Tung hoành báo lỗ

ANTĐ - Metro hoạt động tại Việt Nam từ năm 2002 với số vốn đầu tư ban đầu 78 triệu USD. Sau 12 năm, doanh thu tại Việt Nam tăng gấp 24 lần nhưng doanh nghiệp liên tục báo lỗ, nhưng rồi lại đươc rao bán với giá gần 900 triệu USD vậy lãi hay không lãi ai cũng biết. Bây giờ mọi sự đã lộ mặt, ngành thuế cũng đưa ra con số phải truy thu, nhưng không biết có lấy tiền được không?

Kết quả thanh tra chuyên đề về chuyển giá của ngành thuế đã thực sự gây “sốc” khi cho thấy hàng trăm DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trên cả nước liên tục khai lỗ, trốn thuế với số tiền bị truy thu, truy hoàn lên tới nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, con số trên chỉ phản ánh một góc của bức tranh về thực trạng trốn thuế của doanh nghiệp FDI. Kết quả thanh tra tại 870 DN FDI có tới 720 DN vi phạm.

Điệp khúc doanh nghiệp FDI lỗ, nghi án chuyển giá... và sự bất lực của ngành thuế không phải bây giờ mới xảy ra. Thực tế, nền kinh tế nước ta muốn mời gọi nguồn vốn FDI bằng mọi giá đã có những ưu đãi tuyệt đối, nhưng lại đã tạo ra khá nhiều lỗ hổng về luật. Đó là những cam kết ưu đãi về chính sách thuế, giá thuê đất mà doanh nghiệp trong nước có nằm mơ cũng không có được. Thế những, đổi lại, chúng ta đang mất nhiều từ những khai báo lỗ. Những đồng tiền thuế thay vì phục vụ cho đất nước lại đã đổ vào túi, làm giàu cho một số DN. Không chỉ có một Metro, mà các hãng nước ngoài khác như Coca Cola, Pepsico, Adidas, Nestlé, Nike… cũng dùng chiêu chuyển giá, trốn thuế tại Việt Nam. Điểm chung của các doanh nghiệp này là đầu tư lâu dài nhưng báo lỗ triền miên. Mặc dù than lỗ nhưng họ vẫn mở rộng đầu tư liên tục.

Thống lĩnh thị trường đồ uống tại Việt Nam, doanh số Coca Cola tăng theo chiều thẳng đứng nhưng từ khi đầu tư tại thị trường Việt Nam. Thế nhưng đến nay, Coca Cola chưa từng đóng một đồng thuế thu nhập doanh nghiệp nào do liên tục khai lỗ. Luôn xem mình là "thương hiệu lớn" khi các chỉ số tăng trưởng về số lượng, thị trường... đều tăng vượt mức, thế mà thực tế 10 năm Coca Cola lại … luôn báo lỗ thì khó có thể thuyết phục được ai? Ấy nhưng vẫn được không nộp thuế. Ai cũng biết, chỉ cần 1-2 năm không đóng thuế thu nhập doanh nghiệp là ngay lập tức doanh nghiệp  nội địa bị cơ quan thuế “sờ gáy” và đóng cửa ngay, nhưng với nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, lại có sự “ưu ái đến kỳ lạ”… 

Việc để cho các doanh nghiệp FDI “tung hoành báo lỗ” ở Việt Nam là kết quả của một quá trình thiếu sự phối hợp của các cơ quan chức năng, các cơ quan quản lý. Đó là sự buông lỏng trong quản lý đối với  các DN FDI. Bản chất của DN là kiếm lợi nhuận bằng mọi giá. Vì vậy chả tội gì mà không báo lỗ, chuyển giá. Vấn đề là chúng ta phải quản lý thế nào để họ không thể tung hoành báo lỗ trong khi kinh doanh vẫn có lãi. Vụ việc  của Merto thêm một lần nữa là bài học cho chúng ta trong việc quản lý các DN FDI.

Thực trạng các doanh nghiệp FDI chuyển giá, báo lỗ để trốn thuế đang gây bức xúc và đòi hỏi ngành thuế phải tăng cường thanh, kiểm tra và xử lý rốt ráo. 

Nếu cứ để “những sát thủ kinh tế” mang hết lãi đi rồi thì truy thu thế nào? Chẳng khác gì “thả gà ra đuổi”.