Nguy cơ từ rượu ngâm

(ANTĐ) - Rượu thuốc là các loại rượu ngâm rất phổ biến hiện nay, thường được quảng cáo là các loại cường dương hay bổ âm. Hiện nay, rất nhiều quán rượu ở Hà Nội kinh doanh loại rượu này. Tuy nhiên, mỗi quán lại có một cách ngâm rượu riêng theo kinh nghiệm của chủ quán. Việc pha cồn, nước lã và các hương liệu làm tăng mùi thơm hay các tạp chất không dựa trên một nguyên tắc nào có thể gây ngộ độc nghiêm trọng cho các tửu khách.

Nguy cơ từ rượu ngâm

(ANTĐ) - Rượu thuốc là các loại rượu ngâm rất phổ biến hiện nay, thường được quảng cáo là các loại cường dương hay bổ âm. Hiện nay, rất nhiều quán rượu ở Hà Nội kinh doanh loại rượu này. Tuy nhiên, mỗi quán lại có một cách ngâm rượu riêng theo kinh nghiệm của chủ quán. Việc pha cồn, nước lã và các hương liệu làm tăng mùi thơm hay các tạp chất không dựa trên một nguyên tắc nào có thể gây ngộ độc nghiêm trọng cho các tửu khách.

Rượu tự chế...!?

Chỉ cần dạo qua các quán rượu thuộc vào loại có tiếng ở Hà Nội, chúng tôi đã bị choáng ngợp bởi có rất nhiều loại rượu được trưng bày ngay ngắn trên những kệ, tủ gỗ trông thật bắt mắt, kèm theo lời quảng cáo đầy hấp dẫn. Ghé vào một quán rượu lớn nằm trên phố Hàng Chiếu, chúng tôi được ông chủ chào mời niềm nở và dẫn vào phía trong.

Đập vào mắt là hàng dãy bình thủy tinh lớn nhỏ dán giấy màu với các hàng chữ viết bằng mực Tàu ghi tên chủng loại rượu. Để thu hút “tửu khách” không gian bên trong ở hầu hết các quán được bố trí những dãy bàn ghế gỗ, ghế mây, thậm chí có cả kiểu ngồi như người Nhật để tạo ấn tượng.

Ông chủ quán nhiệt tình giới thiệu hàng loạt loại rượu mới lạ và vô cùng đắc ý chỉ cho chúng tôi vài loại rượu hảo hạng được cho là “hàng độc” rất có tác dụng với nam giới. Từ những bình rượu, nậm rượu mang tên của các vị hoàng đế Trung Quốc cho đến những bình rượu mang tên các loại sản vật quý hiếm như: bìm bịp, ngọc dương, ong chúa, ngũ xà, cửu xà, bọ cạp, bạch cúc tửu, trường xuân tửu,…

Loại nào cũng đủ các thành phần quý hiếm và đặc biệt là rất bổ với những cái tên đầy gọi mời như: Thập toàn đại bổ, cường dương bổ thận, tráng thận, tráng dương,… Một số loại còn được chủ quán tự “sáng tạo” theo kinh nghiệm lâu năm trong nghề. Nháy mắt chúng tôi đầy hàm ý, ông chủ quán nói nhỏ: “Thứ rượu này mà uống vào đảm bảo ai mà không quay lại mua nữa, tôi nhất định không lấy tiền…”.

Người bị ngộ độc rượu có triệu chứng như vã mồ hôi, huyết áp cao, không tự điều khiển được cơ thể, chân tay co giật, mê sảng… Khi phát hiện người bị ngộ độc rượu phải cho BN nôn ra, càng nôn nhiều càng tốt. Khi thấy BN đi ngoài, nôn nhiều lần không hết thì cách tốt nhất là đưa BN đến các cơ sở y tế hoặc bệnh viện gần nhất. Trong tủ thuốc gia đình, nên tích trữ các gói dung dịch Orezon cho BN bị đi ngoài nhiều uống để bù nước và chất điện giải kèm theo 1 tuýp Antipoi - Bạch Mai để giải độc cho BN.

Theo quan sát của chúng tôi, khi bán cho khách, chủ quán dùng một chiếc vòi bằng nứa để hút rượu ra từng nậm nhỏ. Có cả những nậm đã được rót sẵn chỉ chờ khách gọi là đem ra. Mỗi nậm khoảng 300ml đến 500ml, có giá khoảng từ 30.000 đến 70.000 đồng/nậm tùy từng loại rượu.

Rất ít khi khách được thưởng thức những loại rượu chắt trực tiếp từ bình lớn vì loại rượu này có giá cao gấp đôi với những nậm được bày sẵn. Rất đơn giản vì theo lời chủ quán, những bình rượu này được ngâm các loại con vật quý hiếm, được hạ thổ và ngâm rất lâu. Mà càng ngâm lâu thì càng bổ, càng bổ thì càng đắt.

Ông Nguyễn Tú Anh, một “tửu khách” lắc đầu: “Ai mà tin được lời của mấy ông chủ quán rượu. Chỉ cần nếm rượu trong các bình thủy tinh lớn quảng cáo trên quầy với rượu để trong nậm để bán cho khách là thấy khác nhau một trời một vực. Biết được trong đó họ ngâm những thứ quỷ quái gì?! Uống thì uống thôi chứ tôi biết cũng chẳng bổ béo gì đâu”.

Nguy hiểm rình rập

Mới đây, tại Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận một bệnh nhân (BN) ở Thanh Xuân, Hà Nội vào nhập viện trong tình trạng sốc, vã mồ hôi, lạnh tay chân, mạch khó bắt, huyết áp 20/0. Các bác sĩ chẩn đoán sốc phản vệ do uống rượu ong và khẩn trương cấp cứu, truyền dịch và uống thuốc tăng huyết áp, thở oxy.

Nguyên nhân BN nhập viện là do uống rượu ngâm ong đất đã hơn 1 tháng. Sau khi BN uống 10ml rượu thì xuất hiện ngứa, sưng nề môi, kèm theo đau bụng, nôn mửa nhiều, vã mồ hôi. Theo nhận định của bác sĩ, nếu BN ở xa, đến chậm vài phút nữa thì rất có thể đã nguy hiểm đến tính mạng.

Cũng theo các bác sĩ của Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai, rượu sau khi pha chế nếu không được kiểm tra chặt chẽ có thể trở thành nguy cơ tiềm ẩn dẫn đến ngộ độc rượu, gây nguy hiểm cho sức khỏe người dùng. 

Quả thật, có đến những quán rượu này mới thấy việc pha chế ngâm những con vật vào trong những bình rượu mỗi nơi mỗi khác. Mỗi quán lại có một cách pha chế, ngâm, tẩm khác nhau nhưng chủ yếu họ đều làm theo kiểu “tự biên, tự diễn”, không theo quy tắc nên khó mà biết được có nguy hiểm cho “tửu khách” hay không bởi nọc độc của những con vật như: Rắn, bọ cạp,… là rất nguy hại cho người sử dụng.

Vì vậy, việc kiểm tra chặt chẽ các loại rượu sau khi pha chế đối với các quán rượu cần được các cơ quan chức năng quan tâm hơn trong thời gian tới, tránh tình trạng bổ đâu chẳng thấy chỉ thấy nhiều người suýt chết vì tửu.

Ngọc Bảo