Mua sắm trực tuyến: Nhận hàng, trả tiền mặt, cho chắc ăn

ANTĐ - Theo kết quả khảo sát mới nhất của Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (TMĐT và CNTT - Bộ Công Thương) về thị trường TMĐT Việt Nam, năm 2013, doanh thu TMĐT ước đạt 2,2 tỷ USD. Với tỷ lệ người dùng Internet, smartphone, mạng xã hội tăng lên chóng mặt, mua sắm trực tuyến đang ngày càng thịnh hành tại Việt Nam.

Mua sắm trực tuyến: Nhận hàng, trả tiền mặt, cho chắc ăn ảnh 1Doanh nghiệp cần nâng cao sự thuận tiện cho người mua sắm online

Tiết kiệm thời gian

Ông Nguyễn Quỳnh Minh - đại diện Cục TMĐT và CNTT cho hay, phần lớn người mua hàng online cho biết, hình thức này giúp họ tiết kiệm được thời gian. Một số nói họ có thể mua được hàng trên mạng rẻ hơn hàng bán lẻ ngoài thị trường. Rõ ràng, mua sắm online đang ngày càng phổ biến bởi sự thuận tiện, đơn giản và những người thực hiện mua sắm qua hình thức này nhiều nhất thường làm công việc văn phòng, liên quan đến máy tính, Internet. Theo ông Nguyễn Quỳnh Minh, năm 2014, lượng người dùng điện thoại di động để truy cập Internet đã vượt số lượng người sử dụng máy tính để lên mạng, nghĩa là cánh cửa cho TMĐT ngày càng rộng mở. 

Theo kết quả khảo sát 781 người sử dụng Internet tại Hà Nội và TP.HCM, giá trị mua hàng trực tuyến của 1 người ước đạt 120 USD/năm. Tại TP.HCM, tỷ lệ người mua hàng qua mạng là 57%, tương đương khoảng 5 triệu người. Như vậy, quy mô bán lẻ qua hình thức TMĐT tại địa phương này đạt gần 600 triệu USD/năm. Tại Hà Nội, doanh số thu được cũng lớn gần bằng TP.HCM bởi dân số đông và tỷ lệ người mua sắm online cũng nằm trong “top” đầu cả nước.

Hiện nay, hình thức mua sắm trực tuyến của người dân Việt Nam chủ yếu thông qua các website bán hàng và dịch vụ (61%), website mua hàng theo nhóm (51%) và diễn đàn mạng xã hội (45%). Bên cạnh những doanh nghiệp có website cho phép bán hàng trực tuyến, thị trường TMĐT Việt Nam xuất hiện ngày càng nhiều các trang chuyên mua sắm trực tuyến như: Lazada.vn, chodientu.vn, vatgia.com, 123mua.vn, sendo.vn...  Hoạt động mua bán hàng qua mạng xã hội cũng đang nở rộ, trong đó đáng chú ý nhất là thông qua mạng xã hội Facebook. Tính đến tháng 9-2014, có khoảng 25 triệu người Việt Nam tham gia mạng xã hội này. Trên thực tế, quảng cáo, giới thiệu, rao bán hàng trên Facebook đang diễn ra sôi nổi, không chỉ bởi mạng xã hội này có hàng triệu thành viên mà còn vì mua bán qua đây được miễn phí, giao dịch thuận tiện.

Người mua vẫn e ngại

Theo đại diện Cục TMĐT và CNTT, 29% người được hỏi muốn thử mua hàng online nếu biết bạn bè hay người thân đã từng mua các mặt hàng tương tự và có trải nghiệm tốt. 12% muốn thử mua hàng online nếu hàng hóa có bảo hành hoặc bảo đảm về sản phẩm. Kết quả này vừa cho thấy xu hướng muốn mua hàng online, vừa thể hiện thái độ băn khoăn của người tiêu dùng về chất lượng hàng hóa mua qua mạng, bởi họ không được trực tiếp “sờ tận tay” khi xem hàng. 

Ngoài ra, không ít người có ý định mua hàng trực tuyến hiện tại vẫn e ngại với hình thức thanh toán. Nếu phải chuyển tiền trực tuyến, người mua thường không an tâm, sợ bị thất lạc hoặc đã chuyển tiền nhưng không nhận được hàng. Thế nên, hiện tại, 71% người mua hàng trực tuyến trả tiền mặt khi nhận hàng. 55% người được hỏi vẫn mong muốn được sử dụng phương thức cũ kỹ này. Vì vậy, để tạo thuận lợi hơn cho mua sắm trực tuyến, cải thiện hình thức thanh toán thuận tiện, an toàn là một yêu cầu quan trọng. 

Bà Khuất Thị Trang - đại diện Công ty Điện toán và truyền số liệu (VDC) cho biết, khách hàng có thể sử dụng dịch vụ hóa đơn điện tử VNPT - EInvoice để xác thực các giao dịch TMĐT, đối chiếu số liệu mà không lo bị mất mát, hư hỏng hay thất lạc hóa đơn như thông thường, rút ngắn được thời gian thanh toán. 

Theo bà Trần Thị Phương Lan - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, Phó trưởng Ban chỉ đạo Phát triển TMĐT TP Hà Nội, tới đây, việc sử dụng tiền mặt trong thanh toán sẽ giảm dần. Vì vậy, việc phát triển nhanh về số lượng, chất lượng dịch vụ trung gian thanh toán sẽ góp phần thúc đẩy TMĐT phát triển.