Vì sao Parkson Keangnam đóng cửa?

ANTĐ - Người tiêu dùng không nuối tiếc vì Trung tâm thương mại Parkson Landmark (tòa nhà Keangnam, đường Phạm Hùng- quận Nam Từ Liêm) đóng cửa sẽ mất đi một điểm mua sắm, nhưng lại bất bình thay cho những tiểu thương kinh doanh tại đây,  khi ngay lập tức phải di dời khỏi tòa nhà với lời giải thích chưa thỏa đáng.

Vì sao Parkson Keangnam đóng cửa? ảnh 1Nhiều cửa hàng vẫn phải cố gắng di chuyển đồ đạc trong tối 3-1, khi TTTM Parkson Keangnam đột ngột thông báo đóng cửa, yêu cầu các chủ cửa hàng
phải chuyển hết đồ ra ngoài ngay. Ảnh: PHÚ KHÁNH

Kinh doanh thua lỗ?

Theo thông báo chấm dứt hợp đồng thuê mặt bằng kinh doanh tại Trung tâm thương mại Parkson tại tòa nhà Hà Nội Keangnam Landmark Tower, (Parkson Landmark) của Công ty TNHH Parkson Hà Nội gửi đến các tiểu thương hôm đầu tháng 1-2015, Trung tâm thương mại này sẽ ngừng hoạt động kinh doanh “ngay lập tức”, bắt đầu từ ngày 3-1-2015.

Văn bản này cho biết, lý do đóng cửa Trung tâm thương mại Parkson Landmark là vì, “kể từ khi mở cửa kinh doanh vào năm 2011, hoạt động kinh doanh của Parkson Landmark chưa một ngày đạt được doanh thu theo như kế hoạch đề ra”. Parkson cũng nhận thấy quầy hàng của các tiểu thương kinh doanh tại Trung tâm này cũng phải chịu những khoản lỗ lớn. Vì vậy, “sau khi có sự cân nhắc kỹ lưỡng từ Ban Giám đốc của Trung tâm thương mại Parkson Landmark, chúng tôi rất tiếc phải thông báo đến quý đối tác rằng toàn bộ Trung tâm thương mại Landmark sẽ ngừng hoạt động kinh doanh ngay lập tức kể từ ngày ban hành thông báo và ngày kinh doanh cuối cùng của Trung tâm thương mại Parkson Landmark là 2-1-2015”. Thông báo cũng yêu cầu các hộ kinh doanh thuê mặt bằng tại đây phải thu dọn hàng hóa, quầy kệ trong hai ngày, 3 và 4-1-2015. 

Thông báo chấm dứt hợp đồng của Công ty TNHH Parkson Hà Nội quá đột ngột, khiến những hộ kinh doanh tại đây ngỡ ngàng. Một phần vì không được báo trước, trong khi hợp đồng thuê mặt bằng giữa hai bên vẫn còn hiệu lực mà phía cho thuê mặt bằng yêu cầu thu dọn hàng hóa ngay lập tức. Mặt khác vì đúng dịp nghỉ Tết Dương lịch và bước vào thời điểm cuối năm, nhiều quầy hàng đã sửa chữa để chuẩn bị cho dịp kinh doanh Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015. Anh Quang (chủ gian hàng kinh doanh đồ ăn uống ở tầng hầm B1 của Parkson Keangnam) cho biết: “Gia đình tôi đang đi nghỉ thì được nhân viên gọi điện nói “tất cả các gian hàng phải đóng cửa, chuyển đồ ra khỏi tòa nhà ngay trong ngày”. Gian hàng của tôi vừa mới đầu tư đổi mới rất tốn kém. Trong khi đó, các gian hàng ăn uống vẫn hoạt động bình thường”. 

Chị Thu Vân - chủ một gian hàng kinh doanh tại Parkson Landmark cho biết, các gian hàng trên tầng 3 và tầng 4 của Trung tâm thương mại này vắng khách, nhưng gian hàng của những thương hiệu lớn như: Cle de peau, Shiseido, Lancome, Dior vẫn đạt doanh số tốt. Thế nên lý do Công ty TNHH Parkson Hà Nội đột ngột đóng cửa Trung tâm thương mại vì thua lỗ chưa đủ sức thuyết phục.

Phía sau bản thông báo

Chị Giang (nhân viên bán hàng mỹ phẩm tại Parkson  Landmark) cho hay, gian hàng của chị đã dọn dẹp xong từ trưa 3-1. Nhưng nhiều gian hàng khác vẫn tất tả thu dọn vì phía cho thuê mặt bằng yêu cầu phải mang hàng hóa ra khỏi tòa nhà trước thời hạn trong thông báo. “Bỗng dưng tôi và nhiều người khác thất nghiệp, chưa biết làm gì” - chị Giang lo lắng.

Trước sự việc này, nhiều chủ kinh doanh tại Trung tâm thương mại rất bất bình vì họ có lượng hàng trữ trong Trung tâm thương mại quá lớn, trị giá hàng tỷ đồng, gồm cả hàng tươi sống cần bảo quản. “Nhân viên đã thuê vẫn phải trả lương đủ tháng. Hàng hóa phục vụ Tết đã được ký hợp đồng, chúng tôi đang chờ câu trả lời từ Công ty TNHH Parkson Hà Nội vì hợp đồng thuê mặt bằng đến năm 2016 mới kết thúc” - đại diện một siêu thị trong trung tâm thương mại này nói.

Theo phản ánh của một số hộ kinh doanh tại đây, thua lỗ chỉ là một phần nhỏ khiến Parkson Landmark đột ngột đóng cửa, thực chất lý do lại khác. Các hộ kinh doanh không thuê mặt bằng trực tiếp với Parkson, mà thuê từ đối tác của Công ty này có tên là Family và không được nợ tiền thuê mặt bằng, phải thanh toán sòng phẳng. Nghi vấn đặt ra, liệu có phải do mặt bằng phải thuê qua nhiều bên trung gian nên khâu thanh toán đến ban quản lý tòa nhà bị chậm trễ, nợ đọng, khiến tiểu thương bị ảnh hưởng? Hiện tại, một số tiểu thương đã có ý định kiện Parkson vì đột ngột đóng cửa ngừng hoạt động.

Parkson muốn Keangnam giảm giá, nhưng không được

Chiều 5-1, trao đổi với báo chí, đại diện Sở Công Thương Hà Nội cho biết, sáng cùng ngày, Sở Công Thương đã mời đại diện Công ty TNHH Parkson Hà Nội  đến làm việc. Đại diện công ty này cho biết, công ty thuê mặt bằng sàn của Keangnam để làm trung tâm thương mại, nhưng do kinh doanh thua lỗ, Parkson muốn phía Keangnam giảm giá sàn cho thuê nhưng không được chấp thuận. Vì vậy, Parkson buộc phải đóng cửa và được phần lớn các hộ kinh doanh đồng ý. Sở Công Thương Hà Nội đã yêu cầu Parkson phải đảm bảo quyền lợi cho các hộ kinh doanh thuê gian hàng tại trung tâm thương mại này.