Bị vỡ cặp nhiệt độ, có nguy hiểm

ANTĐ - Hỏi: Thưa bác sĩ, trong khi kẹp nhiệt độ cho con gái 2 tháng tuổi, tôi bất cẩn làm vỡ nhiệt kế thủy ngân xuống nền nhà. Tôi rất lo lắng không hiểu liệu như vậy con gái có bị ngộ độc thủy ngân không?

Trả lời: Thủy ngân là một kim loại ở thể lỏng, không tan trong nước và có thể bốc hơi tương đối dễ ở nhiệt độ phòng. Nó xâm nhập vào cơ thể người qua đường hô hấp và qua da. Thủy ngân rất độc, có thể gây tổn thương não và gan nếu con người tiếp xúc, hít thở hay ăn phải. Nó có thể tấn công hệ thần kinh trung ương và hệ nội tiết, ảnh hưởng tới miệng, các cơ quai hàm, răng và có thể gây khuyết tật với thai nhi...

Thủy ngân có trong nhiệt kế là dạng thủy ngân nguyên chất, được hấp thu rất ít khi vào đường tiêu hoá nhưng chúng sẽ trở nên rất độc khi vào phổi do trẻ hít phải trực tiếp. Khi hít nó sẽ hấp thu nhanh qua đường hô hấp, qua màng phế nang vào máu đến thận, gan lách và hệ thần kinh trung ương. Hít phải thủy ngân có thể gây bệnh phổi nặng cấp tính, khiến nạn nhân bị ho, khó thở, đau tức ngực và có cảm giác đau rát ở phổi. Ngoài ra, nó gây mất trí nhớ, viêm miệng, lơ mơ, co giật, nôn ói và viêm ruột. Trong một số trường hợp, có thể gây ra ngộ độc cấp tính, suy hô hấp, thậm chí tử vong nếu tiếp xúc lượng thủy ngân lớn. 

Trẻ nuốt hoặc hít phải thủy ngân đều nguy hiểm, trong đó hít phải thủy ngân sẽ gây nguy hiểm cao hơn. Trong trường hợp trẻ uống phải sữa có lẫn thủy ngân, không nên cuống cuồng làm các biện pháp như móc họng, bóp bụng gây nôn cho trẻ, vì rất có thể hành động này sẽ khiến trẻ bị sặc, thủy ngân bị đẩy ngược lên, có nguy cơ chui vào phổi, rất nguy hiểm cho sức khỏe của trẻ.  Nếu không may trẻ nuốt phải thủy ngân, cha mẹ chỉ cần theo dõi phân của trẻ trong vài ngày để xác định, đánh giá lượng thủy ngân đã được bài tiết ra ngoài. Lưu ý cho trẻ ăn uống đầy đủ, đặc biệt uống nhiều nước để tránh táo bón, giúp sự bài tiết tốt hơn.

Khi nhiệt kế thủy ngân bị vỡ bạn nên kiểm tra xem thủy ngân có bị dính vào người và quần áo của trẻ không. Nếu có thì nên thay bỏ toàn bộ quần áo. Thu dọn hạt thủy ngân vương vãi, tránh cho trẻ nhỏ và người lớn chạm trực tiếp. Tuyệt đối không nên sử dụng nhiệt kế đo nhiệt độ bình sữa vì việc này rất nguy hiểm, nếu sữa nóng có thể gây nổ vỡ và thủy ngân sẽ lẫn vào sữa. Trong trường hợp của bạn, bị vỡ nhiệt kế thủy ngân không có gì quá nguy hiểm vì lượng thủy ngân không nhiều, nên không cần quá lo lắng.

BS Nguyễn Lan Anh
Phòng khám đa khoa Hải Việt