Tiểu thuyết ngôn tình Trung Quốc: Tạp nham "lẩu vỉa hè"

ANTĐ - Chiếm thị phần khá lớn trong các nhà sách là một loạt các tiểu thuyết ngôn tình có xuất xứ từ Trung Quốc. Tựa đề “gây shock”, trình bày bìa bắt mắt với nội dung ly kỳ, thực - ảo… những cuốn sách này đang là “món ăn” được ưa chuộng của nhiều độc giả trẻ Việt Nam.   

Tiểu thuyết ngôn tình Trung Quốc đang chiếm lĩnh thị trường sách Việt 

Bỗng dưng “nổi tiếng”

Bạn đọc không xa lạ với những cái tên như Bên nhau trọn đời (Cố Mạn), Anh có thích nước Mỹ không? (Tân Di Ổ), Xin lỗi em chỉ là con đĩ, Yêu nhau hơn cả tử thần, Thiên thần sa ngã (Tào Đình)… Những cuốn sách trên từng là hiện tượng đình đám không chỉ trong làng văn học khi số lượng sách tái bản đạt tới con số kỷ lục mà một vài trong số đó đã được chuyển thể thành phim. Có thể nói, những cuốn sách trên từ khi xuất hiện tại Việt Nam đã dấy lên trào lưu những độc giả trẻ say sưa đọc tiểu thuyết ngôn tình Trung Quốc. Nắm bắt được thị hiếu này, các nhà xuất bản thi nhau “nhập khẩu” sách Trung Quốc và trong một vài năm gần đây, số lượng đầu sách loại này tăng chóng mặt và nhanh chóng “áp đảo” các thể loại văn học khác. 

Bên cạnh những tác giả “quen mặt” ít nhiều được công nhận, nếu chưa quen lắm với những đầu sách Trung Quốc thì người đọc sẽ dễ lầm tưởng đang lạc vào một thế giới “phim chưởng” với những bút danh nghe qua đã choáng váng: Sói Xám Mọc Cánh, Cầm Sắt Tỳ Bà, Tiểu Hài Tử Ngươi Tới Đây… Tuy nhiên khi hỏi tiểu sử, gốc gác của họ như thế nào thì ít ai biết. Không ít những cây bút gia nhập vào làng văn này trước đó “vô danh” nhưng sau một, hai tác phẩm được ưa thích trên mạng bỗng chốc trở nên “nổi như cồn” và nhanh chóng trở thành hiện tượng trong làng xuất bản. Nổi lên trong đó là một lực lượng đông đảo các nữ nhà văn trẻ thuộc thế thệ 8X, 7X có lối viết táo bạo và “thoáng”, vượt xa chuẩn mực của văn chương truyền thống. 

Chuyển ngữ kiểu… @

Khi tìm hiểu phần nội dung, được biết các tiểu thuyết ngôn tình được phân khúc thành nhiều thể loại như hiện đại, cổ đại, huyền huyễn, võng du, trùng sinh, xuyên không, dị giới, đồng nhân… Trong đó, một trong những dòng được săn đón nhiều nhất trong thời gian gần đây phải kể đến đó là “xuyên không” – với cốt truyện nhân vật chính có linh hồn hoặc thể xác xuất hiện trong một không gian, thời gian kỳ lạ. Những câu chuyện thường vẽ ra một thế giới hư hư ảo ảo, thậm chí là viển vông quá mức, tuy nhiên vẫn có sức hút kỳ lạ với cả những độc giả đã qua lứa tuổi teen. Bên cạnh đó, không thể không kể đến là việc khai thác triệt để mô tuýp quen thuộc - một là mối tình giữa những cặp đôi chênh lệch đủ mọi góc độ, từ gia cảnh, thân thế cho đến ngoại hình… Kết thúc của những câu chuyện này nếu không tràn đầy dư vị ngọt ngào thì cũng lấy đi được không ít nước mắt của độc giả khi họ phải “lìa xa mãi mãi”.

Không ít những câu chuyện trên được chuyển ngữ theo kiểu gọi là “truyện convert” – mà nôm na đó là sử dụng chương trình dịch tự động trên Internet, rồi qua quá trình biên tập xào nấu được xuất bản thành sách. Thành quả của nó là những bản dịch thô, chỉ cần đáp ứng nhu cầu “hiểu”, không quan tâm đến tính thẩm mỹ. Chỉ đọc đôi ba dòng trong một cuốn tiểu thuyết khá phổ biến được độc giả rỉ tai nhau cũng đủ khiến người xem “đỏ mặt”, vì nội dung không ngại đụng chạm đến những vấn đề nhạy cảm như tình dục, hôn nhân đồng giới… với lời lẽ tùy tiện, suồng sã. Để hợp lý hóa việc xuất bản những cuốn sách này, một vài nhà sách chủ động gắn mác “18+” để kích thích sự tò mò, nhất là đối với độc giả đang ở tuổi mới lớn. Đáng ngại hơn, say sưa với tiểu thuyết ngôn tình, một bộ phận độc giả chìm đắm trong một thế giới ủy mị, “thần thánh hóa”, xa rời thực tế. 

Sự xuất hiện ồ ạt của những tác phẩm như vậy trên thị trường cũng đặt ra một câu hỏi đối với ngành xuất bản. Phải chăng khâu kiểm duyệt còn khá lỏng lẻo khi liên tục để những cuốn sách có nội dung tầm phào, dễ dãi xâm nhập thị trường, tác động tiêu cực đến tư duy, sự nhìn nhận của độc giả trẻ. Vẫn biết giữa muôn vàn cuốn tiểu thuyết ngôn tình Trung Quốc, không thể đánh đồng và “kết tội” tất cả nhưng vẫn cần một sự định hướng kịp thời khi độc giả vẫn đang dễ dàng tiếp cận với vô số nguồn sách không rõ xuất xứ. Dễ đọc, dễ chấp nhận, sẽ dễ dung túng cho những giá trị “ảo”, và khi đó những giá trị thật sẽ không được tôn trọng và trả lại vị trí xứng đáng.