Giảm thuế nhập khẩu xăng dầu, ai thiệt?

ANTĐ - Thế là cuộc sống lại có thêm một thứ để trông đợi. Cứ 15 ngày, giá xăng sẽ được điều chỉnh một lần. Vì xăng bây giờ nó như gạo, ngày đói kém, giá cao hay thấp cũng phải cắn răng mà mua. 

Vậy mà ngày 13-4 vừa rồi, đúng lịch, nhiều người tranh thủ đổ xăng từ sáng sớm thế mà đến cuối ngày, giá xăng dầu vẫn bất động. Sang đến ngày 14-4, một quan chức Bộ Tài chính đã cho báo chí biết, lẽ ra giá xăng phải tăng, nhưng để ổn định kinh tế, Bộ Tài chính đã quyết định không cho tăng giá xăng. Khối người đã thở phào nhẹ nhõm, thế là lại được thêm nửa tháng yên ổn. 

Nhưng nhiều người không nghĩ vậy. Họ lục tìm các dữ liệu về giá xăng dầu và chợt thấy rằng: Đã có một sự không rõ ràng của việc giữ nguyên giá xăng dầu trong khi chi phí để nhập khẩu xăng dầu giảm mạnh và giá cơ sở của xăng dầu cũng giảm mạnh theo.

  Giảm thuế nhập khẩu xăng dầu, ai thiệt? ảnh 1

Ngày 13-4, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 48/2015/TT-BTC sửa đổi mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với một số mặt hàng xăng, dầu.

Theo đó, mức thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng xăng, dầu hỏa giảm từ 35% xuống mức 20%, dầu diesel giảm từ 30% xuống 20%, dầu mazut giảm từ 35% xuống 25% và nhiên liệu bay từ 25% xuống 10%. Mức thuế mới áp dụng từ 14-4. Trong khi đó, phí bảo vệ môi trường sẽ tăng, nhưng đến 1-5 mới tăng.

Như vậy, kể từ 14-4, các nhà nhập khẩu xăng dầu “ăn ngon” phần giảm thuế. Cụ thể, với mặt hàng xăng, khi thuế nhập khẩu về mức 20% và giá nhập khẩu bình quân là gần 68 đô la Mỹ/thùng thì giá cơ sở (hình thành bởi giá nhập khẩu, thuế, phí...) giảm về mức 16.862 đồng/lít, thấp hơn giá bán lẻ hiện hành 418 đồng/lít. Tương tự, ở mặt hàng dầu diesel, với thuế nhập khẩu còn 20%, giá bình quân là 69,21 đô la Mỹ/thùng thì giá cơ sở đang thấp hơn giá bán lẻ 1.504 đồng/lít.

Với mặt hàng dầu hỏa, khi thuế nhập khẩu còn 20%, giá bình quân là 68,73 đô la Mỹ/thùng, giá cơ sở sẽ là 14.386 đồng/lít, thấp hơn giá bán lẻ 1.684 đồng/lít.

Theo quy định hiện hành, giá bán lẻ xăng dầu bình quân 15 ngày mới được điều chỉnh một lần sau khi Tổ liên ngành điều hành giá xăng dầu (gồm đại diện của Bộ Công Thương và Bộ Tài chính) công bố giá cơ sở. Lần gần nhất vừa diễn ra ngày 13-4, với quyết định giữ nguyên giá bán lẻ xăng dầu, tiếp tục sử dụng quỹ bình ổn giá. Lần công bố giá kế tiếp sẽ rơi vào ngày 28-4 tới, nhưng khả năng điều chỉnh giảm giá gần như là không có do phí môi trường thu trên giá xăng dầu sẽ tăng gấp ba lần từ 1-5-2015. 

Vậy là việc giảm thuế sớm hơn thời hạn thu phí bảo vệ môi trường mà không giảm giá xăng dầu sẽ chỉ có lợi cho các đơn vị kinh doanh xăng dầu. Còn người tiêu dùng thì đành chịu. Ai bảo còn đi xe máy đi làm, dùng ô tô vận chuyển hàng hóa? 

Tất nhiên người tiêu dùng phải chịu là chuyện thiên kinh địa nghĩa. Chỉ lạ nhất là lại có ý kiến cho rằng  các nhà kinh doanh xăng dầu đang phải chịu “thiệt” để chia sẻ lợi ích với người dân. Bởi vì, theo quy định tại Nghị định 83/CP về kinh doanh xăng dầu, doanh nghiệp phải đảm bảo dự trữ lưu thông 30 ngày, nghĩa là với lượng hàng bán ra trước ngày 1-5 doanh nghiệp vẫn phải chịu thuế nhập khẩu mức cũ cao, sau ngày 1-5 mới được hưởng thuế suất nhập khẩu thấp hơn, song thực tế là mức thuế này đã phải nộp ngay khi hàng nhập về cửa khẩu. Còn thuế bảo vệ môi trường doanh nghiệp sẽ khai và nộp khi bán hàng tới tay người tiêu dùng. Cũng hay. Như vậy, số xăng dầu nhập trong giai đoạn từ 14-4 đến 1-5 người tiêu dùng sẽ được giảm giá vào… ngày 15-5. Chuyện khó tin lắm, các anh chị em ta ạ. Mọi người cứ theo dõi sẽ thấy.