45% doanh nghiệp buộc phải chi phí “ngoài luồng”

ANTĐ - Ngày 4-11, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã công bố “Báo cáo đặc điểm môi trường kinh doanh ở Việt Nam, kết quả khảo sát doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2013”. Cuộc khảo sát cho thấy, chi phí không chính thức vẫn là trở ngại lớn đối với doanh nghiệp.

45% doanh nghiệp buộc phải chi phí “ngoài luồng” ảnh 1Tăng cường ứng dụng CNTT để giảm phiền hà cho doanh nghiệp

Chi phí không chính thức tăng lên

Nhận định khái quát về môi trường kinh doanh của Việt Nam năm 2013, TS John Rand (Trường Đại học Copenhagen- Đan Mạch) cho rằng: “Môi trường kinh doanh về tổng thể dường như không được cải thiện so với giai đoạn trước”. Kết quả khảo sát cho thấy một bức tranh xám màu hơn so với 2 năm trước do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính vẫn còn tiếp diễn. Cụ thể, khoảng 70% doanh nghiệp được khảo sát nói rằng, cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu vẫn ảnh hưởng tiêu cực đến điều kiện kinh doanh năm 2013. Trong đó, các doanh nghiệp siêu nhỏ ít bị ảnh hưởng hơn so với doanh nghiệp lớn. So sánh năm 2011 và năm 2013, tổng lao động đã giảm 7,4%.

Một trong những trở ngại chính đối với doanh nghiệp trong năm vừa qua là chi phí không chính thức tăng cao.  Năm 2011, chỉ có 38% doanh nghiệp được hỏi cho biết họ có chi phí không chính thức thì tỷ lệ này đã tăng lên 45% trong năm 2013. Trong đó, gần 29% các khoản chi không chính thức liên quan đến dịch vụ công, tăng so với tỷ lệ 26% năm 2011. Đáng chú ý, 38,5% doanh nghiệp không chi hối lộ trong 2011 đã thực hiện chi hối lộ trong 2013. Kết quả điều tra cho thấy, doanh nghiệp chi các khoản này để đối phó với cơ quan/người thu thuế cũng như kết nối với các dịch vụ công. Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp không tiết lộ lý do. 

Theo Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng CIEM, những yếu tố ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh của doanh nghiệp như trên không mới. “Hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp rủi ro cao hơn, chi phí kinh doanh  cũng cao hơn.  Điều kiện để gia nhập thị trường khó hơn” - ông Nguyễn Đình Cung nói. 

Quyết liệt cải cách 

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho hay, nhiều cuộc điều tra, khảo sát đã chứng minh một tỷ lệ không nhỏ các doanh nghiệp Việt Nam phải chịu chi phí không chính thức. Vì vậy, doanh nghiệp rất trông chờ vào Nghị quyết 19 về đơn giản hóa thủ tục hành chính của Chính phủ. “Việc này không chỉ giảm thời gian cho doanh nghiệp nộp thuế, thủ tục hải quan, bảo hiểm xã hội, xuất nhập khẩu… về mức trung bình của ASEAN, mà còn giúp tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp, kể cả chi phí không chính thức”, bà Phạm Chi Lan cho biết. 

Theo vị chuyên gia này, để các thủ tục liên quan đến thuế giảm từ 872 giờ xuống còn 171 giờ/năm,  chỉ có cách là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT). Khi người dân, doanh nghiệp làm việc với cơ quan thuế thông qua máy tính, sẽ giảm được phiền hà, sách nhiễu. “Tôi nghĩ đó là điều hết sức căn cơ. Giảm thời gian cũng giúp Nhà nước thực hiện được cải cách hành chính, cải cách bộ máy của mình. Lúc đó không có lý gì giữ đội ngũ cán bộ thuế, bảo hiểm xã hội… đông như hiện nay. Bộ máy giảm, cán bộ được tăng lương gấp đôi, gấp ba thì sẽ bớt tiêu cực. Minh bạch cũng giúp tạo sự công bằng cho tất cả mọi người, chẳng có lý do gì để tôi phải “bôi trơn” nhiều hơn người khác”, bà Phạm Chi Lan chia sẻ. 

Theo ông Nguyễn Đình Cung, cuộc điều tra được thực hiện với hơn 2.500 doanh nghiệp tại 12 tỉnh, thành phố trên cả nước nên kết quả tương đối chính xác. Viện trưởng CIEM cho rằng: “Trong bối cảnh môi trường kinh doanh chưa cải thiện nhiều khiến tinh thần kinh doanh không hào hứng như trước, cần phải tạo động lực cho doanh nghiệp. Cần những thay đổi trong bộ máy Nhà nước phục vụ người dân, bớt quản lý, kiểm soát, thay vào đó là khuyến khích, thúc đẩy để tạo ra làn sóng đổi mới, tinh thần kinh doanh đổi mới”.

Doanh nghiệp ít cải tiến sản phẩm

Theo kết quả điều tra, tỷ lệ doanh nghiệp đổi mới sản phẩm (kể cả sản phẩm mới và cải tiến sản phẩm hiện có) giảm mạnh so với năm 2011. Các doanh nghiệp siêu nhỏ ở nông thôn thể hiện rõ điều này. Theo các chuyên gia, hiện trạng này có liên quan đến tính năng động trong tương lai của doanh nghiệp, do đổi mới thông qua cải tiến sản phẩm có tác động tích cực đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.