Cuộc chiến 30 năm với một “gia đình tội phạm” (kỳ 2)

Cha rửa tay, con cầm kiếm lấn sâu vào tội ác

ANTĐ - 13 người con do chính bà Tám Luỹ mang nặng đẻ đau đều vướng vào phạm pháp, tù tội, từ ít đến nhiều. Họ sa vào tội lỗi do sinh ra, lớn lên trong một gia đình có quá nhiều ảnh hưởng xấu như: nghèo không được học hành, túng thiếu và tai tiếng.

KINH HOÀNG NHỮNG VỤ CƯỚP CỦA GIẾT NGƯỜI

Dưới thời bà, 13 người con do chính bà mang nặng đẻ đau đều vướng vào con đường phạm pháp, tù tội, từ ít đến nhiều. Họ sa vào tội lỗi do sinh ra, lớn lên trong một gia đình có quá nhiều ảnh hưởng xấu như: nghèo không được học hành, túng thiếu và tai tiếng. Người đi trước là tội phạm mang theo mặc cảm với cộng đồng hàng xóm và tư tưởng đối nghịch với pháp luật, đạo đức; kẻ lớn lên sau tiếp thụ lại đầy đủ... Cứ thế suốt mấy mươi năm, lúc nào trong gia đình cũng có vài người phải tù tội, một vài người phải lẩn tránh pháp luật. Không khí nặng nề, u ám như vậy nên các thế hệ sau chưa kịp lớn đã trở thành những kẻ phạm pháp cũng là điều dễ hiểu...

Trong các con trai của bà Tám Lũy, hung hãn nhất là Nguyễn Văn Tùng, biệt danh Tùng “sát thủ”. Tùng SN 1962, là con thứ tư trong gia đình. Thời thơ ấu theo mẹ lân la ở các sòng bạc, Tùng đã hấp thụ đủ các thói hư tật xấu chờ ngày bùng phát. Ngày 30-4-1975, trước cuộc tấn công vũ bão của quân đội cách mạng, quân Sài Gòn ở khắp nơi đồng loạt tan rã. Các đồn bót trống trơn, tan hoang, vũ khí quân dụng vứt lại đầy. Tùng khi ấy tuổi thiếu niên, hăm hở đi gom súng đạn về cất giấu. Thời kỳ này, Tùng chủ yếu cùng một số thành viên trong gia đình đi trộm vặt. Chúng không phải là thần thánh nên cũng có lần bị phát hiện, truy đuổi.

Đầu những năm 1980, Tùng đã ở tuổi trưởng thành, các em y như Sanh, Hoàng cũng đủ lớn. Nhập thêm vào các tên tội phạm cộm cán trong vùng như Út Xuân, Minh..., chúng thành lập băng cướp do Tùng cầm đầu. Các khẩu súng lấy được ở thành Tuy Hạ (Long Thành, Đồng Nai) ngày giao thời được chôn giấu kỹ nay được Tùng moi lên, chùi lại dầu mỡ, sau đó bắt các em cùng mình tập bắn. Như chúng tôi đã nói ở phần trước, từ năm 1968 sau khi ly thân lần thứ nhất với chồng, bà Tám Lũy đã về khu vực sông Cầu Cháy mua một mảnh đất, cất chòi ở. Đây là vùng đất hoang vu, thời đó bán kính 1km không có bất cứ nhà dân nào.

Xung quanh nhà bà Tám Lũy là sông rạch chằng chịt, những đầm lầy mọc toàn dừa nước. Vì địa hình thích hợp như vậy nên sau 30-4-1975, bà Tám Lũy đã chọn nơi này làm căn cứ. Băng cướp do Tùng cầm đầu trong hai năm (1981 - 1982) đã gây ra hàng loạt vụ án trên sông rạch thuộc các xã Đại Phước, Phú Hữu, Phước Khánh (huyện Long Thành thời đó). Người dân kinh hoàng, Công an tỉnh Đồng Nai tăng cường nhiều biện pháp phòng ngừa, các đội tuần tiễu có phương tiện thủy mạnh được điều về quyết triệt phá băng cướp này.

Thấy sông rạch đã bị phong tỏa, Tùng “sát thủ” liền chuyển hướng hoạt động lên bờ. 19 giờ ngày 15-2-1982, Tùng cùng đồng bọn đột nhập vào tiệm may Tiến Thịnh ở thị tứ Đại Phước. Đây là tiệm may có tiếng ở vùng này, hơn nữa chủ tiệm đang chuẩn bị đám cưới cho con trai hẳn phải tích trữ tiền bạc, nữ trang làm đám. Nắm được tin này nên Tùng quyết cướp cho bằng được số tiền, vàng đó. Đêm đến, xã Đại Phước có đoàn hát từ tỉnh về biểu diễn. Nhà nhà sau khi ăn cơm sớm đã lũ lượt kéo nhau ra sân bãi giành chỗ ngồi gần sân khấu, thị tứ vắng hơn ngày thường. Tiện may Tiến Thịnh vẫn đang mở cửa, phía trước anh K., con trai mới lớn của chủ tiệm, đang nói chuyện với cô vợ sắp cưới. Tùng cầm AK, em ruột hắn là Sanh “cụt” ôm khẩu M16. Chúng đi vào bằng cửa trước...

Tùng đứng giữa nhà kéo quy - lát lên đạn và dõng dạc hô:

- Tất cả đứng vào góc nhà, đưa hai tay lên đầu, ai giữ khóa tủ tiền đưa ra. Chậm một phút là có một người chết!

Nói dứt câu, Tùng nã một phát đạn vào bàn tay anh K. Máu túa ra, nạn nhân ôm vết thương đau đớn, người trong nhà hồn xiêu phách lạc, líu ríu nghe theo. Nhưng chính tiếng nổ mà Tùng gây ra đã làm lực lượng công an, xã đội đang giữ trật tự ở chỗ biểu diễn văn nghệ giật mình. Chưa đầy năm phút sau, lực lượng đã bao vây khu vực phát ra tiếng nổ. Tên Sanh đứng bên ngoài cảnh giới nghe rõ các khẩu lệnh, tiếng súng va chạm lách cách, tiếng chân dồn dập đến gần. Hoảng quá, hắn la lên báo động:

- Anh Tư (Tùng) chạy ra cửa sau mau!

Chúng phóng xuống chiếc ghe đã chuẩn bị sẵn, tháo chạy...

Sau vụ chết hụt đó, Tùng bàn với các em về việc đổi mới phương tiện thủy của chúng. Trong số ghe vượt biên bị bắt gom về bến đò Phú Hữu có những chiếc rất “chiến”. Ngày 5-8-1982, sau khi điều nghiên kỹ, Tùng hạ lệnh cho băng cướp xuất phát. Trời bắt đầu tối, Tùng và gã em ruột là Hoàng “phổi” giấu hai khẩu tiểu liên đầy ắp đạn trong người, bên ngoài chúng khoác áo mưa. Đàn em chở hai sát thủ này bằng xe đạp thả cách bến đò độ 50m. Hai tên đi xe đạp có hai khẩu carbine cưa báng làm nhiệm vụ hỗ trợ, nếu thấy Tùng và Hoàng “phổi” đụng lực lượng mạnh sẽ bắn giải vây. Nếu thuận lợi, Tùng và Hoàng sẽ cướp ghe và đi đường sông về căn cứ. Hai tên yểm trợ đạp xe theo đường bộ. Sau khi hội quân ở căn cứ sẽ thu dọn thật nhanh đồ đạc bỏ lên ghe, phóng xuống Cần Giờ trốn.

Bàn bạc xong, chúng hành sự. Lúc này trên bến đò có anh Sài là công an xã và anh Quân là du kích đang gác. Họ vừa ăn cơm tối xong, một người ngồi trên mui một chiếc ghe, người kia đi lại chậm rãi trên bờ, cả hai đều mang súng. Tùng và Hoàng lững thững tiến lại gần. Tùng lên tiếng trước:

- Hai anh chỉ giùm đường ra bến đò Phước Khánh?

Tưởng thật nên anh Sài dừng lại, chỉ về hướng TPHCM. Chờ có vậy, tên Tùng đẩy mũi súng AK ra khỏi áo mưa, bắn một tràng đạn rực lửa về phía anh Sài. Anh Sài hy sinh tại chỗ. Tùng, Hoàng lao về phía anh Quân nhả đạn không thương tiếc. Anh Quân từ trên mui trúng đạn lật xuống sạp ghe, bị trọng thương rất nặng... Những tràng tiểu liên của hai tên cướp đã đánh động lực lượng công an, dân quân xã Phú Hữu đang đóng cách bến đò khoảng 100m. Hơn chục CBCS vừa xông ra vừa bắn dữ dội về phía bọn cướp. Thấy bất lợi, Tùng - Hoàng bỏ luôn việc cướp ghe, lẩn vào các vườn cây rậm rạp bên đường tẩu thoát...

Cha rửa tay, con cầm kiếm lấn sâu vào tội ác ảnh 1
Chợ Đại Phước, nơi băng cướp Tám Lũy thường xuyên hoạt động 

Vụ việc kinh hoàng ở bến đò Phú Hữu chưa nguôi ngoai thì dư luận ở vùng Nhơn Trạch lại chấn động khi một cán bộ thanh tra xã Đại Phước vừa ra khỏi cơ quan sau giờ làm việc bị phục kích bắn chết tại chỗ. Thủ phạm không ai khác ngoài Tùng “sát thủ”. Hắn bắn chết đồng chí thanh tra vì cho rằng người này đang theo dõi hắn, đồng thời qua đó hắn cũng muốn dằn mặt các cán bộ khác ở địa phương phải lơ đi những tội ác của hắn và đồng bọn đã gây ra.

Trước sự “leo thang” của tên cướp giết người không ghê tay này, Công an tỉnh Đồng Nai đã tăng cường các cán bộ trinh sát giỏi cho Công an huyện Long Thành. Quá trình điều tra xác định chính những đứa con của bà Tám Lũy gây ra hàng loạt vụ cướp có vũ trang và sát hại các cán bộ ở hai xã Đại Phước và Phú Hữu. Vòng vây khép chặt dần...

Đêm 4-10-1982, nhiều tổ trinh sát kết hợp với công an, dân quân xã mai phục xung quanh căn cứ của băng Tám Lũy. Họ ngâm mình dưới bùn nước suốt đêm, chịu đựng muỗi đốt, đỉa cắn và kiến từ các bụi dừa nước bò rần rần trên người, thêm cái rét thấu xương do ngâm mình nhiều giờ dưới nước. Không ai dám hút thuốc dù rất thèm, ho hay thở mạnh cũng là điều tối kỵ bởi họ đang đối mặt với những tên cướp thông thạo vùng này, rất nhạy cảm và tiểu liên luôn lăm lăm trong tay. Một sơ hở có thể khiến cho cả tổ công tác phải nhận thương vong.

Trời mờ sáng, có tiếng xuồng máy bạch bạch từ phía sông Cầu Cháy vọng về, sau đó là mũi thuyền len lỏi nhẹ nhàng qua khoảng trống của những bụi dừa nước. Tùng và Hoàng đang ngồi trên xuồng, giữa là một đống lưới đáy. Chúng vừa đi trộm cướp lưới đáy về, mớ cá tôm được kéo theo đáy làm hai tên có vẻ mãn nguyện. Khi tên Hoàng nhảy lên bờ kéo xuồng cột lại, tên Tùng cũng đang lấy thế thì các trinh sát từ bốn phía ập vào quật ngã hai tên cướp trói gô lại. Hoàng và Tùng bị giải về Công an huyện Long Thành. Thế nhưng chỉ 24 giờ sau đó, tên tướng cướp Nguyễn Văn Tùng (tức Tùng “sát thủ”) và em ruột hắn là Hoàng “phổi” đã trốn thoát khỏi trại giam. Việc tên Tùng trốn thoát được Công an tỉnh Đồng Nai ghi nguyên văn trong một văn bản là như hổ sổng chuồng và ngay những ngày đầu tiên y đã tiếp tục phạm tội, sau đó gây ra hàng loạt vụ cướp khác.

Thuở nhỏ, Tùng có một người bạn ở đối diện nhà cha y (ông Tám Lũy ở ấp Thị Cầu, khác với nơi mà bà Tám Lũy lập căn cứ, có thời gian Tùng sống ở đây với cha) tên là Phạm Văn Tiếp. Khi đến tuổi trưởng thành, anh Tiếp vào công tác tại công an xã, sau đó được đề bạt làm Phó công an xã Đại Phước. Còn Tùng sớm hư hỏng với tật trộm cắp, sau đó trốn nghĩa vụ quân sự nên anh Tiếp gọi lên xã giáo dục, xử lý nhiều lần. Tùng có mối hận với anh Tiếp từ thuở ấy. Sau này mẹ và các anh chị Tùng phạm pháp, lần lượt bị bắt, xử lý, Tùng càng tin là anh Tiếp “chơi” mình và mối hận ngày càng lớn.

Trong đêm Tùng bị bắt tại chòi vịt nhà bà Tám Lũy, anh Tiếp tham gia trong lực lượng bắt anh em Tùng vì thế hắn quyết tâm trả thù. Ngày 28-2-1983, hết ca trực ở công an xã, anh Tiếp về nhà ăn cơm nhân tiện nắm luôn tình hình ở ấp Thị Cầu. Thấy con đi làm về đói, mẹ anh Tiếp sang nhà hàng xóm mượn cái quẹt lửa về nhóm bếp chiên trứng vịt cho anh ăn cơm. Tên Hoàng sau khi trốn trại về vẫn lẩn quẩn trong ấp Thị Cầu, lúc đó hắn đang đánh bài cùng một số người trong buồng. Nghe rõ câu chuyện mẹ anh Tiếp nói phía ngoài, hắn liền về nhà báo cho Tùng:

- Thằng Tiếp đang ở nhà, ăn cơm xong chắc nó lại quay lên xã trực. Tính sổ nó thôi! Tùng đang nằm lim dim, nghe đến đó hắn chồm dậy:

- Để tao tính, còn mày quay về sòng bài nghi binh.

Ngay sau đó, tên Tùng giấu khẩu AK vào một bao rơm đi tắt đường ra trước cổng nhà thờ Đại Phước. Hắn nằm phục ở bờ ruộng cặp theo mé lộ chạy ngang nhà anh Tiếp. Nhà anh Tiếp ở trên dốc cao, người trong nhà ra vào đều nằm trong tầm quan sát của Tùng. Hai tên đàn em là Út Xuân và Minh mang M16 và carbine hỗ trợ phía sau lưng Tùng. Sau khi ăn cơm, anh Tiếp dắt xe đạp ra cổng. Đêm nay anh phải trực ở công an xã. Trước khi vào ca, anh phải báo cáo tình hình ANTT với các đồng chí chủ tịch, bí thư xã. Xuống hết dốc, anh Tiếp lên xe đạp về hướng ngã ba Đại Phước. Chưa được 100m, tên Tùng từ bờ ruộng lao lên giữa đường siết cò khẩu AK.

Hắn bắn ở cự li quá gần, đột ngột nên anh Tiếp lãnh đủ 5 viên đạn vào ngực. Anh ngã xuống, hy sinh tại chỗ. Tùng và các đàn em rút ra sông Ông Kèo tẩu thoát bằng ghe máy. Tiếng nổ gây chấn động cả xóm làng, bà con túa ra đứng chật đường. Cha mẹ, vợ con anh Tiếp ngất đi trước cú sốc quá lớn ấy.

Cha rửa tay, con cầm kiếm lấn sâu vào tội ác ảnh 2
Di ảnh liệt sĩ Phạm Văn Tiếp

Sau cái chết của anh Tiếp, tên Tùng và Hoàng bị truy nã gắt gao. Một tổ công tác đã về ém tại ấp Thị Cầu hàng tháng trời để quyết bắt được anh em Tùng “sát thủ”. Một gã em của Tùng bị bắt, tra hỏi cách gì hắn cũng không khai ra nơi giấu súng của Tùng. Các trinh sát lập kế. Họ dẫn tên này về căn cứ Cầu Cháy của chúng rồi trói lại. Sau đó tất cả vờ bỏ đi hết, chỉ để lại một người đàn ông là thân nhân của một trong những cán bộ bị tên Tùng sát hại. Ông này nói với tên đang bị trói:

- Giờ chỉ còn tao với mày. Anh mày giết em tao, giờ tao đập đầu mày dìm xuống sông, thế là huề. Lát nữa mấy ông công an quay lại, tao nói mày cởi dây trói xô tao té chạy thoát. Ai dám không tin? Nào có gì nhắn lại nói mau đi.

(Còn tiếp)