Hàng khô vẫn chưa vào vụ Tết

ANTĐ - Chỉ còn chưa đầy một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán 2015 nhưng thị trường hàng khô vẫn chưa có dấu hiệu bắt đầu vào vụ Tết. Khách mua thưa vắng là nguyên nhân chính khiến các tiểu thương không dám nhập nhiều hàng.

Hàng khô vẫn chưa vào vụ Tết ảnh 1 Nằm ngay bên đường dẫn vào chợ Đồng Xuân nhưng quầy hàng khô này vẫn vắng khách

Giá ổn định vẫn vắng khách mua

Khảo sát tại một số chợ lớn trên địa bàn Hà Nội như chợ Đồng Xuân, Cầu Giấy, Nghĩa Tân, giá các mặt hàng khô vẫn ổn định, tăng không đáng kể so với 2-3 tháng trước: Măng khô 120-200 nghìn đồng/1kg; Mộc nhĩ 150 nghìn đồng/kg; Nấm hương 320 nghìn đồng/kg; Miến dong 65 nghìn đồng/kg; Thảo quả 190 nghìn đồng/kg; Quế, Hoa hồi 100 nghìn đồng/kg...

Khi đổ về các chợ bán lẻ, giá các mặt hàng khô có tăng lên so với giá ở chợ đầu mối, tuy nhiên mức tăng không quá lớn, tùy từng mặt hàng mà có mức giá chênh lệch nhau, dao động trong khoảng từ 10-30 nghìn đồng/kg hàng hóa. Nhiều tiểu thương còn tận dụng hình thức kinh doanh qua mạng, đăng bán các mặt hàng măng, miến đặc sản của các vùng để thu hút thêm khách hàng.

Đã thành quy luật, cứ giáp Tết là các mặt hàng đều rậm rịch tăng giá, hàng khô cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên năm nay, dù mặt hàng này giữ giá khá ổn định nhưng vẫn bị khách hàng... phàn nàn. “Mọi năm toàn nói là xăng dầu tăng, cước vận chuyển tăng, nên hàng tăng giá. Nay xăng hạ liên tục vẫn chưa thấy hàng hạ giá”, bà Nguyễn Thị Hiệp,  ở Khương Thượng, Đống Đa thắc mắc.

Trong khu bán đồ khô của chợ Đồng Xuân, các mặt hàng măng, miến bầy tràn lối đi, tuy nhiên khách mua có phần thưa vắng. Là chợ đổ buôn, nhưng các chủ hàng vẫn nhiệt tình chào mời bất cứ người khách vãng lai nào đi qua. Đã nhiều năm kinh doanh tại chợ Đồng Xuân, chủ ki-ốt Anh Bằng, số 39-41B1 nhận định: “Hàng khô năm nay tiêu thụ kém, bán chậm hơn năm ngoái nhiều, khách lấy hàng với tâm lý dè dặt và cầm chừng, họ không dám nhập nhiều”.

Tình hình tại các chợ bán lẻ khác cũng không có dấu hiệu lạc quan hơn, dù đã giáp Tết nhưng số lượng hàng nhập vào tăng lên không nhiều. Không có thói quen trữ hàng khô dịp Tết, bà Phạm Thị Sim ở Cầu Diễn, Bắc Từ Liêm cho biết: “Bây giờ thực phẩm Tết đa dạng, nhà tôi cũng bớt dần thói quen ăn măng, miến, dùng ít nên gần Tết mới mua”.

Nên mua hàng rõ nguồn gốc

Buôn bán khó khăn, các tiểu thương phải tự xoay xở để tìm kiếm nguồn hàng giá rẻ. Hoạt động trao đổi, mua bán hàng khô chủ yếu dựa trên quan hệ quen biết. Bởi thế, phần lớn các mặt hàng khô trên thị trường hiện nay đều là hàng trôi nổi.

Đánh vào tâm lý ham rẻ của đại đa số khách hàng, nhiều tiểu thương vì chạy theo lợi nhuận mà sẵn sàng nhập hàng không có nguồn gốc rõ ràng. “Mặt hàng này nếu được sản xuất theo quy chuẩn, đóng gói và dán mác sẽ đắt gấp 3-4 lần thông thường, vì vậy ít được người tiêu dùng lựa chọn nên chúng tôi ít nhập”, chị Lan Anh, tiểu thương tại chợ Nghĩa Tân lý giải.

Ông An Văn Thịnh - Trưởng BQL chợ Cầu Giấy, cho biết: “Mặc dù không thể kiểm soát được tất cả hàng hóa, nhưng BQL chợ vẫn luôn có trách nhiệm tuyên truyền bà con buôn bán hàng hóa rõ nguồn gốc xuất xứ, đặt lợi ích của khách hàng lên trên hết. Bên cạnh đó, trong năm sẽ có từng đợt BQL chợ phối hợp với Chi cục quản lý thị trường tiến hành kiểm tra đột xuất, chỉ đạo và có biện pháp xử lý cụ thể với từng trường hợp vi phạm theo quy định của 

pháp luật”.