Giá xăng giảm, hàng hóa vẫn đứng yên

ANTĐ -  Khi giá xăng vừa tăng, giá hàng hóa, dịch vụ thiết yếu vội vã tăng theo, song khi giá xăng giảm 3 lần liên tiếp, giá  hàng hóa vẫn “bình chân như vại”. Nghịch lý này cho thấy quản lý giá hiện còn nhiều bất cập.

Điều hành giá cần linh hoạt, chặt chẽ, đặc biệt là giá xăng

Nghịch lý 

Ở thời điểm hiện tại, giá các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, thực phẩm tươi sống, rau quả vẫn giữ giá như cách đây 2 tháng. Thậm chí, một số mặt hàng có xu hướng tăng giá nhẹ do ảnh hưởng của nguồn cung. Cụ thể, thịt lợn thăn, lợn mông 100.000 đồng/kg; sườn lợn 95.000-100.000 đồng/kg; thịt bò 260.000 đồng/kg; cá rô phi to 50.000 đồng/kg. Riêng gà ta lông 90.000-100.000 đồng/kg, tăng khoảng 10.000 đồng/kg so với trước. 

Tương tự, giá các loại rau xanh cũng đứng yên: Rau muống 5.000- 6.000 đồng/mớ; khoai tây 15.000 đồng/kg; bí đao 12.000 đồng/kg; cà chua 20.000 đồng/kg. Hàng ngày đi chợ lo bữa cơm cho gia đình, chị Nguyễn Thu Phương (Vũ Thạnh- Đống Đa) cho hay: “Thịt lợn, thịt vịt, cá lâu nay vẫn như thế. Rau quả thì đắt hơn. Tôi không thấy có mặt hàng nào giảm giá”.

Bên cạnh các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu nêu trên, giá dịch vụ vận tải cũng chưa có biến động. Ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết: “Các doanh nghiệp vận tải chưa có kế hoạch giảm cước vận chuyển”. 

Trong khi sức mua vẫn ì ạch như hiện nay, việc các hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu giữ giá ổn định sẽ góp phần kích thích nhu cầu tiêu dùng trong nhân dân. Tuy nhiên, trong bối cảnh giá xăng giảm 3 lần liên tiếp mà giá các hàng hóa nêu trên vẫn đứng yên lại là điều không bình thường. Ngày 27-7, giá xăng dầu giảm tối thiểu 325 đồng/lít. Tiếp đó, ngày 7-8, giá mặt hàng này lại được điều chỉnh giảm thêm 500 đồng/lít. Và gần đây nhất, giá xăng dầu lại giảm mạnh đến 600 đồng/lít vào ngày 18-8. Tổng cộng 3 lần giảm giá xăng dầu là 1.425 đồng/lít. Với mức giảm mạnh này, giá cả hàng hóa, dịch vụ thiết yếu đáng lẽ phải điều chỉnh giảm. 

Ít cơ hội giảm giá

Giải thích nguyên nhân các doanh nghiệp vận tải chưa có kế hoạch giảm giá vận chuyển, ông Nguyễn Văn Thanh cho hay: “Điều chỉnh cước vận tải bao giờ cũng có độ trễ so với điều hành giá xăng dầu. Nếu Liên Bộ Tài chính - Công Thương đồng ý, chỉ chưa đầy 1 tiếng đồng hồ sau giá xăng dầu có thể tăng, giảm thì cước vận tải không như thế”. Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho biết thêm: “Mười lần tăng giá xăng dầu mới có 3 lần giảm! Các doanh nghiệp vận tải chưa vội giảm giá”. Trên thực tế, nếu tính cả độ trễ điều chỉnh giá dịch vụ vận tải thì chỉ cần 2 lần giảm giá xăng trước, cách đây hơn 10 ngày, với tổng mức giảm 835 đồng/lít là doanh nghiệp đã có thời gian lên kế hoạch giảm giá. Quy trình tăng giá của dịch vụ này không có độ trễ lớn như vậy. 

Đánh giá đây là nghịch lý không dễ xóa bỏ vì cung cách quản lý và điều hành thị trường hiện nay, một chuyên gia kinh tế chia sẻ: “Trong kinh doanh, bao giờ người ta cũng muốn có lợi nhuận ở mức cao nhất. Với nhiều mặt hàng Nhà nước còn định giá, quản giá mà giá cả của chúng vẫn tăng giảm khó lường. Các chiêu lách luật tăng giá, rút ruột hàng hóa, giảm chất lượng hàng để phù phép cho việc tuân thủ giá vẫn đang diễn ra hàng ngày. Thế nên những mặt hàng khác khó bắt giảm giá được. Chưa có lực lượng nào kiểm tra, hoặc có căn cứ nào để bắt một bà bán rau muống phải hạ giá”.