Doanh nghiệp chậm cổ phần hóa, lãnh đạo chịu trách nhiệm

ANTĐ - Theo các chuyên gia, tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước đã có nhiều tiến bộ nhưng vẫn còn chậm so với kế hoạch. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo An ninh Thủ đô đã có cuộc trao đổi với ông Đặng Quyết Tiến - Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính.
Doanh nghiệp chậm cổ phần hóa, lãnh đạo chịu trách nhiệm ảnh 1

- PV: Theo kế hoạch, năm 2015 phải tiến hành cổ phần hóa xong 289 doanh nghiệp, tới thời điểm này, kết quả ra sao, thưa ông?

 

- Ông Đặng Quyết Tiến: Trong 3 tháng đầu năm, đã có 27 doanh nghiệp Nhà nước thực hiện đấu giá cổ phần lần đầu và thoái vốn thông qua 2 sở giao dịch chứng khoán. Như vậy, trong 9 tháng cuối năm, còn phải thực hiện cổ phần hóa 262 doanh nghiệp, chiếm 90% tổng số doanh nghiệp phải cổ phần hóa. Trong tháng 4, các bộ, ngành đã rà soát những doanh nghiệp đã cổ phần hóa nhưng số cổ phần bán được lần đầu chưa đạt tỷ lệ theo phương án được phê duyệt để đề ra lộ trình bán tiếp. Thống kê mới nhất thì đến giữa tháng 4, đã có thêm 3 doanh nghiệp được cổ phần hóa. 

- Tiến độ cổ phần hóa theo kế hoạch vẫn chậm?

- So với các năm trước thì tiến độ năm nay có nhanh hơn nhưng so với yêu cầu thì vẫn khiêm tốn. Chậm ở khâu nào thì phải xác định nguyên nhân để tháo gỡ. Nếu chậm do không ai làm, không ai quán triệt, không ai thực hiện mới đáng ngại. Còn chậm vì những nguyên nhân khác thì cần phải cân nhắc, không thể bán tống, bán tháo vì đó là tài sản Nhà nước. 

Doanh nghiệp chậm cổ phần hóa, lãnh đạo chịu trách nhiệm ảnh 2Tư nhân đang tham gia tích cực vào quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước

- Số lượng doanh nghiệp phải cổ phần hóa cho thấy áp lực rất lớn, với tiến độ như hiện nay có thể hoàn thành kế hoạch hay không, thưa ông? 

- Thủ tướng Chính phủ đã chỉ rõ các bộ chủ quản phải chịu trách nhiệm hành chính trước Thủ tướng Chính phủ và cả những biện pháp xử lý quyết liệt với người đứng đầu doanh nghiệp. Không có lý do gì để doanh nghiệp sau khi đã xác định giá trị lại chần chừ không phê duyệt phương án cổ phần hóa. Không có lý do gì để thành lập ban chỉ đạo rồi nhưng nhiều tháng vẫn không sắp xếp doanh nghiệp. Tới đây, trong tháng 6-2015, Chính phủ sẽ rà soát một lần nữa, đơn vị nào không có lý do rõ ràng mà chậm cổ phần hóa thì lãnh đạo bộ, doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm. Hiện Bộ Tài chính được Thủ tướng Chính phủ giao cùng với Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp rà soát và đôn đốc, hỗ trợ doanh nghiệp, ngồi cùng các doanh nghiệp để xử lý những tồn tại, khó khăn nhằm đảm bảo tiến độ theo kế hoạch. 

Việc tiến hành cổ phần hóa sẽ không thể hoàn thành nếu chỉ đưa ra con số và hô hào. Nếu làm quyết liệt sẽ đạt được con số đó. Tất nhiên, phải cân nhắc chứ không cổ phần hóa bằng mọi giá, làm ào ào. Cổ phần hóa xong phải có sự thay đổi về chất để doanh nghiệp hoạt động thực sự tốt và đồng vốn Nhà nước bán ra được giá trị cao nhất. 

Quá trình cổ phần hóa trong 2 năm vừa qua đã góp phần khơi thông, giải phóng nguồn lực. Lần đầu tiên, quá trình cổ phần hóa có sự tham gia mạnh mẽ của thành phần kinh tế tư nhân. Người dân đã thấy được cơ hội tại các doanh nghiệp Nhà nước để tham gia khai thông các nguồn lực về đất đai, hạ tầng mà doanh nghiệp Nhà nước đang nắm giữ nhưng kinh doanh không hiệu quả.