Tính kế lâu dài cho quả vải Việt Nam

ANTĐ - Trái với nỗi ám ảnh của người nông dân về tình trạng ùn ứ, bán đổ bán tháo khi vải vào mùa, vụ thu hoạch năm 2015 là mùa vui nhất của bà con nông dân trồng vải, bởi sản phẩm của họ không những được doanh nghiệp trong nước hỗ trợ, mà hàng loạt thị trường xuất khẩu cũng được mở ra. 

Tính kế lâu dài cho quả vải Việt Nam ảnh 1Vải thiều Việt Nam chinh phục được cả những thị trường khó tính như châu Âu, châu Mỹ
Ảnh: Phú Khánh


Vải thiều “bay” đi Âu - Mỹ

Đầu tháng 6-2015, lô vải thiều tươi đầu tiên của Việt Nam đã được xuất đi Mỹ. Đây là thị trường khó tính mà rau quả Việt Nam nói chung và quả vải thiều nói riêng đã tốn nhiều công sức để tìm cách thâm nhập. Công ty Rồng Đỏ (đơn vị xuất khẩu quả vải sang Mỹ và Australia) cho biết, giá vải tươi thu mua tại vườn của bà con nông dân dao động từ 11.000 - 15.000 đồng/kg, cao hơn thị trường khoảng 20%. Ngay sau lô hàng xuất đi Mỹ thành công, doanh nghiệp này sẽ tiếp tục xuất khoảng 3 tấn vải sang Australia sau khi có được sự chấp thuận của Bộ Nông nghiệp Australia từ tháng 4-2015. Tiến sĩ Nguyễn Hữu Đạt - Giám đốc Trung tâm kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu 2 (Cục Bảo vệ thực vật - Bộ NN&PTNT) cho biết, Việt Nam đã bắt đầu tìm hiểu, xây dựng thị trường Australia từ năm 2003. Sau 12 năm, nước này mới đồng ý tiếp nhận quả vải Việt Nam. 

Tin vui với người trồng vải đến dồn dập khi cũng đầu tháng này, 600kg vải thiều đầu tiên đã sang Pháp theo đường xuất khẩu của Công ty Thanh Bình Jeune. Chỉ trong vòng 3 ngày, lượng vải thiều này đã được tiêu thụ hết. Công ty Thanh Bình Jeune cho biết sẽ tiếp tục đưa vải đạt chất lượng sang tiêu thụ tại Pháp bởi loại quả này được người tiêu dùng Pháp ưa chuộng. Ngoài các thị trường mới này, quả vải Việt Nam cũng đã có mặt tại một số thị trường khác như Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) và nhiều  nước Đông Nam Á. Sắp tới, quả vải Việt Nam cũng được xuất khẩu sang Canada. Mặc dù lượng vải thiều xuất khẩu sang các thị trường trên chưa “thấm tháp” gì so với tổng sản lượng gần 200.000 tấn mỗi vụ thu hoạch, nhưng giá bán vải đã có sự thay đổi. Thêm nữa, quả vải Việt Nam cũng góp phần “nâng tầm” nông sản Việt trên trường quốc tế, khi đại diện cho lợi thế về nông nghiệp của Việt Nam.

TS. Nguyễn Hữu Đạt cho hay, sở dĩ nhiều thị trường mở cửa cho quả vải Việt Nam cùng lúc là vì các bộ, ngành đã có nhiều nỗ lực đàm phán, giao thương. Mặt khác, khi tìm hiểu kỹ nhu cầu, yêu cầu của thị trường, quả vải Việt Nam cũng được trồng, thu hoạch, xử lý… đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và an toàn kiểm dịch tốt hơn. 

Vải thiều Việt Nam: vừa đẹp, vừa ngon

Việt Nam không phải là nước duy nhất trên thế giới trồng được quả vải xuất khẩu. Ngay bên cạnh nước ta, Trung Quốc cũng đã nhân giống và mở rộng diện tích vải, thu hoạch hàng nghìn tấn để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Xa hơn, Mỹ cũng có vải trồng Florida và Hawaii. Australia cũng có vùng trồng vải. Song vượt lên loại quả được trồng tại bản xứ, quả vải Việt Nam nhận được những đánh giá tích cực từ người tiêu dùng của các nước phát triển vì cả chất lượng và hình thức.

Theo TS. Nguyễn Hữu Đạt, mặc dù lượng vải xuất khẩu đi các thị trường khó tính chưa nhiều, nhưng bước đầu, phản hồi từ các thị trường này cho thấy quả vải Việt Nam có lợi thế cạnh tranh. “Thị trường Mỹ cho rằng quả vải của Việt Nam ngon và mẫu mã đẹp hơn vải nhập từ Trung Quốc. Thị trường Australia cũng có đánh giá tốt. Thêm nữa, mùa vải Australia nghịch mùa với vải Việt Nam nên tiêu thụ sẽ thuận lợi” - ông Nguyễn Hữu Đạt nói. Tại Malaysia, người dân háo hức đón chờ quả vải Việt Nam, nhiều người muốn mua còn chưa có.

Bà Nguyễn Thị Mận - Giám đốc công ty Chế biến nông lâm sản xuất khẩu Thanh Hà chia sẻ: “Mexico cũng trồng vải. Vải Mexico quả to, độ đường 13%, nhưng vải Việt Nam độ đường 19-20% nên được yêu thích hơn”. Tuy nhiên, theo chủ doanh nghiệp này, để giữ được lòng tin đối với người tiêu dùng các nước nhập khẩu thì người trồng vải và doanh nghiệp xuất khẩu phải đặt chất lượng lên hàng đầu, không thể làm ăn chộp giật, thất thường. 

Việc quả vải Việt Nam được nhiều nước đón nhận, kể cả những thị trường khó tính đó là cơ hội lớn để xúc tiến thương mại tính kế lâu dài cho quả vải Việt Nam đến được  nhiều nước khác trên thế giới. Việt Nam còn rất nhiều hoa quả có thể xuất khẩu trong khi chúng ta vẫn luôn “chìm” trong tình trạng “được mùa mất giá”. Chính vì vậy cần có chiến lược cho việc xuất khẩu quả vải thiều nói riêng, hoa quả Việt Nam nói chung. Điều này cần đến sự vào cuộc của các nhà quản lý chứ không phải chỉ có người nông dân.