Dịch vụ giao hàng tận nơi: Tiện lợi nhưng cũng lắm rủi ro

ANTĐ - Khi phương thức mua hàng qua mạng ngày càng phổ biến thì đội ngũ shipper (người giao hàng) cũng không ngừng tăng, đặc biệt trong những ngày mưa to hoặc nắng nóng. Tuy vậy, do giao kết lỏng lẻo giữa bên thuê và bên nhận giao hàng nên dịch vụ này còn tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Dịch vụ giao hàng tận nơi: Tiện lợi nhưng cũng lắm rủi ro ảnh 1Dịch vụ giao hàng tận nơi mang lại nhiều tiện lợi cho khách hàng - Ảnh minh họa

Khi shipper bị lừa

Nhờ có shipper, việc mua bán hàng hóa diễn ra khá thuận lợi. Người mua chỉ cần ngồi một chỗ chọn hàng, gọi điện và thanh toán một khoản phí nhỏ là có ngay thứ mình cần. Đây cũng là cơ hội tạo việc làm cho nhiều người, đặc biệt là những bạn trẻ, sinh viên, khiến shipper trở thành nghề “hot”. Chỉ cần một chiếc xe máy, trung bình mỗi ngày, mỗi người giao hàng có thể kiếm được từ 200.000-400.000 đồng (20.000 đồng/lần giao hàng thành công). Tuy vậy, nó cũng tiềm ẩn không ít vất vả và rủi ro. 

Cách đây ít ngày, dư luận xôn xao khi đoạn clip ghi lại hình ảnh một nam thanh niên chửi mắng và đánh đập một cô gái được đưa lên mạng. Qua chia sẻ của người trong cuộc, cô gái trong clip là người bán hàng qua mạng, còn người đánh là người được cô gái kia thuê để giao hàng. Anh thanh niên được thuê giao một món hàng có giá trên 2 triệu đồng nhưng phải ứng tiền trước, song anh ta không giao được hàng và thu tiền của khách (vì là khách ảo) nên đành quay lại tìm người bán hàng để đòi tiền. Cô này từ chối thanh toán nên đã dẫn đến hậu quả như trên.

Nguyễn Tiến Đồng - sinh viên trường ĐH Văn hóa, người có hơn 2 năm làm shipper chia sẻ, tiền công mỗi lần đi giao hàng trong các quận nội thành là từ 20.000 - 30.000 đồng. Để giữ chữ “tín”, người giao hàng phải luôn cố gắng giao đúng hẹn, bất kể trời mưa bão hay nắng nóng. Tuy vậy, đã có một số lần Đồng không những không được thanh toán tiền công mà còn mất toàn bộ tiền hàng ứng trước do khách… lặn mất tăm hoặc từ chối nhận hàng do hàng không đảm bảo chất lượng. Ngoài ra, có những món hàng Đồng phải đi nhiều lần mới giao được hàng nên tiền công không đủ bù chi phí đi lại.

“Tiền công được 20.000 đồng/đơn hàng nhưng hôm nào tắc đường hoặc đến nơi phải gửi xe hay đường đi lắt léo cần gọi điện hỏi khách thì chắc chắn lỗ. Bên cạnh đó, một số shipper còn bị lừa thuê giao những mặt hàng có giá trị thấp nhưng người thuê yêu cầu ứng nhiều tiền, song khi đến nơi địa chỉ giao hàng không tồn tại, sau đó người thuê lập tức tắt điện thoại. Ngoài ra, có những bạn nữ đi giao hàng còn bị trộm cắp, quấy rối tình dục” - Đồng tâm sự.

Bên thuê cũng gặp rủi ro

Chị Đào Anh Tú, ở phố Lò Đúc, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cho biết, do chị bán quần áo, túi xách qua mạng với số lượng không nhiều nên mỗi khi có người đặt hàng, chị Tú thường vào mạng tìm số điện thoại của người nhận giao hàng đơn lẻ và liên hệ với họ. Khi shipper đến, chị Tú đưa hàng và địa chỉ nơi cần giao, shipper có trách nhiệm vận chuyển, nhận luôn tiền hàng và tiền ship từ khách.

Do tin tưởng nên đã không ít lần người nhận giao hàng của chị Tú sau khi cầm hàng đã “một đi không trở lại” hoặc giao nhầm hàng, giao quá chậm khiến khách không hài lòng. “Có lần tôi đưa shipper giao một chiếc túi trị giá 3 triệu đồng cho khách. Tuy vậy, sau khi shipper ra về, khách gọi điện cho tôi đòi trả lại hàng do hàng nhận được là hàng nhái, không giống như hàng mẫu. Tôi kiểm tra lại thì thấy chiếc túi “xịn” tôi đưa cho shipper đã bị đánh tráo bằng túi hàng chợ. Tôi gọi điện cho người giao hàng thì “ngoài vùng phủ sóng”. Do vậy,  tôi phải trả tiền cho khách” - chị Tú than thở.

Thông thường, những cửa hàng có quy mô lớn, thương hiệu nổi tiếng với lượng đơn hàng nhiều và ổn định thường thuê   shipper riêng và trả lương theo tháng hoặc ký hợp đồng với các nhóm shipper chuyên nghiệp. Còn các cửa hàng nhỏ lẻ hay những người bán hàng qua mạng thường thuê shipper theo từng đơn hàng hoặc thuê chung với một vài người khác. Cách thức giao dịch khá đơn giản, người có nhu cầu sẽ đăng tin thông báo địa điểm nhận hàng, giá, shipper nhận đơn tới lấy hàng đi giao, nhận tiền hàng và tiền công. Tùy theo mối quan hệ và mức độ tin tưởng giữa hai bên mà người giao hàng có thể phải ứng tiền hàng trước hoặc sau khi giao hàng.   

Liên quan đến loại hình dịch vụ còn khá mới trên, luật sư Võ Đình Hải - Đoàn Luật sư Hà Nội cho  rằng, nguyên nhân dẫn đến rủi ro là hầu hết giao dịch giữa hai bên rất đơn giản, chỉ là thỏa thuận miệng, không có bất cứ ràng buộc nào về pháp lý, không tiền đặt cọc và không giấy tờ chứng minh. Do đó, khi xảy ra tranh chấp, cơ quan chức năng không có căn cứ để giải quyết và cũng rất khó để tìm ra bên có hành vi vi phạm.

Do vậy, để tránh xảy ra những hậu quả đáng tiếc, bên thuê dịch vụ cần tìm hiểu kỹ về người được thuê, yêu cầu đặt cọc, kiểm tra giấy tờ tùy thân và ký hợp đồng với các điều khoản cụ thể. Còn bên được thuê trước khi giao hàng phải kiểm tra kỹ các thông tin liên quan đến khách hàng  (tên tuổi, địa chỉ, số điện thoại) không giao hàng quá khuya ở khu vực vắng vẻ và nên thông báo thông tin về địa chỉ giao hàng để người thân hay bạn bè được biết đề phòng các tình huống xấu có thể xảy ra.