Năng lực cạnh tranh thấp vì điều kiện kinh doanh chằng chịt

ANTĐ - Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, tại Việt Nam, các quy định về điều kiện kinh doanh chỉ tập hợp riêng đã kéo dài gần 900 trang giấy với 6.000 điều kiện cụ thể; chưa kể hàng nghìn công văn điều hành phát sinh mỗi năm. Vì vậy, chi phí gia nhập thị trường của doanh nghiệp cao.  

Năng lực cạnh tranh thấp vì điều kiện kinh doanh chằng chịt ảnh 1Bãi bỏ điều kiện kinh doanh không phù hợp sẽ tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, cạnh tranh

“Mớ bòng bong” điều kiện kinh doanh

Theo ông Nguyễn Đình Cung, “ma trận” điều kiện kinh doanh mà doanh nghiệp đang phải đối mặt giống như người thợ điện đứng giữa mớ dây điện chằng chịt, không biết tháo ở điểm nào. “Cách nhanh nhất là cắt đứt. Đáng chú ý, có những quy định về điều kiện kinh doanh rất vô lý” - Viện trưởng CIEM nói. Ví dụ, doanh nghiệp muốn được cấp phép kinh doanh xuất khẩu gạo phải có kho chứa 450 tấn thóc trở lên, phải có cơ sở xay xát, có thành tích xuất khẩu 3-4 năm… “Không có kho thóc này thì cũng không ảnh hưởng tới cộng đồng nên đó là điều kiện không phù hợp. Nhưng tại sao lại có điều kiện đó? Những người đang đáp ứng đủ điều kiện xuất khẩu rất thích thú với quy định này, vì rất khó để người khác  gia nhập thị trường. Nếu như vậy thì không có cạnh tranh, mà thương nhân lại ghét nhất là cạnh tranh” - ông Nguyễn Đình Cung thẳng thắn nói.

Trong lĩnh vực vận tải, doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng khách bằng đường bộ tại Hà Nội, TP.HCM phải đáp ứng tối thiểu 20 xe, ở ngoài 2 khu vực này là 10 xe, ở miền núi khó khăn là 5 xe. Ông Nguyễn Đình Cung đặt câu hỏi: “Tại sao lại quy định những con số 5 xe hay 10 xe mà không phải là những con số khác?”.

Điều kiện kinh doanh quá nhiều đang gây bất bình đẳng trong tiếp cận cơ hội kinh doanh, đặc biệt đối với doanh nghiệp quy mô cực nhỏ và quy mô nhỏ và vừa cũng như bộ phận doanh nghiệp tư nhân. Không ít ý tưởng sáng tạo sớm bị thui chột, bị coi là không phù hợp với pháp luật; quan hệ cung cầu thị trường méo mó; phân bổ nguồn lực hiệu quả thấp và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế không cao. 

Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế (VCCI) cho hay, điều tra doanh nghiệp nhiều năm qua cho thấy, thời gian doanh nghiệp dành để “lo” thủ tục hành chính không giảm nhiều. Theo ông Đậu Anh Tuấn, cách thức lấy ý kiến doanh nghiệp vào dự thảo bằng cách đăng lên trang web của bộ, ngành không đạt hiệu quả mong muốn, “vì họ còn mải mê tìm cách sống sót, đâu có thời gian góp ý” - ông Đậu Anh Tuấn cho hay.

Văn bản trái luật sẽ bị “vô hiệu hóa”

Từ ngày 1-7-2015, Luật Doanh nghiệp sửa đổi và Luật Đầu tư sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua sẽ chính thức có hiệu lực. Hai Luật này được cộng đồng doanh nghiệp và các chuyên gia đánh giá cao về nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam. Một trong những nội dung quan trọng và rất được quan tâm trong quá trình triển khai thi hành 2 Luật nói trên là các quy định liên quan đến điều kiện kinh doanh và các ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Ông Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh: “Với hai luật mới này, điều kiện kinh doanh ở các Thông tư hiện còn tồn tại đương nhiên hết hiệu lực. Luật mới không cho phép bộ, ngành, địa phương được ban hành điều kiện kinh doanh. Nếu cố tình ban hành là sai quy định và văn bản bị vô hiệu hóa”. 

Trên thực tế, Luật Doanh nghiệp ban hành năm 2000 đã đề cập đến việc đơn giản hóa thủ tục đầu tư, kinh doanh. Nhưng hơn 10 năm qua, điều kiện kinh doanh ngày càng nhiều do các bộ, ngành, địa phương ban hành. Trong điều kiện hiện nay, việc bãi bỏ các quy định không hợp lý càng không đơn giản, “vì các bộ, ngành, địa phương đã có “độ trơ” hơn, phê bình, nhắc nhở chẳng ăn thua” - ông Nguyễn Đình Cung bức xúc. 

Theo đại diện Ngân hàng thế giới, để các bộ tự ban hành thông tư rồi rà soát thì không hiệu quả. Vì vậy, cần có thiết chế độc lập, minh bạch để tiến hành rà soát. Kinh nghiệm của Malaysia cho thấy, Ủy ban Năng suất của nước này sẽ phân tích, rà soát, đánh giá chất lượng và tính hợp pháp của văn bản để xem điều kiện kinh doanh đó có tồn tại được hay không.