Để trẻ em, người già khỏi bị đột quỵ vì nắng nóng

ANTĐ - Trong khi thế giới đã chứng kiến không ít trường hợp đột tử vì thời tiết nắng nóng bất thường, trẻ em dưới 4 tuổi, người già từ 65 tuổi trở lên, người lao động làm việc trong môi trường nắng nóng hay vận động viên thể thao là những đối tượng dễ mắc nhất các bệnh liên quan khi thời tiết và nhiệt độ thay đổi cực đoan. Dưới đây là một số lời khuyên cho việc bảo vệ trẻ em, người cao tuổi cũng như chính bạn trong những ngày nóng cao điểm.

Trẻ em

Các hoạt động ngoài trời trong mùa hè đối với trẻ nên được thực hiện vào trước 11h và sau 16h, khi bức xạ tia cực tím của mặt trời yếu đi. Tránh để trẻ mất nước, đặc biệt là khi hoạt động bên ngoài, do đó thường xuyên uống nước là rất cần thiết. Một số đồ ăn nhẹ như trái cây và rau quả có hàm lượng nước cao cũng có thể giữ được năng lượng của trẻ khi thời tiết nóng. 

Để trẻ em, người già  khỏi bị đột quỵ vì nắng nóng ảnh 1

Người lao động nên ý thức về tự bảo vệ sức khỏe trong thời tiết nắng nóng 

Trời nóng, cho trẻ mặc quần áo nhẹ, sáng màu, rộng rãi, đi đâu cũng nên có một chiếc mũ hoặc chiếc ô và bôi kem chống nắng. Lưu ý khác, tuyệt đối không bao giờ để trẻ em một mình trong xe đang đỗ, vì khi nhiệt độ ngoài trời 34 độ, chỉ cần để yên 20 phút, nhiệt độ trong xe có thể lên tới 52 độ C. Kiểm tra thường xuyên các dấu hiệu bệnh liên quan đến cảm nắng, sốc nhiệt, thậm chí đột quỵ nhiệt với biểu hiện như ra mồ hôi nhiều, chuột rút, mệt mỏi và suy nhược, chóng mặt, nhức đầu, buồn nôn, lơ mơ...

Người già

Cũng giống như trẻ nhỏ, người già ít có khả năng cảm nhận và phản ứng với nhiệt độ cao, vì thế họ thích nghi chậm trước những nguy cơ sức khỏe trong thời tiết nắng nực nên rất dễ sinh ra các bệnh nghiêm trọng liên quan đến nhiệt. Vì thế, trong mùa nắng nóng, nên thường xuyên để ý những người lớn tuổi sống một mình hoặc chỉ có thể quanh quẩn trong nhà. Trong nhà, có thể làm cho không khí mát mẻ hơn bằng cách đóng hết các cửa có ánh nắng chiếu trực tiếp. Điều không nên bỏ qua là tìm hiểu xem các loại thuốc mà người lớn tuổi trong nhà đang dùng hoặc bệnh mãn tính ở người già có nguy cơ biến chứng do nắng nóng hay không.

Vận động viên

Cái nắng nóng mùa hè không thể ngăn cản nhiều người yêu thích thể dục thể thao. Tuy nhiên, cũng có một số lưu ý để phòng ngừa rủi ro sức khỏe không mong muốn, chẳng hạn nhẹ thì bị chuột rút, kiệt sức, nghiêm trọng hơn là đột quỵ nhiệt.

Với các chuyên gia của ngành thể thao, sự thích nghi của vận động viên với điều kiện nắng nóng rất quan trọng. Từng bước tạo ra khả năng chịu đựng thời tiết nóng, cơ thể sẽ dần chấp nhận nó. Các chuyên gia khuyên rằng, nếu tập thể thao trong điều kiện nắng nóng, nên chú ý trước tiên đến nhu cầu điện giải - tức là bổ sung nước và muối cả trước, trong và sau khi tập luyện. Ngoài ra, nếu không có bóng râm, nhớ mang theo ô dù; Có thể nghỉ giữa giờ nhiều hơn; Dùng nước hoặc đá để hạ nhiệt cho vận động viên; Tránh chất caffeine, thuốc kháng histamin và các chất kích thích (thuốc ADHD) trước khi chơi thể thao hoặc tập thể dục trong trời nóng; Cách 2 tiếng bôi kem chống nắng một lần…

Người lao động 

Công việc của nhiều người phải đòi hỏi thường xuyên tiếp xúc với nắng nóng. Đó là người làm việc trong môi trường liên quan đến nguồn nhiệt như nhà máy sắt và thép, luyện kim, gạch nung, gốm, sản xuất thủy tinh, cao su, điện lực (đặc biệt là nhiệt điện), nhà bếp, cửa hiệu giặt là… Cùng với đó là các công việc ngoài trời hứng chịu trực tiếp không khí khô nóng và nắng như người phải làm việc ngoài đường, đồng áng, xây dựng, cầu đường, hoạt động dầu khí… Người tiếp xúc với môi trường nóng này, đặc biệt là những người làm công việc nặng nhọc hoặc sử dụng quần áo và thiết bị bảo hộ cồng kềnh hoặc không thoáng khí có thể tăng nguy cơ bệnh liên quan đến nhiệt. 

Để đảm bảo an toàn và sức khỏe trong những ngày nắng nóng, cần nâng cao ý thức của người lao động trong phòng ngừa sự nguy hiểm của nhiệt; bố trí thời gian lao động hợp lý để tránh giờ nắng nóng đỉnh điểm hoặc nghỉ ngơi thường xuyên. Để giúp hạ nhiệt, mọi người nên uống 2-4 ly nước mỗi giờ, tránh các đồ uống có chứa caffeine, rượu hay nhiều đường. Nếu nghi ngờ có người đột quỵ nhiệt, cần di chuyển người lao động vào khu vực có bóng râm, nới rộng quần áo, tưới nước mát lên người họ. Do bệnh nhân bị ngất hoặc hôn mê nên đừng cố gắng cho họ uống nước vì sẽ bị sặc nước vào phổi càng nguy hiểm, sau đó nhanh chóng đưa đến bệnh viện.