Hạt rau cải, su hào cũng phải… nhập khẩu

ANTĐ - Là một nước nông nghiệp nhưng Việt Nam hiện phụ thuộc vào Trung Quốc, từ thị trường tới nguồn cung nguyên liệu. Đáng nói, từ những hạt giống cây trồng quen thuộc như bầu bí, su hào, bắp cải… cũng là hàng nhập “ngoại”. Hàng chục triệu nông dân đã đặt ra câu hỏi, ngành nông nghiệp đang làm gì?

Phần lớn hạt giống rau, củ Việt Nam phải nhập khẩu

Nhập từ những hạt giống cây truyền thống

Bộ NN&PTNT vừa phê duyệt kế hoạch tái cơ cấu ngành trồng trọt với những mục tiêu vĩ mô như chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao sản lượng và chất lượng, đẩy mạnh khâu chế biến, bảo quản… nhưng lại bỏ qua những điều vi mô như làm thế nào để chủ động nguồn nguyên liệu. Đưa ra những mục tiêu xuất khẩu hoa quả, lúa gạo,… nhưng Bộ lại không hề nhắc đến việc, làm sao để có những bộ giống tốt giúp nông dân không lệ thuộc vào hạt giống Trung Quốc như hiện nay.

Cục Trồng trọt nhìn nhận, Việt Nam có hàng trăm công ty giống cây trồng nhưng phần lớn  là công ty thương mại, nhập khẩu giống từ Trung Quốc về bán lại cho người dân. Hàng năm, Việt Nam phải bỏ ra khoảng nửa tỷ USD để nhập khẩu hạt giống. Cụ thể, năm 2013, Việt Nam đã chi ra 500 triệu USD để nhập khẩu 8.000 tấn hạt giống các loại nhằm cung ứng cho 700.000 ha sản xuất rau của cả nước. Năm 2014, ước tính Việt Nam xuất khẩu khoảng 1,2 tỷ USD rau, củ quả thì cũng phải bỏ ra khoảng một nửa số này để nhập khẩu giống. Đáng nói, ngay từ những hạt giống vốn rất truyền thống như bầu bí, cà chua, rau cải… cũng phải nhập từ Trung Quốc. 

Khảo sát của phóng viên tại các vùng trồng rau lớn trên địa bàn Hà Nội như Đông Anh, Gia Lâm, Đan Phượng… cho thấy, các điểm cung cấp hạt giống rau phần lớn đều bán giống rau Trung Quốc, như các loại rau cải, su hào, bắp cải, rau dền… Ông Nguyễn Duy Hồng, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội cho hay, gần như 100% hạt giống rau các loại trên địa bàn Hà Nội là hàng “ngoại”. Kết quả kiểm tra từ Thanh tra Sở NN&PTNT Hà Nội tại một số công ty cung cấp hạt rau giống lớn cũng cho thấy, phần lớn đều nhập hạt giống từ Trung Quốc về đóng gói, bán ra thị trường, chưa kể tình trạng nhập khẩu hạt giống rau ngoài luồng, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Cụ thể, cuối năm 2013, lực lượng chức năng kiểm tra tại Công ty TNHH Giống cây trồng Hoàng Nông (đường Tam Trinh, quận Hoàng Mai) phát hiện 3.000 gói hạt giống không rõ nguồn gốc xuất xứ; hàng loạt gói hạt rau củ không đảm bảo chất lượng như cải củ, su hào xuất xứ từ Công ty Hubei Kangxin Agro Industry (Trung Quốc) có tỷ lệ hạt nảy mầm rất thấp, chỉ 57%.

“Mãi là anh nông dân làm thuê”

Tại những vùng rau chuyên canh lớn như Vân Nội (Đông Anh), Đặng Xá (Gia Lâm)… hàng năm, mỗi gia đình phải mất hàng chục triệu đồng tiền giống rau. Chị Ngô Thị Thủy, thôn Đầm, xã Vân Nội cho hay, trung bình mỗi năm, chi phí hạt giống rau, củ của gia đình chị vào khoảng 80-90 triệu đồng, những hộ gieo trồng với diện tích lớn có thể lên tới vài trăm triệu đồng. 

Theo phân tích của nhiều người, sở dĩ các công ty giống của Việt Nam thích nhập khẩu hạt giống về bán hơn là bỏ tiền  nghiên cứu vì lợi nhuận cao hơn. Thế nên, Việt Nam đã trở thành miếng bánh béo bở cho các Tập đoàn, công ty giống thế giới kiếm lời khổng lồ. Ông Phan Huy Thông - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho biết: Cả nước có 600.000-700.000 ha trồng lúa lai nhưng có đến 70% diện tích dùng giống nhập khẩu, chủ yếu là từ Trung Quốc. Lượng lúa lai nhập khẩu của ViệtNam mỗi năm khoảng 13.000-15.000 tấn với giá trị trên 40 triệu USD.

Theo TS Lê Hưng Quốc, Phó chủ tịch Hiệp hội Thương mại giống cây trồng Việt Nam, sở dĩ phải nhập khẩu nhiều hạt giống do chúng ta chưa có khả năng tạo ra các tổ hợp bố mẹ. Đơn cử việc nhập khẩu giống ngô lai, lúa lai chỉ được sử dụng và phát triển trong vài năm, sau đó sẽ bị thoái hóa và tiếp tục nhập khẩu, như một vòng luẩn quẩn. Còn GS.TS Đỗ Năng Vịnh, Chủ tịch Hội đồng khoa học, Viện Di truyền cho rằng: “Đa số những sản phẩm có giá trị cao trên thế giới như cà chua, dưa chuột, cam quýt, Việt Nam hoàn toàn có thể tạo giống trong nước. Chúng ta sản xuất lúa gạo, cà phê nhưng phụ thuộc giống, phân bón, thuốc BVTV thì tinh hoa nhất của sản xuất thuộc về người khác, chúng ta chỉ là anh nông dân suốt đời làm thuê cho thế giới”.