Phí tàu ngoại gây thiệt hại hàng tỷ đồng

ANTĐ - Do sự lệ thuộc quá lớn vào các chủ tàu nước ngoài nên hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam đang phải chịu những khoản phí rất vô lý. Dù có phản ứng, có đấu tranh nhưng vẫn chỉ như “chém vào không khí”. 

Phí tàu ngoại gây thiệt hại hàng tỷ đồng ảnh 1Doanh nghiệp Việt Nam héo mòn vì phí tàu ngoại 

100% hàng hóa xuất nhập do tàu nước ngoài đảm nhận

Theo thống kê của Cục Hàng hải Việt Nam, hiện nay có khoảng 40 hãng tàu biển nước ngoài đang hoạt động kinh doanh tại Việt Nam đảm nhận gần như 100% hàng hóa xuất nhập khẩu đóng container xuất, nhập từ các thị trường châu Âu, châu Mỹ, Bắc Mỹ. Cục Hàng hải Việt Nam nhận định, vì phụ thuộc quá lớn vào các hãng tàu nước ngoài nên các chủ hàng Việt Nam bị áp đặt thu nhiều loại phí, phụ phí khác nhau. 

Kết quả rà soát của Cục Hàng hải Việt Nam cho thấy, một số loại phí đang thu không những không đúng quy định của pháp luật Việt Nam, mà còn không phù hợp với thông lệ quốc tế. Ông Chu Hữu Nghị, Giám đốc điều hành Tổng công ty May Hưng Yên phản ánh, doanh nghiệp này phải nộp rất nhiều loại phí và phụ phí bất hợp lý nhưng không biết kêu ai. Trong thông báo của Bộ GTVT, chủ hàng phải nộp với cước phí 60USD/container 20 feet, 80 USD cho 1 containre 40 feet. Tuy nhiên, hiện nay công ty May Hưng Yên phải nộp 90 USD cho 1 container 20 feet và 140USD/container 40 feet. “Chúng tôi không hiểu các hãng tàu đưa vào như thế nào. Ngay cả chi phí mất cân đối container và chi phí tắc nghẽn container tại cảng chúng ta nghe nói nhiều trong TP.HCM, nhưng bản thân chúng tôi làm tại cảng Hải Phòng cũng phải trả phí này. Vì chúng ta không minh bạch các loại phí tại cảng nên mỗi thời kỳ các hãng tàu lại đưa thêm các loại phí vào”, ông Chu Hữu Nghị bức xúc. Mỗi năm, doanh nghiệp của ông Nghị phải trả cho các loại phí vô lý này lên đến hơn 9 tỷ đồng, chiếm hơn 3% doanh thu của Tổng công ty.

Lãnh đạo Cục Hàng Hải Việt Nam, ông Bùi Thiên Thu, Phó cục trưởng cho biết, các hãng tàu nước ngoài chỉ được thu phí tắc nghẽn hàng hóa tại cảng khi hàng hóa xuất nhập khẩu bốc dỡ tại cảng gây tắc nghẽn làm phát sinh chi phí cho chủ tàu. Tuy nhiên, các hãng tàu nước ngoài lợi dụng hiện tượng tắc nghẽn tại cảng để kéo dài thời gian thu phí. 

Hàng nghìn tỷ đồng phí vô lý

Không chỉ vậy, theo ông Bùi Thiên Thu, các hãng tàu còn lợi dụng sự lệ thuộc của các doanh nghiệp Việt Nam để chèn ép, thu các khoản phí như: phí vệ sinh container, phí sửa chữa container, trong khi các loại phí này đã được tính vào khấu hao trong quá trình kinh doanh và thuộc trách nhiệm của chủ tàu. Theo tính toán, những loại phí vô lý này gây thiệt hại không nhỏ cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Việt Nam, trong đó riêng ngành da giày mỗi năm tốn khoảng 110 triệu USD để trả cho những khoản phí vô lý này. Hiệp hội Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) cũng đã liệt kê một loạt các khoản phí vô lý mà các chủ tàu nước ngoài áp đặt lên hàng xuất nhập khẩu của Việt Nam như phí đặt cược container, phí di chuyển container... Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Vasep tính toán, trung bình mỗi container đang phải gánh 500 USD cho các khoản phí và phụ phí. “Chỉ tính riêng 3 ngành gồm thủy hải sản, da giày và may mặc, các loại phí, phụ phí phải nộp cho các chủ tàu hàng năm chiếm khoảng 1% tổng kim ngạch xuất khẩu”, ông Nguyễn Hoài Nam cho hay. Theo tính toán, 1% tổng kim ngạch xuất khẩu của 3 ngành vào khoảng 370 triệu USD, tức khoảng hơn 7.700 tỷ đồng. 

Thực tế vô lý này được ông Phan Thông, Tổng Thư ký Hiệp hội chủ hàng Việt Nam chia sẻ, các đơn vị chủ hàng đã nỗ lực làm việc với các hãng tàu, nhưng do không có cơ sở để tranh luận đúng sai, lại bị lệ thuộc vào các chủ tàu nước ngoài nên các doanh nghiệp Việt Nam thường là bên chịu bất lợi. “Các chủ hàng cũng cố gắng đấu tranh, nhưng không có cơ sở thì giống như Đông Ki sốt đánh với cối xay gió, chỉ giễu võ giương oai đánh vào hư không, không giải quyết được vấn đề gì cả”, ông Phan Thông ví von. 

Để khắc phục vấn đề này, Bộ GTVT vừa thành lập Tổ công tác liên ngành về việc các hãng tàu biển nước ngoài thu phí, phụ phí bất hợp lý đối với hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam. Tổ công tác này được quyền yêu cầu các hãng tàu dừng thu các loại phí bất hợp lý, thậm chí được kiểm tra, xác minh tại doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo đại diện Tổng cục Thuế, khi chưa phát hiện các chủ tàu nước ngoài có gian lận về thuế, phí thì rất khó chính danh để Tổ công tác của Bộ GTVT lật ngược thế cờ.