Chống hàng nhái, hàng giả: Cần sự đồng hành của các doanh nghiệp

ANTĐ - Cuộc chiến chống hàng nhái, hàng giả cần sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng nhưng bản thân các doanh nghiệp ( DN) cũng phải tự bảo vệ mình. Đặc biệt, trong bối cảnh vấn đề hàng nhái, hàng giả đang trở nên nhức nhối và công khai như hiện nay, rất cần sự liên kết giữa các DN để có thể đẩy lùi thực trạng này.

Chống hàng nhái, hàng giả: Cần sự đồng hành của các doanh nghiệp ảnh 1Người tiêu dùng nên đọc kỹ thông tin về sản phẩm trước khi mua

Cuộc chiến trường kỳ

Dư luận những ngày qua “nóng lên” về thực trạng tôn, thép nhái, giả tràn lan trên thị trường nhờ sự vào cuộc của cơ quan chức năng cũng như sự lên tiếng mạnh mẽ của cộng đồng các DN làm ăn chân chính. Hàng loạt cuộc kiểm tra, thu giữ nhiều sản phẩm tôn nhái, tôn giả trên khắp các tỉnh, thành cả nước. Tuy nhiên, theo nhận định của giới chuyên gia, khó có thể một sớm một chiều “dẹp” bỏ được tình trạng hàng nhái, hàng giả đang hoành hành khắp hang cùng ngõ hẻm này. Đây là “cuộc chiến” trường kỳ, bởi vậy rất cần sự hưởng ứng, chung tay của các DN để trước hết là tự bảo vệ mình, cùng với đó là bảo đảm lợi ích cho người tiêu dùng, cũng như chống thất thoát thuế cho Nhà nước.

Tình trạng tôn giả, tôn nhái “tung hoành” đã khiến ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen bức xúc: “Các DN khó giữ mình trong bối cảnh hiện nay do lợi nhuận từ làm hàng giả, hàng nhái quá lớn, trong khi việc sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Không ít DN đã phải làm bậy để có thể tồn tại”. 

Ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch Hiệp hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam thừa nhận, trên thị trường cứ sản phẩm nào có lợi nhuận cao, bán chạy thì lập tức sau một thời gian, thị trường xuất hiện ngay hàng giả của sản phẩm đó. Hàng giả ra đời với tốc độ ngày càng nhanh hơn, giá thành rẻ hơn rất nhiều so với trước đây. Riêng với thị trường tôn thép, theo ông Lê Thế Bảo, hiện trên thị trường các loại thép bị làm giả rất nhiều, ví dụ thép Việt –Úc ký hiệu YV-UC nhưng thép giả lại ký hiệu HV-Úc, thép Việt – Hàn (ký hiệu VPS) nhưng thép giả ký hiệu HPS… Để xử tận gốc vấn đề hàng giả, hàng nhái, cần sự vào cuộc tích cực của các cơ quan quản lý, đồng thời có sự tham gia bằng hành động và cả ý thức của các DN trong ngành. Đây là biện pháp hiệu quả giúp các DN chân chính trong nước tiếp tục phát triển. 

Đại diện Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen cho biết, có một số biện pháp mà người tiêu dùng có thể áp dụng để tránh mua phải tôn giả, tôn nhái không đảm bảo chất lượng. Khách hàng mua hàng ở bất cứ đâu cũng cần lấy hóa đơn ghi rõ tôn loại nào, độ dày của tôn bao nhiêu. Việc lấy hóa đơn VAT ít nhất cũng giúp giảm lợi nhuận chênh lệch từ bán hàng nhái, hàng giả do việc buôn bán hàng hóa đó được đóng đủ thuế cho Nhà nước. “Khi sản xuất tôn, công ty biết nguồn gốc nguyên liệu ở đâu, nhập ngày tháng năm nào, sản xuất trên dây chuyền nào. Tôn của chúng tôi sản xuất 0,4mm thì in trên tôn đúng 0,4mm, xuất hóa đơn cũng ghi rõ như vậy”, ông Lê Phước Vũ khẳng định.

Biết tự bảo vệ uy tín của mình

Theo ông Lê Phước Vũ, chỉ tính 10 tháng đầu năm 2014, tôn thép giả, nhái đã khiến tôn Hoa Sen thiệt hại khoảng hơn 100 tỷ đồng. Là DN số 1 Việt Nam về sản phẩm tôn, nhưng DN này cũng đang bị thị trường tôn giả, tôn nhái đe dọa. 

Để có thể làm trong sạch môi trường kinh doanh, đẩy mạnh việc chống nạn tôn giả, tôn nhái đang hoành hành trên thị trường, ngoài việc siết chặt quản lý, đưa ra những kế hoạch hành động triệt để, các nhà quản lý cần có chính sách để giúp các DN kinh doanh tôn chân chính trong nước phát triển nhằm tạo thêm nhiều nguồn lợi kinh tế cho đất nước. Bên cạnh đó, các DN làm ăn chân chính cùng phát hiện hàng giả, hàng nhái để bảo vệ uy tín của mình...

Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Trọng Tín, Phó cục trưởng Cục Quản lý Thị trường cho rằng, để chống được hàng giả, hàng nhái đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, giữa các nhà sản xuất và người tiêu dùng. “Chỉ những DN làm ăn chính đáng mới hiểu rõ sản phẩm của mình đang bị xâm hại ở đâu, ai là người xâm hại cũng như mức độ ảnh hưởng thị phần của DN đến đâu. Nếu không có sự chung tay của nhà sản xuất, trong khi người tiêu dùng không có thông tin về hàng giả, hàng nhái thì làm sao có thể giúp cơ quan chức năng bảo vệ các nhà sản xuất. Hiệp hội cũng phải đứng lên bảo vệ quyền lợi của các DN trong ngành tôn thép”, ông Nguyễn Trọng Tín khẳng định

Để biết thêm thông tin và được hướng dẫn chọn lựa, nhận biết tôn chính hiệu, liên hệ tổng đài tư vấn miễn phí 18001515 (từ 8h đến 17h thứ hai đến thứ bảy hàng tuần).