Vải truyền thống thăng hoa trên đường phố

ANTĐ - Nghiên cứu ròng rã trong 4 năm, với nỗ lực “cứu” các phương pháp nhuộm và dệt vải có nguy cơ mai một ở các vùng cao Tây Bắc, các nhà thiết kế của Kilomet 109 đã cho ra đời dòng thời trang bền vững“Hạt”, với sự kết hợp đáng ngạc nhiên giữa chất liệu truyền thống và phong cách đương đại. 

Vải truyền thống thăng hoa trên đường phố ảnh 1Kỹ thuật in sáp ong của người Dao Tiền

Áo nhuộm từ quả

Nhìn ngắm những bộ trang phục mang phong cách đương đại trong bộ sưu tập “Hạt”, khó có thể tin những màu sắc trong những bộ trang phục này được nhuộm hoàn toàn bằng những nguyên liệu tự nhiên. Sắc nâu trầm từ hạt cà phê, màu tím nhạt từ cây trắm, cam tươi tắn từ củ nâu… và đặc biệt hơn cả là cây chàm, loại cây được trồng nhiều ở vùng núi phía Bắc có thể cho ra sắc độ từ màu xám, xanh, lam cho đến tím đậm. Để có được những màu sắc ưng ý, trong suốt 4 năm, nhà thiết kế Vũ Thảo, chủ nhân bộ sưu tập “Hạt”, người sáng lập ra thương hiệu Kilomet 109 đã miệt mài làm việc với các nghệ nhân vùng núi cao Tây Bắc, từ những nghệ nhân Thái – Mường (Lai Châu) cho đến những nghệ nhân Nùng, Dao Tiền (Cao Bằng) để học hỏi từng kỹ thuật nhuộm và dệt vải. 

Chị chia sẻ, riêng đối với nhuộm chàm, mỗi dân tộc lại có một kỹ thuật nhuộm khác nhau. Nhưng để cho ra được màu chuẩn phải mất rất nhiều công sức. Chị cho biết: “Để nhuộm một chiếc áo rất mất công, không chỉ con người, mà phải “thiên thời, địa lợi”. Chẳng hạn với chiếc áo màu chàm đậm, chúng tôi phải nhuộm trong 1 tháng, khi nhuộm xong thì phơi trong điều kiện nắng dịu, tuyệt đối không mưa, vì nếu mưa thì màu sẽ “chết”. Chị Thảo cũng cho biết thêm, riêng việc cầm màu cũng rất kỳ công. Nếu như với nhuộm công nghiệp, chỉ cần cho vào hóa chất cầm màu, thì nhuộm truyền thống phải sử dụng những nguyên liệu tự nhiên như ngâm vào nước măng chua, dùng lá sau sau, tro bếp, hay chanh, giấm… 

Để làm ra một sản phẩm thời trang “hoàn toàn tự nhiên” không đơn giản và việc giữ gìn chúng cũng mất rất nhiều thời gian. Muốn khách hàng có được một chiếc áo chàm thơm lâu và giữ màu, chị cũng cẩn thận tư vấn cho họ giặt khô, hoặc sử dụng quả bồ hòn. Phức tạp, nâng niu là thế nhưng sản phẩm thời trang bền vững lại có những ưu điểm như an toàn, thân thiện với da người, thông thoáng, thấm hút mồ hôi. Và được làm bằng phương pháp thủ công, nên người dùng sẽ không “mù mờ” về xuất xứ cũng như nguồn gốc của trang phục. 

Trung thành với truyền thống

Không chỉ thành công trong việc sáng tạo những màu sắc “không tưởng” từ phương pháp nhuộm truyền thống, nhà thiết kế Vũ Thảo và những cộng sự của Kilomet 109 đã và đang nỗ lực hết mình nhằm bảo tồn và phát triển những phương pháp sản xuất truyền thống mà phần nhiều trong số đó đang có nguy cơ mai một. Đó là kỹ thuật in sáp ong - tạo ra các hoa văn bằng việc nhúng bút vẽ vào sáp ong nóng chảy rồi in, chấm lên vải của người Dao Tiền.

Hay kỹ thuật dệt Ikat làm ra những tấm vải thổ cẩm tuyệt đẹp vốn phổ biến trong cộng đồng người Thái, người Êđê, Cơ Tu… nay đã dần bị thất truyền. Ngay cả những chi tiết trang trí sản phẩm như chiếc cúc trên đường viền cổ áo hay khuyết dây… vốn thường bị lãng quên cũng được các nhà thiết kế khai thác tỉ mỉ. “Điều làm tôi trăn trở nhất là kỹ thuật. Chất liệu mất đi không đáng lo, nhưng kỹ thuật mà mai một đi thì thật đáng tiếc” – nhà thiết kế Vũ Thảo tâm sự. “Khi đi đến những vùng cao, tôi thấy nhiều bà con dân tộc cũng không mặc, không sử dụng những thứ mình làm ra. Trong khi, họ thừa hưởng những kỹ thuật thủ công rất tinh tế, được trao truyền từ đời này qua đời khác. Nếu để bị mất thì cực kỳ lãng phí”. 

Kiên trì với dòng thời trang bền vững, nhà thiết kế Vũ Thảo tạo cho “Hạt” một hướng đi táo bạo, đó là sáng tạo phong cách thời trang đương đại trên khung truyền thống, sử dụng chất liệu, kỹ thuật thuần Việt Nam. Thoát khỏi quan niệm thông thường về thời trang truyền thống, những bộ trang phục này mang hơi hướng phương Tây và hoàn toàn bắt nhịp được với hơi thở của cuộc sống thường ngày. Không chỉ góp phần tái tạo và bảo tồn những giá trị truyền thống, những bộ trang phục này còn góp một tiếng nói mới trong bối cảnh thời trang Việt, vốn đang “nặng” về trình diễn, ít ứng dụng.