7 điều “điên rồ” thường gặp trong giấc ngủ

ANTĐ - Bỗng nhiên tỉnh dậy lúc nửa đêm, mò xuống bếp làm đồ ăn hay nhắn tin, lái xe, quan hệ tình dục… rồi sáng hôm sau chẳng nhớ gì, là những điều kỳ quặc mà nhiều người gặp phải. Dưới đây là những lý giải cho những điều kỳ lạ đó. 

Đi quanh nhà 

7 điều “điên rồ” thường gặp trong giấc ngủ ảnh 1

Mộng du được coi là một biểu hiện của chứng rối loạn giấc ngủ (parasomnias), là tình trạng đi trong lúc ngủ. Mộng du có thể gặp ở bất cứ tuổi nào, thường gặp ở trẻ em, ngay cả trẻ em mới biết đi, tuổi hay gặp nhất là từ 3-7 tuổi. Người bệnh đang ngủ, ngồi, mở mắt, đi vòng quanh phòng hoặc đi về phía có ánh sáng, trẻ đi về phòng ngủ của bố mẹ, hoặc đi đến cửa sổ, trèo lên cửa sổ, mở cửa phòng đi ra ngoài... Nguyên nhân chính xác của mộng du vẫn chưa được xác định. Có tới 40% trẻ em có mộng du vào một giai đoạn nào đó. Trong gia đình có trẻ mộng du, các trẻ khác cũng dễ mắc nhưng hầu hết đều không ảnh hưởng đến sự phát triển của các em. 

Nói mê 

Hầu như trong chúng ta, ai cũng đã từng trải qua nói mê trong khi ngủ. Các câu nói đó thường ngắn gọn, vô nghĩa, kéo dài trong 1 hoặc 2 giây và không có dấu hiệu của sự suy nghĩ. Nói mê cũng có thể xuất hiện trong quá trình “thức tạm thời”, trong tình trạng nửa tỉnh nửa mê và khi có dấu hiệu của sự tỉnh táo xen vào thời gian ngủ, khiến chúng ta nói chuyện. Các nghiên cứu cho biết, nói mê khi ngủ xảy ra ở hơn một nửa số trẻ em và giảm dần khi chúng ta già. Ở người trưởng thành, đây được coi là một loại rối loạn giấc ngủ, có thể là kết quả của sự căng thẳng và nhiều yếu tố khác. 

“Yêu” trong khi ngủ 

Trong một nghiên cứu của ĐH Toronto (Canada) trên 800 bệnh nhân tại Trung tâm rối loạn giấc ngủ, 8% thừa nhận mình có những hành vi liên quan tới hội chứng sex trong khi ngủ (sexmonia). Đây được xem là một dạng rối loạn giấc ngủ với biểu hiện là có hành vi “yêu” trong lúc ngủ. “Yêu” trong khi ngủ có điểm tương đồng với mộng du khi cơ thể đang dần rời khỏi giấc ngủ sâu. Nhiều người chỉ loáng thoáng nhớ về những gì đã xảy ra hay tỉnh dậy khi mọi việc đang dang dở. Điều này có thể xảy ra khi bạn có mong muốn được thỏa mãn hay đi ngủ với ham muốn mạnh mẽ. 

Nhắn tin 

Thời đại công nghệ số khiến những chiếc điện thoại trở thành vật bất ly thân của nhiều người. Từ đó, như một dạng của mộng du, nhiều người gặp phải tình trạng nhắn tin trong lúc ngủ. Theo một nghiên cứu của Đại học Villanova (Mỹ) khảo sát trên 300 sinh viên, có 25-35% số người tham gia nghiên cứu đã nhắn tin trong khi ngủ sau đó không hề nhớ rằng mình đã soạn thảo tin nhắn đó. Chuyên gia về giấc ngủ, Tiến sĩ Josh Werber cho biết, nhắn tin trong lúc ngủ có thể là những hậu quả đáng lo ngại cũng như dẫn đến những vấn đề về sức khỏe vì con người không ngủ đủ giấc và đủ chất lượng. 

Làm đồ ăn 

Nửa đêm bị mộng du rồi dậy làm đồ ăn và ăn ngon lành, đó không phải là triệu chứng của rối loạn tiêu hóa mà là rối loạn giấc ngủ. Những người bị như vậy thường dậy lúc nửa đêm và ăn một lượng lớn thức ăn trong trạng thái vô thức. Một số người bị như vậy rất nhiều lần, nhưng một số chỉ bị 1 hoặc 2 lần. 

Lái xe 

7 điều “điên rồ” thường gặp trong giấc ngủ ảnh 2

Trong lúc mộng du, người bệnh ở trong một trạng thái đặc biệt gọi là trạng thái hoàng hôn. Người đó thực hiện các động tác một cách tự động mà không nhận thức được mình làm gì. Giáo sư Michael Howell tại khoa Thần kinh của Đại học Minnesota cho biết, nhiều bệnh nhân của ông bị chứng mộng du lái xe. Điều đáng nói hành động vô thức đó thường để lại những hậu quả đáng tiếc. 

Theo Giáo sư Michael Howell, không có thuốc hay kỹ thuật y học nào có thể chữa được bệnh mộng du. Các nhà khoa học tin rằng stress là tác nhân chính khiến cho bệnh xuất hiện. Người ta có thể trở thành người mộng du nếu giấc ngủ của họ thường xuyên bị ngắt quãng 3-4 lần mỗi đêm, hoặc nếu họ nói trong khi ngủ. Vì thế, nhiều bệnh nhân sử dụng thuốc ngủ để chống lại chứng mộng du. Điều này hoàn toàn sai lầm, bởi nó không giải quyết tận gốc vấn đề mà còn gây hại cho sức khỏe.