Thận trọng, linh hoạt trong tăng trưởng

ANTĐ - Hàng loạt vấn đề vĩ mô của nền kinh tế đã được phân tích, đánh giá đa chiều trong cuộc tọa đàm “Triển vọng kinh tế và tầm nhìn chính sách năm 2014” diễn ra sáng 6-3-2014. Các chuyên gia kinh tế đã đưa ra một số khuyến nghị chính sách điều hành kinh tế Việt Nam năm 2014.

Tín hiệu phục hồi còn rất mong manh (ảnh minh họa)

Kinh tế đang phục hồi

Tiến sĩ Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, tương tự như kinh tế thế giới, kinh tế Việt Nam đang loay hoay ở 3 trạng thái: phục hồi, rủi ro và cải cách. Trong đó, tín hiệu phục hồi được coi như chắc chắn hơn so với giai đoạn 2011-2012. Rủi ro còn nhiều nhưng mức độ đã giảm. “Ổn định và cải cách của Việt Nam mới dừng lại ở mức độ đặt ra chương trình và quyết tâm chính trị, chứ chưa thực hiện được. Ổn định ở đây được hiểu là dùng mọi cách để nền kinh tế bình thường trở lại, nhưng từ nay ổn định phải gắn với cải cách”.

Đồng tình với quan điểm này, Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR)- Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, nền kinh tế đã có dấu hiệu phục hồi nhẹ và mong manh, biểu hiện ở các con số thống kê tăng trưởng GDP, lạm phát, chỉ số sản xuất, xuất nhập khẩu... Vì vậy, chính sách điều hành phải thận trọng vì nếu cho rằng, tăng trưởng đã phục hồi nhanh và vững chắc, không phải cải cách nữa thì đó là bước lùi của nền kinh tế. Theo Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, đề xuất cải cách kinh tế được đưa ra từ năm 2011 nhưng năm 2012- 2013, Việt Nam vẫn chưa đổi mới được gì. Năm 2014,  theo các chuyên gia kinh tế, tăng trưởng kinh tế vẫn là trong ngắn hạn còn về dài hạn, tăng trưởng vẫn tiếp tục đà đi xuống kể từ năm 2005 đến nay. Vì vậy, cần quyết liệt thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, tài chính, ngân hàng và lĩnh vực nông nghiệp. 

Ứng xử với tăng trưởng trong ngắn hạn, ông Nguyễn Đức Thành cho rằng cần điều chỉnh chính sách kích thích kinh tế được triển khai từ năm 2010 đến nay, như: gói ưu đãi 30.000 tỷ đồng, lãi suất giảm… Vì nếu tiếp tục duy trì, dòng vốn sẽ chảy sang thị trường chứng khoán, nơi đang có hiện tượng hình thành “bong bóng nhỏ” trong thời kỳ suy thoái. Giới điều hành tiền tệ, tài khóa phải thận trọng điều chỉnh ngay từ bây giờ để phù hợp. “Chính sách kinh tế phải linh hoạt, đáp ứng được yêu cầu phát triển của nền kinh tế, không được chủ quan”- TS Nguyễn Đức Thành nhấn mạnh. 

Xử lý các rủi ro phát sinh

Theo các chuyên gia, một vấn đề khác nữa của nền kinh tế Việt Nam hiện nay là chi thường xuyên tăng lên quá nhanh, tăng mạnh hơn chi đầu tư và khó kiểm soát, khó điều tiết giảm trong ngân sách. Điều này cho thấy bộ máy hành chính của nước ta có biểu hiện ngày càng mở rộng thay vì thu hẹp lại như xu thế của nhiều nước khác trên thế giới. Về trung hạn, mất cân đối chi tiêu sẽ khiến cho hạ tầng của Việt Nam không tốt, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế khó khăn, Chính phủ phải tiến hành giảm thuế, giãn thuế, nguồn thu ngân sách giảm. 

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan lại thận trọng trước tính chính xác và ý nghĩa của những con số thống kê. “Xuất khẩu tốt nhưng đó là thành tích của khối doanh nghiệp FDI chứ không phải của doanh nghiệp Việt Nam. Hay với chỉ số lạm phát, có những con số có độ tin cậy chưa cao và cái có thể tin cậy được thì vẫn cần lý giải đằng sau những con số đó có điều gì tích cực, điều gì tiêu cực”- bà Phạm Chi Lan nói. Đối với năm 2014, chuyên gia này lưu ý đến công cụ chống chuyển giá của khối doanh nghiệp FDI bởi hiện tượng này đã được nhắc đến nhiều nhưng chưa có biện pháp xử lý.