Người nhặt nhạnh “chổi cùn dế rách” bỗng dưng sở hữu bảo vật vô giá

ANTĐ - Là một thợ ảnh với tiệm ảnh Vinh Hoa nổi tiếng ở thành phố Bắc Giang, ông Nguyễn Quang Mạnh (59 tuổi) còn nổi danh là người sưu tầm rất nhiều vật dụng “nhà quê cổ” mang cốt cách, tâm hồn Việt. Cũng từ sở thích “lưu giữ hồn quê” mà ông trở thành người may mắn khi  tình cờ sở hữu 3 bảo vật vô giá của cuộc khởi nghĩa Yên Thế. Và ông  được biết tới như một “ông trùm” đồ cổ có mua mà không có bán.

Người nhặt nhạnh “chổi cùn dế rách” bỗng dưng sở hữu bảo vật vô giá ảnh 1Ông Nguyễn Quang Mạnh khoe những kỷ vật sưu tầm được

Hành trình đi ngược quá khứ

Sinh ra vào lúc đất nước đang còn chiến tranh, tuổi thơ của ông gắn liền với những cuộc sơ tán về các vùng quê, sống và gắn bó với lũy tre, giếng nước, sân đình. Hình ảnh thôn quê với những câu hát ru, tiếng xay lúa, giã gạo… in đậm trong tâm hồn ông từ thưở thiếu thời. Lớn lên, ông Mạnh lập gia đình rồi theo làm nghề thợ ảnh. Việc kinh doanh tiệm ảnh của gia đình ông khá bận rộn, nhưng ông luôn giành thời gian để đi về các vùng quê chụp ảnh và sưu tầm những vật dụng đơn sơ, gần gũi bao đời nay với người dân Việt. 

Hình ảnh những chiếc cối đá, con chó đá, cối xay bột, chiếc đèn dầu… đang có nguy cơ mất dần bởi sự thay đổi chóng mặt vật dụng hàng ngày khi khoa học công nghệ phát triển. Ông Mạnh luôn có cảm giác tiếc nuối và lo đến một ngày những đồ vật gần gũi đối với đời sống người nông dân Việt Nam sẽ không còn nữa. Ông trăn trở làm thế nào để gìn giữ những vật dụng ấy, và quyết định làm một cuộc hành trình đi ngược về quá khứ suốt 36 năm nay, với hy vọng gìn giữ hồn cốt văn hóa Việt.

Nhưng may mắn đã đến với ông trong những lần sưu tầm “đồ nhà quê”. Trong hơn 3000 vật dụng được ông cần mẫn sưu tầm 36 năm qua, có 3 bảo vật mà ông bảo các bảo tàng trong nước “mơ ước”. Đó là một cây mã tấu, một thanh kiếm cổ và một khẩu súng kíp. Đây là ba bảo vật mà ông Mạnh có được trong hành trình ngược quá khứ của mình.

Trên chiếc xe máy cũ, ông Mạnh đã rong ruổi đi khắp nơi tìm kiếm, ai có thứ gì liên quan đến “nhà quê” ông đều lấy, thậm chí cả những món đồ ông có cho không giới sưu tầm đồ cổ không ai muốn lấy. Ông Mạnh kể, trong một lần đi về vùng quê Yên Thế chụp ảnh, ông có xin nghỉ nhờ ở gia đình một nông dân trong vùng, thấy trên tường có treo một cây mã tấu, một thanh kiếm cổ và một khẩu súng kíp. Khi hỏi chuyện chủ nhà, ông Mạnh được biết, đây là 3 kỉ vật của cụ gia chủ để lại. Cụ của gia chủ từng là quân của cụ Đề Thám, 3 bảo vật này đã theo nghĩa quân Yên Thế suốt cuộc khởi nghĩa. Biết vậy, nhưng đó là kỉ vật của gia đình nên dù rất thích ông Mạnh cũng không dám hỏi mua, mà có hỏi thì chắc gì người ta đã chịu bán… thế nên ông đã từ bỏ ý định đó. 

Sau đó, ông Mạnh lại mải miết tìm kiếm các vật dụng thôn quê. Và trong hành trình tìm kiếm ấy cũng khối chuyện cười ra nước mắt. Có người bảo ông gàn dở, có người thì sẵn sàng cho ông mấy cái đồ vứt đi ấy, có người thì bán rẻ như đồng nát, có người lại nhất quyết không bán. Ông Mạnh kể, khi tôi hỏi mua cái cối đá xanh đã rất cũ kĩ của một gia đình không sử dụng nữa nhưng ngại chưa vứt đi, anh chủ nhà thấy tôi hỏi mua, lại tưởng cái cối này là báu vật, bên trong có vàng, hoặc đồ quý hiếm thế là họ nhất quyết không bán. Thấy anh ta vui tính tôi trêu, anh cứ bán cho tôi đi bao tiền tôi cũng mua, anh chủ nhà thấy thế lại càng nghi ngờ trong chiếc cối đá xanh này có vàng. Anh ta nhất quyết không bán mà mang búa đá ra đập nát cối tìm vàng. Lúc đó ông Mạnh tiếc chiếc cối lắm nhưng biết làm sao được, giải thích người ta không tin, họ lại tin có chuyện cổ tích Aladanh và cây đèn thần thời hiện đại. 

Rồi trở lại câu chuyện kỷ vật của nghĩa quân Yên Thế, không dám hỏi mua, ông đang định trở về Bắc Giang thì chủ nhà đột nhiên cầm 3 bảo vật ra tặng cho ông. Ông vô cùng ngạc nhiên, ngỏ ý trả tiền nhưng người ta không lấy, họ bảo: đây là kỉ vật không có giá trị vật chất, bảo vật tìm quý nhân. Chủ nhà còn tặng cho ông một vỏ chai đựng rượu cổ và nắm tay ông Mạnh, xin quý nhân chụp cho gia đình tôi bức ảnh làm kỉ niệm. Về sau ông mới biết 3 bảo vật này được cán bộ Bảo tàng Bắc Giang đánh giá cao, nhiều bảo tàng trong nước mơ ước.

Luyến tiếc một hồn quê

Căn nhà của gia đình ông Mạnh ở số 66 đường Quang Trung, TP.Bắc Giang, hàng ngày khách vẫn ra vào tấp nập. Nếu không phải người quen thì không thể biết được căn nhà khang trang bốn tầng này lại là nơi trưng bày những vật dụng lỉnh kỉnh ở khắp nơi ông tha về. Tầng hai của ngôi nhà là để trưng bày bộ sưu tập các bình vôi, hàng trăm chiếc bình vôi với đủ kích cỡ, niên đại khác nhau được ông bày trong tủ kính. Trên tầng thờ (nơi trang trọng nhất của ngôi nhà) là bộ sưu tập đèn dầu, các loại đèn dầu từ cổ chí kim với hình dáng và hoa văn độc đáo, có những cái mà ta chưa thấy bao giờ, tất cả được ông Mạnh sắp xếp một cách khoa học. 

Ông Mạnh cho biết, bộ sưu tập này được ông bày ở nơi linh thiêng nhất của ngôi nhà – nơi thờ cúng gia tiên, bởi đèn dầu đã từng gắn bó với cuộc sống của con người, đã thắp sáng biết bao tri thức, thắp sáng tương lai của bao thế hệ. Giờ đây xã hội phát triển, những chiến đèn dầu không còn dùng đến nữa, các thế hệ sau sẽ không còn được nhìn thấy vật dụng đã thắp sáng một thu ở xa xăm, thắp sáng biết bao nhân tài đất Việt.

 Cách ngôi nhà chính khoảng 50m là một gian nhà mà gia đình ông Mạnh không ở, chỉ để giành riêng trưng bày bộ sưu tập cối đá và chó đá. Hàng trăm chiếc cối được sắp xếp gọn gàng cẩn thận. Ông Mạnh cho biết, cối xay, cối giã không những chỉ là nông cụ thời xưa mà còn là đơn vị để đong đo, cối giã gồm có chày và cối, tượng trưng cho âm dương hợp cách chỉ sự sinh sôi trường tồn. Cối thường dùng để chế biến các loại ngũ cốc để làm bánh cúng tế trong các dịp lễ Tết. Bên cạnh đó là những con chó đá vốn là con vật giữ nhà, chống ma quỷ, gắn bó với cuộc sống của người dân quê nên cần được bảo tồn.

Trong bộ sưu tập hơn 3000 vật dụng của mình, ông Mạnh cho biết tất cả đều do ông tìm kiếm và đích thân mang về, cái thú của người sưu tập thật sự có ý nghĩa khi họ đổ mồ hôi và nước mắt tìm ra. Bộ sưu tập cối đá của ông, có những chiếc cối nặng đến mấy tạ, ông Mạnh phải khó khăn lắm mới đem được về. Vợ ông kể, có những lần ông Mạnh chở chiếc cối đá về, trời thì mưa tầm tã, ngón tay ông bị chiếc cối đè vào dập chảy đầy máu, chị vừa tức vừa thương chồng. “Trước đây tôi rất bực mình vì chồng tôi cứ tốn thời gian và tiền của vào những vật dụng nhà quê này, mất tiền tậu về chật nhà, có ra tiền đâu, nhưng từ khi hiểu niềm đam mê của chồng, thì tôi cũng phải ủng hộ ông ấy thôi”.

Không phải dân chơi, dân buôn buôn đồ cổ, nhưng 36 năm vất vả đi khắp các vùng quê, bằng sự hiểu biết và niềm đam mê, ông đã và đang giữ lại hình ảnh đẹp về đời sống nông thôn thời xa vắng. Với tất cả những đồ vật ông sưu tầm, người xem có thể hình dung ra tất cả màu sắc sinh động của một vùng quê.

Hành trình đi ngược quá khứ của ông Mạnh vẫn chưa ngừng nghỉ, hơn 3000 cổ vật với ông chưa đủ, ông vẫn rong ruổi khắp các làng quê để chụp ảnh và tìm thêm những đồ vật thời xa vắng cho bộ sưu tập của mình. Ông đang ấp ủ ước mơ thành lập một bảo tàng tư nhân để lưu giữ những vật dụng nhà quê, để gìn giữ nét văn hóa quê mà giờ đây rất khó tìm lại được.  

Ấn tượng nhất đối với bạn bè gần xa khi đến thăm quan nhà của ông Mạnh, đó là một cảm giác thư thái, với những đồ xưa cũ mang hơi thở, tâm hồn nhà nông. Không chỉ được chiêm ngưỡng những vật dụng thôn quê mà nhiều người chưa bao giờ thấy, khi đến thăm nhà ông Mạnh khách còn được nghe ông hướng dẫn tận tình từng vật dụng và mỗi vật dụng lại chứa đựng những câu chuyện buồn vui trong hành trình đi ngược quá khứ của ông .