Vận tải rập rình tăng giá cước

ANTĐ - Hơn một tháng, xăng dầu đã 3 lần tăng giá bất ngờ. Việc điều chỉnh giá xăng dầu dù mỗi lần không nhiều nhưng cũng khiến các doanh nghiệp (DN) vận tải thêm phần khó khăn. Cước vận tải  không thể một sớm một chiều thay đổi, vậy nên, cứ mướt mải chạy theo xăng dầu.

Vận tải, taxi đang cân nhắc để tăng cước

Phải tính phương án tăng giá cước

Từ 20h tối 17-7, xăng dầu bất ngờ tăng giá, xăng tăng thêm 460 đồng một lít, trong khi giá dầu tăng từ 420- 480 đồng một lít. Dù lần điều chỉnh này không lớn, nhưng cũng đã kịp đẩy giá xăng lên mức kỷ lục từ trước tới nay. 

Lo ngại nhất là các DN kinh doanh vận tải, bởi, cơ cấu xăng dầu chiếm đến 30-40% giá cước. Trong khi, vận tải thời gian qua liên tiếp gặp khó khăn, không ít DN phải dừng hoạt động. Dù cước vận tải không thể điều chỉnh chóng mặt  như giá xăng dầu, nhưng với lần tăng vừa qua thì không ít DN vận tải đang phải tính đến bài toán tăng cước.

 Ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội nhận định, từ ngày 14-6 tới nay, giá xăng dầu đã 3 lần điều chỉnh, dù biên độ mỗi lần tăng không nhiều từ 370 đồng đến 460 đồng/lít xăng, nhưng tổng cộng lại trong hơn 1 tháng đã tăng thêm 1.250 đồng/lít. Mức chênh lệch về giá xăng thời điểm hiện nay và thời điểm trước ngày 14-6 là khá lớn nên một số DN taxi đã có ý kiến đề nghị xem xét tăng cước. Tuy nhiên, theo ông Bình, để tăng giá cước taxi, các DN cùng Hiệp hội Taxi Hà Nội sẽ phải tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng. Vì, muốn thay đổi cước phải thông báo, thay đổi hóa đơn…tăng chi phí. Do đó, nếu có điều chỉnh thì cũng phải 1-2 tuần tới. “Do giá xăng mới tăng nên các DN phải cân nhắc và theo dõi diễn biến giá xăng trong một vài ngày tới. Nếu giá xăng không có khả năng giảm thì chắc chắn phải tính tới việc tăng giá cước”, ông Bình nhận định.

 Theo thông thường, nếu giá xăng có sự điều chỉnh tăng ở mức từ 1.000 đồng/lít trở lên, giá taxi sẽ thêm khoảng 500 đồng/km còn nếu giá xăng tăng từ 2.000 đồng/lít thì mức điều chỉnh cước sẽ vào khoảng 1.000 đồng/km. Như vậy, với mức chênh lệch giá so với thời điểm ngày 14-6 vào khoảng 1.250 đồng/lít hiện nay, giá cước taxi có thể sẽ tăng thêm 500 đồng/km. Song, ông Bình cũng cho rằng, những tốn kém trong việc điều chỉnh cước và tình trạng ít khách hiện nay là những yếu tố khiến DN thận trọng hơn trong việc điều chỉnh giá.

Mướt mải theo giá xăng dầu

Cùng chung nhìn nhận này, ông Bùi Danh Liên, chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội nhận định, DN đã cố gắng giữ không tăng giá sau hai lần điều chỉnh giá xăng trong tháng 6 nhưng lần tăng giá ngày 17-7 này có thể sẽ khiến các DN khó tránh được việc tăng cước. Thời điểm tăng cước và mức độ điều chỉnh hiện vẫn là vấn đề buộc các DN vận tải và taxi cân nhắc rất nhiều.

 Đại diện một số hãng taxi cũng cho biết, sau 2 lần xăng tăng giá vào tháng 6, phần lớn các hãng taxi đều đã phải điều chỉnh tỷ lệ ăn chia để phần nào bù lỗ cho lái xe. Tuy nhiên, với mức giá 24.570 đồng/lít xăng hiện nay, nếu tiếp tục điều chỉnh tỷ lệ ăn chia thì DN sẽ khó tránh khỏi lỗ. Bởi vậy, việc điều chỉnh cước taxi là khó tránh khỏi trong thời gian tới. Vì vậy, hiện các DN  kinh doanh taxi đang tính toán, cân đối lại chi phí trước khi đưa ra quyết định có điều chỉnh giá cước hay không? Đối với các DN vận tải hàng hóa cũng bị ảnh hưởng chi phí đầu vào bởi giá dầu diesel tăng sau 3 đợt gần đây, với mức tăng tổng cộng khoảng 1.060 đồng/lít nên các DN chưa tăng cước trong những đợt trước thì dịp này cũng đang tính toán, đàm phán lại với các khách hàng để điều chỉnh giá cước.

Chủ một doanh nghiệp vận tải taxi chia sẻ, mỗi lần các DN xăng dầu kêu lỗ là các DN vận tải lại thấp thỏm. Theo phân tích, tình hình vừa qua đối với hoạt động vận tải taxi là rất khó khăn, nhưng vì cạnh tranh nên nhiều DN vẫn cố gắng kìm giá. Nhưng với chi phí đầu vào tăng quá cao đến mức không thể chịu đựng được, DN cũng buộc phải điều chỉnh giá cước. Nếu cứ cạnh tranh mà không tăng giá thì DN đóng cửa. Nhưng, đuổi theo giá xăng cũng mệt, tăng thì không thể cứ 10 ngày một lần. 

Thực tế trong tình hình khó khăn vừa qua, rất nhiều DN chưa tăng giá thực chất chỉ là giải pháp tạm thời nhằm tránh sốc cho khách hàng. Nếu giá xăng vẫn được giữ ở mức này một thời gian dài, khả năng hàng hoá dịch vụ tăng  giá đồng loạt là điều dễ hiểu. Giá cả biến động quá nhiều lần sẽ hình thành mặt bằng giá mới, tới lúc đó DN mới cộng dồn vào để tăng giá thành sản phẩm thì e rằng người tiêu dùng khó mà chấp nhận được.