Doanh nghiệp Việt trước ngưỡng cửa thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC):

Không được phép chậm trễ

ANTĐ - Nhận diện được những thách thức là bước quan trọng để doanh nghiệp Việt Nam có hướng đi đúng đắn khi hội nhập đến gần. Trong đó, đổi mới về tư duy phải là bước đi đầu tiên và cần thiết.

Không được phép chậm trễ ảnh 1Đổi mới để tận dụng cơ hội từ AEC 

Bắt đầu từ tư duy

Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, ông Lê Vĩnh Sơn - Phó Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Việt Nam thừa nhận: “Cần thay đổi lớn về tư duy. Hội nhập đã chính thức bắt đầu rồi nên ngay lập tức cần xác định rõ, thị trường quan trọng là ASEAN, không phải thị trường Âu - Mỹ”.

Từ góc độ nghiên cứu, PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn - Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) cũng nhấn mạnh việc cần thiết phải đổi mới tư duy. Cụ thể hơn, đó là đổi mới công nghệ, kỹ năng quản lý, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. “Thâm nhập thị trường không còn cách nào khác là bằng sự khác biệt về hàng hóa, dịch vụ và thị trường ngách”- ông Nguyễn Hồng Sơn nói. Bên cạnh đó, nếu doanh nghiệp vẫn tiếp tục giữ quan điểm cạnh tranh dựa vào lao động giá rẻ, lạm dụng tài nguyên và vốn thì sẽ sớm rơi vào bẫy của tự do hóa. Thay vào đó, cần nhìn nhận tham gia AEC như một cầu nối, cuộc tập dượt để tiến tới sân chơi rộng và khắt khe hơn. Mặt khác, hội nhập AEC cũng là giải pháp quan trọng nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế Việt Nam, tránh lệ thuộc quá nhiều vào một thị trường, một đối tác.

Việt Nam đã tham gia khá nhiều hiệp định thương mại tự do như: VKFTA, VCUFTA, RCEP. So sánh các hiệp định này với các hiệp định sắp ký kết như: TPP, AEC, EVFTA, EFTA… có thể thấy, các hiệp định đã ký kết hầu như tập trung vào thuế, mức độ tự do hạn chế hơn. Tuy nhiên, các hiệp định sắp tham gia lại thiết lập đối tác mới, với phạm vi rộng hơn và mức độ tự do hóa mạnh hơn và tác động tới không chỉ xuất nhập khẩu mà còn cả thị trường, thể chế. Riêng trong lĩnh vực thương mại hàng hóa, các hiệp định sắp ký kết cũng tiếp cận thị trường nhiều hơn và xu hướng cơ bản là loại bỏ thuế đối với 95-100% số dòng thuế. Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Trang – Giám đốc Trung tâm WTO (VCCI) cảnh báo: “Năm 2015 sẽ có nhiều sóng ngầm. Thông tin là quyền lực, do đó, các doanh nghiệp cần nắm được lộ trình mở cửa các hiệp định để xây dựng lộ trình hoạt động cho mình”.

Cần bước tiến dài hơn

Đề cập đến những lợi thế khi tham gia AEC, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú cho biết, Việt Nam may mắn vì đã trải qua quá trình tham gia ASEAN từ rất sớm và đã thực thi nhiều hiệp định thương mại. Tuy nhiên, Việt Nam mới đổi mới kinh tế gần 30 năm, trong khi các nước khác đã đổi mới cả trăm năm. “Cần thấy rằng, chúng ta đi chậm hơn các nước khác nên doanh nghiệp Việt Nam phải nhanh chân hơn. Đừng trông chờ Nhà nước cho tiền. Nhà nước chỉ có thể hỗ trợ đào tạo nhân lực, quản lý, xúc tiến thương mại… mà thôi”. Thứ trưởng Bộ Công Thương cũng lưu ý doanh nghiệp cần chọn sản phẩm để sản xuất và tham gia sâu hơn vào những chuỗi sản xuất quan trọng như: ô tô, dệt may, da giày. Doanh nghiệp Việt Nam có nhiều điều kiện để nghiên cứu khoa học, tiếp xúc kinh nghiệm của các nước trên thế giới song cần vận dụng hiệu quả hơn. “Giới doanh nhân Việt Nam có nhiều người ở tầm cao và luôn mong muốn cống hiến cho đất nước. Tuy nhiên có một thực tế là năng suất lao động của chúng ta chưa cao” – đại diện một doanh nghiệp chia sẻ. 

Theo ông Nguyễn Thanh Tùng - Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xích líp Đông Anh, doanh nghiệp này đã bắt tay vào đổi mới để nâng cao năng lực cạnh tranh. Ngoài việc đầu tư cho công nghệ trọng điểm, thiết bị tốt, dây chuyền tự động nhằm nâng cao chất lượng, giảm giá thành thì năm 2014, công ty đã có 176 sáng kiến, làm lợi khoảng 3 tỷ đồng. “Chúng tôi đang tiếp tục giảm chi phí sản xuất, cân đối ngày công, giờ công lao động, giảm thao tác công nhân để nâng cao tính cạnh tranh, chuẩn bị cho hội nhập”- ông Nguyễn Thanh Tùng nói.