“Sân khấu” Hàng Đẫy

ANTĐ - Trong dòng chảy 60 năm qua của bóng đá Hà Nội, sân Hàng Đẫy như một chứng nhân. Nơi đây gắn với thăng trầm của nhiều đội bóng tên tuổi và cũng là nơi chứng kiến khoảng thời gian hưng thịnh nhất của bóng đá Thủ đô.

“Sân khấu” Hàng Đẫy ảnh 1
Những thập niên 70, 80 thế kỷ trước, sân Hàng Đẫy luôn kín đặc khán giả trong mỗi trận bóng (Ảnh Tư liệu)

Sân có từ thời Pháp với tên gọi Septo, do nằm trên phố Hàng Đẫy (nay là phố Nguyễn Thái Học) nên sau được đặt theo tên phố để dễ nhớ. Thời đó, xung quanh sân Hàng Đẫy khá thưa thớt nhà dân. Từ cổng sân nhìn thẳng ra phố Hàng Bột thấy tàu điện chạy leng keng trên đường. Quanh sân chỉ có hàng rào bằng cột bê tông cao chừng 1,2m, phía đường Trịnh Hoài Đức và Cát Linh (bây giờ) hầu hết là ao hồ. Ba năm sau Ngày Giải phóng Thủ đô, sân Hàng Đẫy được xây dựng quy mô với sức chứa 2 vạn chỗ ngồi, trở thành nơi tổ chức nhiều giải đấu quốc tế lớn như Giải bóng đá Việt-Trung-Triều-Mông, Giải bóng đá Quân đội các nước xã hội chủ nghĩa…

Tại Đại hội TDTT Hà Nội lần thứ I năm 1960, Bác Hồ kính yêu đã tới dự và xuống sân chúc mừng các VĐV trong lễ khai mạc. Ngày 19-3-1988, sân Hàng Đẫy được Tổng cục TDTT bàn giao cho UBND TP Hà Nội và đổi tên thành Sân vận động Hà Nội. Sau 34 năm sử dụng (từ 1958-1992), sân bị xuống cấp nghiêm trọng. Lễ khởi công xây dựng cải tạo sân được tiến hành đúng ngày kỷ niệm Giải phóng Thủ đô 10-10-1992, sau đó hoàn thành và đưa vào sử dụng từ ngày 2-9-1995. Sân mới có kích thước 105x68m, gồm 15 cửa, 3 khán đài với tổng số 20.080 ghế ngồi. Ngày 24-4-2003, UBND TP Hà Nội ra quyết định đổi tên Sân vận động Hà Nội trở về tên gọi ban đầu là Sân vận động Hàng Đẫy và tên gọi đó được giữ đến nay.

Trong hơn một thế kỷ tồn tại, sân Hàng Đẫy là nơi chứng kiến nhiều sự kiện lớn của Hà Nội và đất nước. Đặc biệt ở giai đoạn 1954-1990, nơi đây được ví như sân khấu bóng đá với nhiều trận đấu đỉnh cao cùng bầu không khí cuồng nhiệt phả xuống từ các khán đài kín đặc khán giả. Người dân từ khắp các tỉnh thành phố đổ về, chen chúc chờ mua vé bóng đá. Khán giả phải đi trước 2-3 tiếng, xếp hàng dài hàng trăm mét chờ vào sân xem các đội bóng, cầu thủ thần tượng. Bản thân các cựu cầu thủ bóng đá Hà Nội cũng coi sân Hàng Đẫy như một kỷ niệm không thể quên trong nghiệp thi đấu.

Khoảng 10 năm trở lại đây, dù được cải tạo khang trang, bề thế hơn xưa nhưng sân Hàng Đẫy không có được bầu không khí bóng đá sôi động, không được chứng kiến cảnh chen chúc, xếp hàng dài vào sân xem bóng đá như trước. Người dân Thủ đô vẫn luôn ao ước được trở lại những năm 70, 80 của thế kỷ trước, thời điểm sân Hàng Đẫy chật kín người xem mỗi khi “sân khấu bóng đá” sáng đèn...