Ngỡ ngàng vì hoa quả được mùa, giá vẫn cao

ANTĐ - Trong khi tại miền Nam, miền Trung, giá nhiều loại hoa quả như: dưa hấu, xoài, thanh long… đang rất rẻ vì được mùa; xuất khẩu cũng ùn tắc, thì tại Hà Nội, giá các loại quả này vẫn rất cao. Từ chợ đầu mối đến chợ dân sinh, có loại giá tăng gấp gần 3 lần.

Ngỡ ngàng vì hoa quả được mùa, giá vẫn cao ảnh 1Người dân Hà Nội ít cơ hội mua hoa quả giá rẻ

Giá hoa quả vẫn cao

Mùng một đầu tháng, đi chợ sớm mua hoa quả về thắp hương, chị Nguyễn Minh Yến (khu đô thị mới Trung Văn - Nam Từ Liêm) rất bất ngờ vì hỏi giá loại quả nào cũng đắt. “Một số tờ báo đưa tin hoa quả được mùa, giá rẻ như cho nhưng thực tế không phải vậy. Hiện chỉ có dưa hấu là giá “mềm” hơn cả” - chị Yến nói. Cụ thể, tại chợ Thanh Xuân Bắc, xoài to loại 500-600g/quả giá 40.000 đồng/kg; thanh long quả to 40.000 đồng/kg; na 50.000 đồng/kg; ổi 15.000 đồng/kg; dưa hấu 20.000 đồng/kg.

Cũng tưởng rằng hoa quả đang vào mùa nên giá rẻ, chị Hương (chủ quán cà phê trên đường Nguyễn Chí Thanh) cho biết: “Cứ nghĩ xoài giá rẻ, tôi định tranh thủ mua nhiều về dùng dần. Không ngờ xoài chín loại nửa cân một quả giá vẫn 40.000 đồng/kg. Thắc mắc với người bán hàng là có thông tin nói xoài loại này chỉ khoảng 10.000 đồng/kg, người bán chỉ ngay lô xoài xanh non bên cạnh, nhưng giá cũng 15.000 đồng/kg”. Theo chị Hương, do là mùng một đầu tháng nên các loại hoa quả có đắt hơn ngày thường, nhưng mức chênh lệch cao nhất chỉ 5.000 đồng/kg. “Tôi mua hoa quả hàng ngày nên tôi biết. Có lúc tôi cũng mua được xoài chín ngọt, nhiều cùi giá 20.000 đồng/kg, nhưng là loại quả nhỏ, trên vỏ đã có một vài đốm đen nên không để được lâu. Chưa bao giờ giá hoa quả xuống thấp cả” - chị Hương nói.

Tại các chợ dân sinh, dứa 10.000 đồng/quả to hoặc 2 quả nhỏ; dưa vàng 35.000 đồng/kg; quýt ngọt Sài Gòn 45.000 đồng/kg; cam vàng 25.000 đồng/kg; dưa chuột 8.000 đồng/kg. So với giá bán tại chợ đầu mối Dịch Vọng, Phùng Khoang, giá bán lẻ tại chợ dân sinh cao gấp 1,5 - 2 lần. Tuy nhiên, chị Hoàng Thị Miền (tiểu thương tại chợ đầu mối Dịch Vọng) cho hay: “Khách lẻ thường không mua được hoa quả loại 1 tại chợ đầu mối, vì các cửa hàng bán hoa quả lẻ đã nhập hết từ sáng sớm hoặc đặt hàng. Hàng tại chợ đầu mối mà khách lẻ mua được phần lớn là hàng loại 2, loại 3, giá thấp hơn nhưng mã xấu hơn”. 

Trung gian nhiều, giá bán khó xuống thấp

Trong khi tại miền Nam, miền Trung, nhiều loại hoa quả đang vào mùa thu hoạch, giá rẻ như cho thì tại Hà Nội, hầu hết giá các loại hoa quả vẫn giữ ở mức cao. Có thể thấy rõ sự chênh lệch này từ quả dưa hấu. Do được mùa, nông dân Quảng Ngãi “khóc ròng” bên những ruộng dưa vì ế ẩm, lỗ vốn. Nhiều tổ chức, cá nhân tại Hà Nội đã mua dưa hấu ủng hộ và bán ra với giá từ 5.000 - 7.000 đồng/kg; Mức giá này cũng đang rất phổ biến ở những điểm tập kết dưa xếp cao như núi trên đường Nguyễn Xiển (quận Thanh Xuân) với dưa loại 2, nhưng đến chợ dân sinh, ngày thường dưa hấu vẫn ở mức 18.000 đồng/kg và tăng lên 20.000 đồng/kg vào ngày đầu tháng. Hay với xoài, tại miền Nam, giá bán lẻ xoài loại 1 hiện chỉ khoảng 10.000 đồng/kg thì tại Hà Nội, giá bán cao gấp 4 lần. 

Vẫn biết một quả dưa từ người trồng đến người mua tiêu dùng phải trải qua nhiều khâu, trong đó người phân phối phải chi trả nhiều cho các khoản: vận tải, ăn uống, nhân công, kho bãi… nhưng sự chênh lệch giá đầu chợ bán buôn với chợ dân sinh vẫn có khoảng cách lớn. Thực tế cho thấy, không phải người tiêu dùng nào cũng có thể đến các điểm tập kết hàng để mua với giá thấp hay nói cách khác, người tiêu dùng Hà Nội hiếm có cơ hội mua hoa quả trong nước với giá hợp lý.

Chuyên gia thị trường, ông Vũ Vinh Phú - nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội đã nhiều lần nhấn mạnh, khâu phân phối quá yếu khiến hàng hóa qua nhiều tay trung gian, giá bán đến người tiêu dùng bị đẩy lên gấp nhiều lần. “Phải liên kết mạnh giữa sản xuất, phân phối và tiêu dùng, giảm bớt trung gian để thu hẹp khoảng cách chênh lệch giá. Từ đó, người tiêu dùng mới được hưởng lợi” - ông Vũ Vinh Phú nói.

Muốn chấm dứt nghịch lý, người sản xuất được mùa thì mất giá, còn người tiêu dùng luôn phải trả giá cao, để đảm bảo lợi ích cho cả người trồng cây và người tiêu dùng, cơ quan quản lý cần thể hiện vai trò điều tiết thị trường một cách tích cực.