Giáp Tết, sức mua vẫn yếu ớt

ANTĐ - Sở Công Thương Hà Nội đưa ra dự báo, mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ tại Hà Nội trong tháng Tết Ất Mùi 2015 sẽ tăng khoảng 20-25% so với các tháng khác trong năm. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, tỷ lệ tăng trưởng sức mua dịp Tết chỉ khoảng 7-10% .

Giáp Tết, sức mua vẫn yếu ớt ảnh 1

Sức mua khó tăng

Dịp Tết Giáp Ngọ 2014, Sở Công Thương Hà Nội tuyên bố mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ tháng Tết tăng 18-20% thì năm nay, mức dự báo được tăng lên 20-25%. Điều này chứng tỏ ngành chức năng kỳ vọng tăng sức mua trong dịp Tết Ất Mùi 2015 khá lớn. Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Báo ANTĐ, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội, ông Vũ Vinh Phú cho rằng: “Sức mua chỉ tăng khoảng 5-10%, chỉ các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu dịp Tết mới đạt được kỳ vọng tối đa”. Cụ thể, theo ông Vũ Vinh Phú, trong 10 tháng đầu năm 2014, sức mua của toàn thành phố mới tăng chỉ bằng một nửa so với cả năm trước. Riêng tháng 11-2014, Cục Thống kê thành phố Hà Nội cho biết, CPI giảm 0,3% so với tháng trước. Thông thường, tháng 11 hàng năm là thời điểm giá cả bắt đầu tăng, nên việc CPI giảm là trái quy luật.

Theo một chuyên gia kinh tế, mặc dù CPI giảm trong tháng 11 là do tác động lớn từ việc giảm giá xăng dầu, gas, sắt thép và lương thực, thực phẩm theo tác động của giá thế giới và nguồn cung các sản phẩm, không có tác động của sức mua kém đi. Nhưng kết quả này cũng cho thấy, dù đã vào dịp cuối năm song nhu cầu mua sắm của người dân chưa có dấu hiệu chuyển biến tích cực. Đây là một trong những yếu tố khẳng định sức mua dịp Tết Ất Mùi khó tăng mạnh, tăng đột biến. 

Các chuyên gia thị trường cho rằng, có nhiều nguyên nhân khiến sức mua khó tăng cao dịp Tết. Một là do đời sống người lao động còn khó khăn nên họ chưa dám chi tiêu nhiều. Hai là vì đợt nghỉ Tết Nguyên đán năm nay kéo dài, người có thu nhập từ trung bình khá trở lên có nhu cầu đi du lịch sẽ nhiều hơn, từ đó họ giảm lượng hàng mua dự trữ dịp Tết. Ba là thông tin về việc mất an toàn vệ sinh thực phẩm khiến không ít người tiêu dùng có tâm lý e ngại. Mặt khác, so với nhiều năm trước đây, chất lượng bữa ăn của người dân đã được nâng lên nên nhu cầu mua nhiều thực phẩm trong dịp Tết không còn như trước. 

Thực phẩm tươi sống tăng giá nhẹ

Theo Sở Công Thương, như thường lệ, một số mặt hàng thiết yếu sẽ tăng giá nhẹ trong dịp Tết do sức mua tăng dồn dập vào một thời điểm. Cụ thể, gạo đặc sản và gạo nếp ngon dự kiến tăng giá từ 1-3%. Trong tháng Tết Ất Mùi, nhu cầu tiêu thụ gạo sẽ đạt hơn 74.000 tấn/tháng. 

Với các mặt hàng thực phẩm tươi sống, mức tăng giá mạnh nhất được dự báo là mặt hàng thịt gà, từ 10-15%. Thủy, hải sản cũng có thể tăng giá như trên nếu dịp Tết thời tiết rét đậm, việc đánh bắt bị hạn chế. Mặt hàng thịt lợn và thịt bò dự kiến tăng giá cao nhất tương ứng 8% và 10%. Lượng tiêu thụ thịt lợn dịp Tết có thể lên tới 14.000 tấn, tăng hơn 2.000 tấn so với các tháng khác trong năm. 

Ngoài ra, các mặt hàng khác như: bánh mứt kẹo, rượu bia, xăng dầu... cũng dự báo tiêu thụ tăng khoảng 15-20%. Sở Công Thương Hà Nội đã giao kế hoạch cụ thể cho từng doanh nghiệp để chủ động dự trữ nguồn hàng tăng 10-15% so với Tết Giáp Ngọ năm 2014. Đối với những mặt hàng thành phố không tự đáp ứng đủ, doanh nghiệp cần lên kế hoạch nhập từ các địa phương để đảm bảo nguồn cung. Theo đó, “các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố phải đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết của nhân dân, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, khan hàng hoặc tồn đọng hàng hóa sau Tết”- đại diện Sở Công Thương Hà Nội lưu ý.