Bớt trung gian, hạ giá bán

ANTĐ - Rau mua tại ruộng có khi giá chỉ 1.000 đồng/mớ, nhưng đến các chợ giá lên tới 5.000 đồng/mớ. Chênh lệch quá lớn giữa giá thành sản xuất và giá bán tới tay người tiêu dùng là thực trạng đã diễn ra nhiều năm nay đối với không ít mặt hàng. Trung gian từ sản xuất tới tiêu dùng quá nhiều, dẫn đến chi phí bắc cầu tăng. Thậm chí, nhiều mặt hàng bị trung gian thao túng giá. Trong đó, người tiêu dùng chịu thiệt thòi nhiều nhất, bởi họ phải bỏ tiền ra mua sản phẩm cuối cùng.

Ông Hồ Quốc Khánh - Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương Hà Nội) cho biết, sở dĩ khoảng cách giá chênh lệch khá lớn giữa sản xuất và tiêu dùng là vì doanh nghiệp thường phải ký hợp đồng với cả hợp tác xã ngay từ đầu. Do đó, doanh nghiệp phải tính vào giá bán cả các rủi ro về hàng hóa. Ví dụ với mặt hàng rau an toàn, “Doanh nghiệp phải ký hợp đồng mua cả hợp tác xã rau. Đến tay người tiêu dùng, doanh nghiệp phải sơ chế, đóng gói, vận chuyển, bảo quản, tổ chức kinh doanh. Có khi một kilôgram rau mua tại ruộng sau khi đưa lên bán chỉ còn 4 lạng. Hoặc rau tươi không bán hết trong ngày, doanh nghiệp phải bỏ đi nên giá bán phải tính thêm các chi phí này” - ông Hồ Quốc Khánh lý giải.

Bên cạnh đó, chi phí vận chuyển cũng khá lớn. Ví như có doanh nghiệp mua ngao ở Thái Bình về Hà Nội bán, nhưng do bị cấm xe vào giờ quy định, xe phải chờ ở ngoại thành; đến khi xe được phép vào nội thành, chuyển hàng vào kho lạnh của doanh nghiệp thì ngao đã hỏng gần hết.

Tuy nhiên, ông Hồ Quốc Khánh cũng thừa nhận một hạn chế của hệ thống phân phối hiện nay là phần lớn doanh nghiệp trên địa bàn có quy mô chưa đủ lớn, chi phí đầu tư kinh doanh như: tiền thuê đất, chi phí xây dựng, nhân công... lại cao, tạo thêm áp lực cho giá cả.

Sở Công Thương cũng kiến nghị thành phố các giải pháp giúp doanh nghiệp giảm chi phí bằng cách: có chính sách khi đầu tư hạ tầng thương mại, hỗ trợ đất đai, địa điểm kinh doanh... Đặc biệt, năm 2013, thành phố Hà Nội tiếp tục thực hiện chương trình bình ổn giá, tạm ứng 318 tỷ đồng cho 7 nhóm mặt hàng. Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia chương trình theo hình thức xã hội hóa để đảm bảo cung cầu hàng hóa cho thành phố. Sở Công Thương Hà Nội cũng phối hợp với sở Công Thương các tỉnh, thành phố trên khắp cả nước ký kết phối hợp cung cầu hàng hóa. Tổ chức cho doanh nghiệp Hà Nội gặp gỡ các tỉnh để tạo thêm nguồn hàng.