Từ chuyện truy tìm sản phẩm dầu bẩn Đài Loan

Giá dầu ăn còn cao, còn có dầu bẩn

ANTĐ - Chuyện ngỡ chỉ xảy ra ở Trung Quốc. Những ngày qua, không chỉ Đài Loan (Trung Quốc) mà một phần thế giới đã chấn động trước thông tin công ty dầu ăn nổi tiếng Chang Guann đã mua 243 tấn dầu bẩn từ một cơ sở không có giấy phép rồi pha thêm mỡ lợn để sản xuất 782 tấn dầu ăn nhãn hiệu Chuan Tung. Dĩ nhiên công ty dầu này bị phạt nặng. 

Cay đắng hơn, các nhà chức trách Đài Loan đã xác định được có tới 14 sản phẩm được chế biến từ loại dầu ăn bẩn này được xuất khẩu sang 12 quốc gia và vùng lãnh thổ gồm: Mỹ, Pháp, Australia, New Zealand, Brazil, Chile, Argentina, Nam Phi, Singapore, Hồng Kông và Trung Quốc đại lục, đáng buồn trong các nước này có cả Việt Nam với 2 loại sản phẩm. Cục Thực phẩm và Dược phẩm Đài Loan cho biết đã có hơn 1.000 nhà hàng, tiệm bánh và nhà máy chế biến thực phẩm dùng loại dầu bẩn của Chang Guann lên tiếng xin lỗi khách hàng. 

Nhưng chuyện không dừng ở đó. Mặc dù có thông báo từ Đài Loan, xác định 2 lô sản phẩm đóng hộp được xác định là Dưa chuột trộn thịt lợn đóng hộp (Canned picked cucumber with pork) loại 170 gam và Sốt thịt cay đóng hộp (Canned meat with chilli) loại 150 gam có sử dụng dầu bẩn Chuan Tung đã được nhập về Việt Nam qua Công ty TNHH Dịch vụ Cửu Hương (địa chỉ ở 31 lô I, đường số 7, cư xá Bình Thới, phường 8, quận 11, TP.HCM), nhưng kiểm tra ở công ty không có một sản phẩm nào của hai lô hàng trên đã đành, mà ngay trong sổ sách của Công ty này cũng không thể hiện có nhập 2 lô hàng đó. Ngày 16-9, qua rà soát lại hồ sơ công bố thực phẩm nhập khẩu, Cục An toàn thực phẩm (ATTP) - Bộ Y tế cho biết, 2 sản phẩm thực phẩm có chứa dầu ăn bẩn của Đài Loan (Trung Quốc) vẫn chưa được cấp phép lưu hành tại Việt Nam. Đúng là chuyện như ú tim. Công việc kiểm tra sẽ được tiếp tục ở khâu hải quan. Và câu chuyện vẫn còn nhiều bí ẩn sẽ được khám phá sau quá trình điều tra. 

Làm gì mà ghê gớm thế?

Kể từ ngày những nghiên cứu khoa học cho thấy ăn nhiều mỡ động vật dễ mắc bệnh tim mạch, dầu ăn lên ngôi. Năm 2013, lượng tiêu thụ dầu thực vật bình quân đầu người tại Việt Nam được ước tính là từ 8,6kg đến 8,7kg, vẫn giữ ở dưới mức bình quân của thế giới là 13,5kg/người/năm. Theo dự đoán của Bộ Công thương và các doanh nghiệp sản xuất trong nước, con số này tại Việt Nam sẽ tăng lên 16kg/người vào năm 2020 và 18kg/người năm 2025. Theo tin từ Hải quan các cửa khẩu tại TP.HCM, giá dầu đậu nành tinh luyện nhập khẩu qua các cửa khẩu trong năm 2012 trung bình chỉ 13.000 đồng mỗi lít, dầu cọ tinh luyện giá 12.700 đồng mỗi lít, nhóm hàng dầu cọ tinh luyện giá 17.200 đồng mỗi lít... Nhưng giá tại thị trường thì chênh lệch khó tưởng tượng được. Tại các siêu thị ở TP.HCM, Hà Nội và nhiều thành phố khác, các thương hiệu dầu ăn nhập khẩu được bày bán khá nhiều, với mức giá bán lẻ tương đương như dầu ăn sản xuất trong nước. Cụ thể, nhãn hiệu dầu ăn Sailing Boat loại 1 lít (gồm dầu đậu nành, dầu cọ và dầu cải, đóng chai tại Malaysia) có giá 43.000 - 45.000 đồng; dầu Omely (Indonesia) có giá 38.000 đồng một chai 1 lít; dầu đậu nành Cook (Thái Lan) 48.000 đồng mỗi chai 1 lít…

Giá cao và vô lý như vậy cho nên dầu bẩn dĩ nhiên cũng lên ngôi là chuyện thiên kinh địa nghĩa. Ở bất kỳ điểm mua bán nguyên liệu chế biến thức ăn đường phố nào của TP Hồ Chí Minh cũng có thể mua được dầu ăn với giá từ 22.000 đồng đến 25.000 đồng/lít. Dầu loại rẻ tiền hơi vàng sậm một chút, còn dầu 25.000/lít thì vàng ươm, thậm chí còn đóng trong các chai nhựa mang nhãn hiệu nổi tiếng trong và ngoài nước. Ở đâu ra loại dầu này? Dầu này có hai nguồn, dầu đã chiên và dầu bẩn. Và nói không hề ngoa, phần lớn các hàng quán bán thức ăn đường phố, các nhà hàng chế biến thức ăn công nhân đều đã từng dùng các loại dầu bẩn này. 

Không chỉ ở TP.HCM mà hầu hết các thành phố lớn đều có mặt dầu bẩn. Đó là lý do tại sao, thức ăn đường phố, nhất là các tỉnh phía Nam lại rẻ như vậy. Một que bột cá viên chiên 5 viên, được chiên kỹ trên bếp đầy dầu được bán với giá 5.000 đồng, vốn chỉ có 2.000 đồng, không đủ tiền dầu rán. Một anh phóng viên vừa đi khai mạc một lễ hội về an toàn giao thông ở Cần Thơ khen nức nở trên Facebook một suất ăn với cơm, thức ăn, cộng thêm một tô hủ tiếu nữa, giá chỉ có hơn 20.000 đồng. Lạy trời, không biết có phải có dầu bẩn, thức ăn bẩn hay không mà  có thể chế biến bữa ăn cho anh ấy với giá rẻ như vậy. 

Lại nghĩ, chỉ qua vụ dầu bẩn này, phía Đài Loan đã cương quyết tiêu hủy hơn 1.000 tấn bánh có thành phần dầu bẩn, mới thấy kính phục sự quan tâm đến sức khỏe người tiêu dùng của họ. Chợt nghĩ, nếu chúng ta cương quyết như họ trong việc kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm, trong đó có kiểm soát dầu bẩn, tôi sợ rằng, một trong niềm tự hào của ngành Du lịch Việt Nam là các gánh hàng rong, các xe thức ăn đường phố sẽ biến mất. Trước khi vụ dầu bẩn Đài Loan bị phanh phui chỉ vài ngày, một vụ việc tương tự cũng đã được phơi bày ở Hà Nội. Công an huyện Đan Phượng (TP Hà Nội đã cùng lực lượng liên ngành gồm QLTT, trung tâm y tế của huyện tiến hành kiểm tra 12 cơ sở chế biến thực phẩm, chủ yếu là sơ chế mỡ và bì lợn nằm trên địa bàn xã Tân Hội. Tại thời điểm kiểm tra, đoàn liên ngành phát hiện hàng trăm kg mỡ, bì lợn sống bám đầy ruồi, nhặng, được vứt ngổn ngang trên nền gạch tại các cơ sở để chờ chế biến; công cụ chế biến mỡ, bì sống chỉ là những chiếc máy chế biến thực phẩm hết sức thô sơ. Thậm chí, nhiều bộ phận của những chiếc máy chế biến này còn bị cáu bẩn, hoen gỉ, không đảm bảo vệ sinh ATTP. Sản phẩm mỡ bẩn này sẽ được mang đi đâu? Chắc chắn không phải để vứt đi rồi.

Làm sao để loại mỡ bẩn ra khỏi đời sống?

Dĩ nhiên, trước hết phải tăng cường quản lý vệ sinh ATTP tại các nơi chế biến nguyên liệu, các cơ sở kinh doanh nguyên liệu, các nhà hàng, quầy hàng, gánh hàng bán các loại thức ăn. Đó là câu chuyện nói mãi... vẫn thế. Thói quen ăn uống, thói quen coi thường sức khỏe và sinh mạng mình là khâu khó chữa nhất; là rào cản lớn nhất đối với việc sử dụng thực phẩm bẩn trong đó có dầu bẩn. Đó là vấn để ý thức. Nhưng việc đó đã bàn nhiều và chắc chắn từng bước, ngành Y tế sẽ có biện pháp. Theo chúng tôi, còn có một biện pháp nữa, riêng đối với dầu ăn là sớm hạ giá sản phẩm, đưa dầu ăn về gần giá thành để dầu ăn rẻ hơn, rẻ đến đọ người ta không thèm hoặc không cần dùng dầu bẩn nữa. 

Theo Bộ Công Thương, năm 2013 Việt Nam đã sản xuất 718.000 tấn dầu tinh luyện các loại, tăng 1,35% so với năm 2012. Sản lượng dầu tinh luyện năm 2014 và năm 2015 được dự báo lần lượt tăng ở mức 774.000 và 850.000 tấn do sự tăng trưởng của ngành dầu đậu tương thô trong nước và mức thuế bảo hộ nhập khẩu đối với mặt hàng dầu tinh luyện nhập khẩu tại một số nước đối thủ cạnh tranh đã tăng thêm 3-5%.

Đáng tiếc, dù mang tiếng là sản xuất trong nước, nhưng 90% nguyên liệu các doanh nghiệp vẫn phải nhập khẩu và khâu đoạn sản xuất chính là... pha trộn mà thôi. Ngành công nghiệp dầu thực vật của Việt Nam với 37 doanh nghiệp, sản xuất các loại sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước cũng như xuất khẩu, trong đó 4 loại chính bao gồm: Dầu ăn - là loại dầu phổ biến nhất với thành phần chính là dầu cọ olein tinh luyện và một ít olein pha trộn với dầu đậu tương; Dầu salad - loại dầu có chất lượng và giá trị cao, bao gồm các loại dầu tinh khiết là dầu mè, dầu đậu phộng, dầu đậu tương, dầu cám gạo, dầu ô liu nhập khẩu, dầu canola, dầu ngô...; Dầu dinh dưỡng - loại dầu được bổ sung các chất dinh dưỡng như vitamin A, D, E, DHA;  Dầu rắn (chất béo thực vật) - loại dầu này bao gồm mỡ rán, bơ làm bánh, bơ thực vật... Nguyên liệu chính để sản xuất gồm dầu cọ là sản phẩm dầu thực vật chính chiếm 70% thị phần. Dầu nành chiếm 23% còn các loại dầu thực vật khác chiếm 7%. Năm 2013, Việt Nam đã nhập khẩu khoảng 634.000 tấn dầu thực vật tinh luyện, trong đó dầu cọ chiếm 575.000 tấn. Đó chính là nguyên nhân đầu tiên làm tăng giá thành sản phẩm. Phải khẳng định, không tự chủ đương nguyên liệu, không có vùng sản xuất cây có dầu là một trong những điểm yếu của nước ta. Thêm nữa, các cơ sở sản xuất dầu ăn của chúng ta có công nghệ lạc hậu, nhiều cơ sở mới đi vào sản xuất nhưng khấu hao quá cao, dẫn đến giá thành cao. 

Nhưng có một câu hỏi mà chúng tôi không thể trả lời được. Đó là tại sao, giá dầu ăn nguyên liệu như dầu cọ, dầu nành... giá nhập tại cảng TP.HCM chỉ 12,7- 15.000 đồng một lít, mà giá bán dầu đóng chai lại lên đên gần 40.000 đồng một lít? Ai cho chúng tôi câu trả lời và nếu chỉ một khâu pha trộn mà giá lên gấp ba lần thì dân có khi phải ăn dầu bẩn dài dài... 70% giá bán dầu ăn ấy rơi đi đâu, trong khi thuế nhập khẩu dầu ăn thô và tinh luyện đã là 0% từ năm 2012 theo quy định WTO?