Mối tình giữa cô gái làng chơi và chàng trai tật nguyền

ANTĐ - Cô gái mang trong mình quá khứ tội lỗi còn chàng trai có một cơ thể khiếm khuyết và một quá khứ bất hạnh. Thế nhưng họ đến với nhau bằng tình thương, yêu chân thành, cùng động viên nhau xây dựng một cuộc đời mới. Và rồi họ đã có một gia đình với những hạnh phúc thật giản đơn. Đó là câu chuyện của vợ chồng bà Nguyễn Thị Quyên (SN 1957) và ông Phan Văn Tài (SN 1963) trú xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng. 
Mối tình giữa cô gái làng chơi và chàng trai tật nguyền ảnh 1

Ông Tải và bà Quyên kể lại

Những nỗi niềm riêng

Bà Nguyễn Thị Quyên, quê gốc ở huyện Triều Phong, tỉnh Quảng Trị. Là con đầu trong một gia đình có 8 anh chị em, từ nhỏ bà đã phải mang một trách nhiệm lớn lao đó là phụ giúp cha mẹ chăm sóc các em. Thật không may, trong số các em của bà có một người bị thần kinh, sau đó bị tai biến mà qua đời. Gia đình lúc đó đã khó khăn lại thêm hoang mang cùng cực. Cha mẹ bà suy sụp nặng, bà Quyên lại phải gồng mình lo toan cho các em. Cuộc sống ở quê nghèo vốn đã cơ cực, lại đúng thời chiến tranh loạn lạc triền miên nên cả nhà bà phải gồng mình nương tựa nhau mà sống. Giúp ba mẹ chăm các em dần khôn lớn, hạnh phúc cá nhân của bà Quyên bị lãng quên. 

Chỉ mải lo cho gia đình, thế nên 30 tuổi bà Quyên vẫn chưa có một tấm chồng. Bà không phải là người không có nhan sắc, tuy nhiên khi đã quá lứa lỡ thì rồi thì ít ai để ý đến. Cuộc sống ở miền quê gió Lào cát trắng ấy không đủ giúp bà và gia đình có cuộc sống ấm no hơn. Thế nên, cùng năm đó bà Quyên bắt đầu đi lang bạt để kiếm cơm. Miền đất hứa mà nhiều phụ nữ thường tìm đến lúc đó là TP Đà Nẵng.

Mới đầu, bà Quyên chỉ làm những công việc lao động chân tay thông thường. Thế nhưng sống ở Đà Nẵng 2 năm mà cuộc sống không có gì khởi sắc. Đúng lúc đó những phụ nữ cùng xóm trọ hành nghề kỹ nữ rủ rỉ với bà cách kiếm tiền bằng thân xác vừa đỡ mệt, thu nhập lại ổn. Bà nhìn lại hoàn cảnh gia đình mình lúc này ở quê mọi người vẫn đang sống trong thiếu thốn, đồng tiền chi phối đầu óc người thiếu phụ nông thôn nhẹ dạ này. Sau một hồi đắn đo suy nghĩ, bà đã quyết định dùng chút nhan sắc còn lại để bước chân vào “chốn lầu xanh”. 

Hơn một năm sống bằng nghề bán thân nuôi miệng, bà Quyên bị bắt trong một chiến dịch truy quét các ổ chứa mại dâm của lực lượng Công an TP Đà Nẵng. Bà bị đưa lên trại phục hồi nhân phẩm, hiện nay là Trung tâm Giáo dục dạy nghề 05 - 06, TP Đà Nẵng. Vậy là sau những tháng ngày sống trong khổ cực và vũng bùn nhơ nhớp, bà Quyên bắt đầu hành trình làm lại cuộc đời.

Năm 1990, bà Quyên trong lúc đi lao động có để ý thấy một chàng trai chân tay khoằm khèo, mắt lại bị tật. Đó là ông Phan Văn Tài, một trại viên đặc biệt thiếu may mắn. Qua tìm hiểu, bà Quyên biết ông Tài mồ côi cha mẹ từ nhỏ, phải sống lang bạt kỳ hồ để tự nuôi thân. Ông Tài không giấy tờ tùy thân, sống lay lắt bằng sự thương hại của mọi người. Đến khoảng những năm 1980 ông được đưa về trại để nuôi dưỡng. Mặc dù có những khiếm khuyết về cơ thể, thế nhưng ông Tài vẫn rất chăm chỉ làm việc, chính nghị lực ấy đã khiến cho bà Quyên cảm mến mà dành tình cảm cho ông lúc nào không hay. 

Câu chuyện về quá khứ không mấy tốt đẹp của đôi vợ chồng ở xóm hoàn lương này được nhiều người biết đến. Họ kể về những tháng ngày gian khó nhưng thật hạnh phúc. Họ đã cùng nhau trải qua thăng trầm trong cuộc sống, cùng nhau xây dựng một gia đình êm ấm mà nhiều cặp vợ chồng sống vội trong xã hội hiện nay nhìn vào phải “thòm thèm”. Họ có một căn nhà nhỏ nằm sâu trong xóm nghèo tràn ngập tình yêu thương.

Gây dựng cuộc đời mới nhờ tình yêu

Bà Quyên năm nay đã gần 60 tuổi, hơn 20 năm ở mảnh đất lành này khiến bà trở lại là một người phụ nữ đảm đang, cùng chồng gánh vác mọi chuyện lớn nhỏ trong gia đình. Ngày mới vào trại bà đã 33 cái xuân xanh trong khi đó ông Tài mới 27 tuổi. Người đàn ông có nhiều khiếm khuyết trên cơ thể ấy đã khiến bà để ý, bà càng thương ông Tài hơn khi biết ông không còn cha mẹ từ lúc mới lọt lòng. Tình cảm giữa hai người xuất phát đơn giản chỉ từ tình thương như vậy. 

Câu chuyện nên duyên vợ chồng của bà Quyên với ông Tài thật thú vị và hài hước. Họ có những chuyển biến cung bậc cảm xúc từ thương đến yêu một cách dung dị nhất đời. Chuyện là hồi đó bà Quyên vì thương ông Tài mà mỗi lần lao động đều chọn cùng chỗ để đỡ đần ông. Nhiều người thấy vậy gán ghép hai người rồi trêu chọc bà là “trâu già thích gặm cỏ non” vì ông Tài kém bà những 6 tuổi. Nghe vậy cả hai chỉ cười, họ chẳng để ý mấy lời đó, thế nên bà Quyên vẫn ngày ngày cùng ông Tài làm việc cặm cụi. Rồi lửa gần rơm lâu ngày cũng bén, qua năm 1991, hai người làm đám cưới ngay trong trại. 

Cưới xong, hai vợ chồng ông Tài, bà Quyên chuyển ra ngoài trại, họ được trung tâm cho một mảnh đất để dựng một túp lều nhỏ. Khung nhà do cán bộ và những trại viên đồng cảnh ngộ giúp xây dựng, phần mái nhà hai vợ chồng đi cắt cỏ tranh về lợp. Thời gian đầu ra khỏi trại là thời gian khó khăn nhất, không ruộng nương, không có công việc ổn định, thế nhưng vợ chồng bà Quyên nhận được sự giúp đỡ thân tình của bà con nơi đây. Lấy nhau năm 1991 thì năm 1992 bà Quyên sinh một đứa con gái đầu lòng. Đứa bé sinh ra khỏe mạnh khiến ông Tài vui mừng khôn xiết. Mặc dù sức khỏe yếu những ông vẫn cần mẫn làm việc để vợ con không phải sống đói khổ. 

“Ông nhà tôi thiếu sức khỏe nhưng không thiếu tình yêu thương vợ con. Thế nên, nhiều khi cuộc sống khó khăn, tôi muốn buông xuôi mọi thứ để chạy trốn nhưng tình cảm của ông ấy khiến tôi không cho phép mình bỏ cuộc”, bà Quyên tâm sự. Bà Quyên tuy mới 58 tuổi nhưng đã móm mém là bỏi vì năm 1994, một tai họa bất ngờ ập đến. Năm đó bà bất ngờ bị tai biến, sau khi hồi phục hàm răng của bà bị rụng gần hết, cũng may sức khỏe không bị ảnh hưởng nhiều. Ngày đó ông Tài lo lắng đến mất ăn mất ngủ. Ông chạy đôn chạy đáo để kiếm tiền thuốc thang cho vợ. 

Lúc bà Quyên khỏi bệnh, kinh tế trong nhà cũng suy sụp đi nhiều. Nhưng nguồn động lực lớn lại đến khi năm 1996, bà Quyên sinh thêm một bé trai kháu khỉnh. Khỏi phải nói ông Tài vui đến thế nào. Sau đó, hai vợ chồng gây dựng lại mọi thứ bằng những cố gắng miệt mài. Cuộc sống của họ vì thế cho đến nay đã có nhiều biến đổi tích cực và vẫn thật hạnh phúc. Căn nhà tranh đã được thay thế bằng ngôi nhà mái ngói. Hai đứa con lớn cũng đã biết lo lắng cho công việc gia đình, biết đỡ đần bố mẹ. 

Một kết thúc có hậu cho một mối tình từng bị xem là “cặp lệch”. Ông Tài và bà Quyên đã chứng tỏ cho mọi người thấy rằng, tình yêu không phân biệt tuổi tác, không phân biệt xuất thân, không phân biệt người tật nguyền hay lành lặn. Chỉ cần yêu nhau thật lòng, biết cố gắng vun đắp cho tình yêu thì nó sẽ cho “trái ngọt”. Và họ đã có một gia đình thật hạnh phúc, nó được làm nên từ điều giản dị và sức lao động chân chính.