn Văn Long liên tục có hành động chống đối, cho rằng cơ quan công an đã bắt nhầm người. Long còn liên tục la hét cho mọi người xung quanh vào để giải cứu. Tuy nhiên khi tổ công tác đưa ra lệnh truy nã đặc biệt của Nguyễn Văn Long thì hắn chỉ còn cách cúi đầu im lặng và phải theo chân các chiến sĩ công an về Trụ sở Công an TP Nha Trang. 

Trên đường dẫn giải Long trở về Hà Nội, Long có hỏi thăm các trinh sát về tình hình gia đình của y tại Hà Nội, khi được thông báo sau vụ việc mà Long gây ra, gia đình y đã chuyển khỏi chỗ ở trước đây tại phố Đào Duy Từ, Long ngỡ ngàng vì đã lâu y không hề hay biết thông tin gì về gia đình.

Long tâm sự với tổ công tác, khi Long gây án lúc đó bạn gái y đang có bầu. Trong suốt những ngày trốn truy nã vào Nam rồi ra Bắc, hắn lúc nào cũng ân hận vì chưa có thời gian để chăm sóc chu toàn cho con mình. Lần này khi bị bắt chắc chắn Long biết mình đang phải đối diện với một hình phạt nghiêm khắc của pháp luật, ngày trở về để đoàn tụ cùng gia đình và đứa con vẫn còn rất xa. Nguyện vọng của Long khi nói chuyện cùng với các trinh sát của đội Điều tra hình sự quận Hoàn kiếm là chỉ mong được các đồng chí công an thông báo với gia đình để sớm có điều kiện được gặp lại họ.