Lợi nhuận ngân hàng sụt giảm

ANTĐ - Báo cáo tài chính của các ngân hàng mới công bố cho thấy, lợi nhuận năm 2013 của hầu hết các ngân hàng đều sụt giảm. Nguyên nhân chính được xác định là do tình hình nợ xấu tác động tiêu cực tới tăng trưởng tín dụng cũng như tăng chi phí trích lập dự phòng rủi ro. Bên cạnh đó, lãi suất được điều chỉnh giảm cũng kéo lợi nhuận từ lãi giảm theo. 

Các ngân hàng không mấy kỳ vọng vào khả năng lợi nhuận cao trong năm 2014 (ảnh minh họa)

Chấp chới cán đích

Lợi nhuận sau thuế 2013 của Ngân hàng TMCP Ngoại thương (VietcomBank) giảm 1% xuống 4.352 tỷ đồng chủ yếu do tín dụng tăng 16% và tín dụng liên ngân hàng tăng 29% so với năm 2012. Đánh giá về hoạt động của VietcomBank trong năm 2013, ông Nghiêm Xuân Thành - Tổng giám đốc VietcomBank cho biết: “Tổng tài sản của VietcomBank tăng thêm 13,1% lên 467.761 tỷ đồng, vượt so với chỉ tiêu tăng 9% đặt ra. Huy động vốn từ nền kinh tế đạt 331.546 tỷ đồng tăng 16,2% so với đầu năm, tăng trưởng tín dụng đạt 275.285 tỷ đồng, tăng 14,5%. Nợ xấu chiếm tỷ lệ 2,62% trên tổng dư nợ. Lợi nhuận hợp nhất của VietcomBank năm 2013 đạt 5.727 tỷ đồng, đạt 100,4% kế hoạch”.

Trong khi đó, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Công Thương (VietinBank) Phạm Huy Hùng chia sẻ, hết năm 2013, lợi nhuận trước thuế của VietinBank ước đạt 7.700 tỷ đồng, tổng tài sản tăng 13%, tín dụng tăng 11% so với năm 2012. So với năm trước lợi nhuận năm 2013 giảm nhưng so với mục tiêu đề ra thì kết quả vẫn vượt chỉ tiêu. 

Còn tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV), đến 31-12-2013, tổng tài sản BIDV đạt 550.000 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2012. Nguồn vốn huy động đạt 472.000 tỷ đồng, dư nợ tín dụng cho nền kinh tế đạt 391.000 tỷ đồng, tăng 16,7% so năm 2012. Lợi nhuận trước thuế đạt 5.233 tỷ đồng, tăng gần 21% so với năm 2012, đạt 110,8% kế hoạch. 

Theo Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (SacomBank), năm 2013 ngân hàng đã hoàn thành kế hoạch lợi nhuận đề ra với mức tương đối cao là 2.800 tỷ đồng trước thuế. Đại diện Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cho biết, trong năm 2013 tổng dư nợ của VPBank tăng hơn 30%, huy động khách hàng tăng hơn 35%, tổng tài sản tăng 16,4%, lợi nhuận trước thuế tăng hơn 30% so với năm 2012. Ngân hàng TMCP Kỹ thương (TechcomBank) có lợi nhuận hợp nhất trước thuế dự kiến đạt 878 tỷ đồng, giảm 13,7% so với năm 2012, do việc trích lập dự phòng cẩn trọng....

Nợ xấu chèn lợi nhuận

Các chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng nhìn nhận, trong bối cảnh các ngân hàng đều phải căng mình để xử lý nợ xấu, tăng trích lập dự phòng rủi ro thì việc lợi nhuận suy giảm không có gì đáng ngạc nhiên. Ngân hàng Nhà nước cho biết, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng các tổ chức tín dụng đã tích cực trích lập dự phòng rủi ro để tạo nguồn xử lý nợ xấu và đã chủ động xử lý một khối lượng lớn nợ xấu bằng nguồn dự phòng. 

Còn theo phân tích của Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC), nguyên nhân đầu tiên của sự sụt giảm lợi nhuận đồng loạt ở ngành này bắt nguồn từ việc lãi suất bị cắt giảm mạnh, trong khi thu nhập từ lãi vẫn là nguồn thu chính của các ngân hàng. Năm 2013, lãi suất cho vay đã giảm 2,3%, giảm nhanh hơn so với lãi suất huy động (giảm 1,8%), khiến cho thu nhập từ lãi vay giảm 12% so với năm 2012.

Tình trạng nợ xấu ngoài việc khiến các ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng còn làm cho tín dụng tăng trưởng chậm gần như suốt năm 2013 do các ngân hàng thận trọng trong việc cho vay. Bên cạnh đó, chính sự thận trọng cũng khiến cơ cấu tài sản sinh lợi của các ngân hàng chuyển dịch sang tài sản có mức sinh lợi thấp, đặc biệt là chuyển sang trái phiếu Chính phủ.

Mặc dù chưa đưa ra những con số cụ thể về chỉ tiêu lợi nhuận của năm 2014 nhưng lãnh đạo một số ngân hàng cũng cho rằng khó có thể đạt được mức lợi nhuận cao trong năm nay. Điều này cũng được chỉ ra tại Báo cáo nghiên cứu về niềm tin kinh doanh năm 2014 của Công ty cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report). Cụ thể là, trái ngược so với kết quả điều tra năm 2013, các doanh nghiệp ngành tài chính ngân hàng tỏ ra không mấy lạc quan như các ngành khác về triển vọng ngành trong năm 2014.

TPBank dành 2.000 tỷ đồng cho vay với lãi suất từ 8%/năm

Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) cho biết, từ nay đến hết 31-5-2014, TPBank sẽ triển khai gói tín dụng 2.000 tỷ đồng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động nguồn vốn, yên tâm kinh doanh. 

Theo đó, doanh nghiệp có thể vay tới 90% giá trị hợp đồng bằng USD hoặc VND. TPBank áp dụng mức lãi suất đặc biệt chỉ từ 8%/năm đối với VND hoặc 3,8%/năm đối với USD trong 3 tháng đầu tiên. Sau thời gian ưu đãi, TPBank tiếp tục áp dụng mức lãi suất tín dụng hợp lý nhất cho các khoản vay, dựa trên lãi suất tiết kiệm do NHNN quy định và biên độ lãi vay thấp.