Phim “Những đứa con của làng”: Hay nhưng tiếc!

ANTĐ - Khi “Những đứa con của làng” được chọn là một trong hai phim đại diện Việt Nam tranh tài tại “Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội 2014”, nhiều người vẫn băn khoăn không hiểu điều gì khiến bộ phim này “đánh bại” nhiều ứng viên được chú ý khác như “Nước 2030” hay “Dịu dàng” để thuyết phục Hội đồng tuyển chọn phim. Và 90 phút phim đã đưa ra lời giải đáp thỏa đáng. 

Phim “Những đứa con của làng”: Hay nhưng tiếc! ảnh 1Diễn xuất của các diễn viên trong phim đều để lại ấn tượng đẹp trong lòng người xem 

Được chọn vì đề tài lạ

Có lẽ cũng bởi thắc mắc nói trên mà buổi chiếu nào của bộ phim này tại “Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội” cũng đông kín người xem. Với sự tò mò ấy, hẳn nhiều người sẽ thấy hụt hẫng ngay từ những phút đầu của bộ phim này khi hiện ra trước mắt lại là cảnh bom đạn, khói lửa chiến tranh ầm ào thường thấy trong các phim chiến tranh Việt Nam. Nhưng ngay sau đó, câu chuyện mở ra với bối cảnh của 20 năm sau, với hình ảnh đoàn người nối dài đi trong một đám tang không kèn, không trống, không tiếng khóc, thậm chí lại có cả tiếng cười. 

Dẫn đầu đoàn người đi đưa tang là vị trưởng làng - một ông già đã ngoài 70 tuổi, miệng không ngớt hô vang: “Hai mươi tháng sáu sáu lăm (20-6-1965), làng mình chết hết một trăm linh bốn người (104 người)…”. Rồi tiếp đó là cảnh đoàn người đứng giữa khu nghĩa địa, tay lăm lăm cuốc, rựa, gậy, cây… cứ thế lần lượt xếp hàng đập lên một ngôi mộ như để xả nỗi oán hờn. Nụ cười hồn nhiên của cậu bé 8 tuổi khiến người xem không khỏi chao chát. Hóa ra người nằm dưới ngôi mộ ấy là tên trưởng làng xưa kia từng dẫn giặc về giết hại người dân trong làng. Và đoàn người trong đám tang là những người may mắn thoát chết cùng con cháu, người thân của họ. Đám tang chính là ngày giỗ làng, cũng là ngày cả làng kéo nhau ra xả hận lên ngôi mộ của tên trưởng làng phản bội năm xưa. Hẳn cũng bởi câu chuyện kỳ quặc ấy mà những thước phim gây được sự tò mò của người xem. Cũng vì xưa nay phim Việt làm về chiến tranh thì nhiều, nói về nỗi oán giận thời hậu chiến cũng không ít, nhưng nói trực diện về sự hận thù như thế thì quả thực hiếm. Đó hẳn là điều đầu tiên khiến bộ phim có nét riêng khác hẳn các phim Việt từ trước đến nay. 

Nhân văn nhưng chưa tinh tế

Vỏn vẹn cả phim có khoảng 30 diễn viên, nhưng chủ yếu là diễn viên quần chúng, còn diễn xuất chính thì chỉ có 5 nhân vật. Bối cảnh phim cũng chỉ trong một hai căn nhà, túp lều, dăm ba ngôi mộ và hai bên bờ sông bị tách rời bởi chiếc cầu đang xây dở. Ít ỏi và đơn giản vậy, nhưng điều mà “Những đứa con của làng” để lại là bức thông điệp lớn lao và đầy nhân văn về tình người, về sự hòa giải và hòa hợp dân tộc. Vấn đề nghe có vẻ đao to búa lớn và mơ hồ ấy được dẫn dắt, tháo gỡ bằng câu chuyện về sự thay đổi trong suy nghĩ của vị trưởng làng già.

Từ chỗ nhất mực cố chấp không để con trai của tên phản bội năm xưa được bước chân về làng thắp hương cho cha mình, càng không để anh này di dời ngôi mộ sang vùng đất khác, dần dà vị trưởng làng này đã nhận ra sai lầm của mình khi bao nhiêu năm qua chỉ biết rao giảng mọi người ôm hận và trả thù người đã khuất. Tính nhân văn của bộ phim là ở chỗ đó.

Không quá khi nói rằng một trong những thành công lớn nhất của phim là diễn xuất của diễn viên. Trước khi xem phim, nhiều người lầm tưởng Trần Bảo Sơn sẽ giữ vai quan trọng song thật ra đất diễn của anh trong bộ phim này không nhiều. Thay vào đó, nam diễn viên Huy Cường và nữ diễn viên Thúy Hằng - hai gương mặt lần đầu xuất hiện trong điện ảnh mới là những người có “đất” để dụng tài. Và cả hai đã khiến người xem không khỏi ngạc nhiên.

Một Hùng Cường chuyên đóng vai phản diện từ giang hồ lưu manh đến sở khanh độc ác… lần này lại hóa thân thành Bèn - một gã dở hơi có ngoại hình như Chí Phèo nhưng vô cùng nhân hậu. Đây cũng được xem là điểm sáng của cả bộ phim. Những tình tiết liên quan đến nhân vật do anh đóng đều được xây dựng rất “đắt”: từ tình bạn tri kỷ với một chú gà, đến tình yêu đơn phương với Bưởi - cô lái đò xinh đẹp mà Thúy Hằng đảm vai. Không phủ nhận “Những đứa con của làng” đã thành công khi khai thác đề tài khá lạ, đậm chất Việt Nam.

Nhưng phim vẫn còn nhiều điều khiến người xem thấy tiếc, mà tiếc nhất là việc xử lý câu chuyện chưa thật sự tinh tế. Ví như vị trưởng làng già chỉ chịu thay đổi suy nghĩ khi biết được sự thật về việc tên chủ tịch xã ăn chặn tiền làm cầu của dân, tức là chỉ khi ông nhận ra cái xấu chứ không phải vì ông được cảm hóa bởi những cái tốt, những con người tốt. Hay như khi nhân vật đứa con của tên phản bội do Trần Bảo Sơn đóng được cho là người xóa bỏ sự hận thù và hàn gắn nỗi đau, nhưng lại chẳng có bất cứ việc làm gì ấn tượng ngoại trừ việc bày tỏ ý định bỏ tiền ra xây nốt chiếc cầu còn dang dở để được bốc mộ cha mình sang nơi khác. Có lẽ cũng bởi thế, nên phim thật sự là món lạ của Liên hoan phim năm nay, nhưng việc có giúp điện ảnh Việt được vinh danh tại sân chơi này hay không lại là chuyện khác.