Nức tiếng làng hát văn

ANTĐ - Giọng hát lanh lảnh như tiếng chuông đồng nhưng lại trầm ấm và chắc nịch của NSƯT Văn Chương từ lâu đã nức tiếng trong giới hát văn. Giọng hát “thổ đồng” hiếm có ấy đã nâng đỡ biết bao điệu múa cùng say trong lời ca đẹp, miên man, mê đắm trong thế giới phiêu linh của tín ngưỡng thờ Mẫu. 

Nức tiếng làng hát văn  ảnh 1
Một trong những buổi trình diễn hầu đồng có nghệ sĩ Văn Chương

Đông nghịt những buổi trình diễn hầu đồng

Những buổi trình diễn hầu đồng có nghệ sĩ Văn Chương biểu diễn thường đông nghịt người đến xem. Người ta kéo nhau đến một phần để chiêm ngưỡng những giá đồng đầy mê hoặc, còn một phần là để tận hưởng giọng hát thuộc “hàng hiếm” của anh. Sức hấp dẫn tự thân của giọng hát khó có thể tìm thấy người thứ 2 ấy đã đưa đến cho Văn Chương nhiều kỷ niệm đẹp và khó có thể quên. Thời mới bước chân vào nghệ thuật chèo và làm việc tại Đoàn văn công Hà Sơn Bình, Văn Chương đã được tin tưởng giao cho nhiệm vụ đứng sau cánh gà và hát, còn diễn viên trên sân khấu chỉ biểu diễn cho đẹp mắt. Và cũng vì hát hay, truyền cảm quá nên mới có chuyện, sau buổi biểu diễn, khán giả tìm gặp không phải là người đứng dưới ánh đèn sân khấu mà lại là người đứng ẩn trong bóng tối. 

Cứ ngỡ rằng, người hát chầu văn hay và rung động như Văn Chương hẳn có ký ức tuổi thơ theo chân các bà các mẹ đắm mình trong những buổi hầu đồng đầy màu sắc tâm linh ấy thì anh lại không có điều này. Bù lại, việc học giỏi môn Văn từ những ngày còn đi học đã giúp anh có khả năng cảm thụ âm nhạc khá tốt. Mỗi khi tiếng nhị được kéo lên, tiếng đàn nguyệt gảy một âm thật ngọt vào không gian đình phủ huyền bí, Văn Chương thấy mình đang hóa thân vào nhân vật của mỗi giá đồng, mê đắm trong những câu hát huyền hoặc. Mỗi câu hát được cất lên, nghệ sỹ như rút ruột, rút gan truyền đến người nghe tâm trạng của nhân vật khi là cô Bé, cô Bơ hồn nhiên vui tươi, khi là ông Hoàng Bảy, Hoàng Mười oai phong lẫm liệt. 

Và sự khác biệt có thể tìm thấy giữa giọng hát của Văn Chương và các nghệ sỹ hát văn khác là sự trải chuốt, cầu kỳ và kỹ lưỡng trong từng từ, từng lời hát. Anh hát đấy nhưng còn là để trải hồn mình cùng người nghe. Thường lui tới nơi cửa thánh để biểu diễn, nơi không có ánh đèn sân khấu rực rỡ và sáng lóa như trong nghệ thuật chèo nhưng Văn Chương không vì thế mà cẩu thả, thiếu tôn trọng người nghe. Vẫn tự nhận mình là người khó tính trong nghệ thuật, anh sửa từng phách nhạc không khớp của các nhạc cụ và không thể cất lên giọng hát khi mọi thứ còn chưa theo ý muốn. Đặc biệt, việc giữ gìn những nét đẹp trong nghệ thuật hát văn từ lâu đã được anh cùng các nghệ sỹ của Đài Tiếng nói Việt Nam giữ gìn qua việc thu âm nhiều bài hát văn để phát trên làn sóng của các chương trình dân ca và nhạc cổ truyền. 

Không dám nhận “nổi tiếng”

Là người sống mạch lạc và không ưa sự hời hợt nên tính cách khẳng khái này cũng đi vào các bài hát văn do anh thể hiện. Sẽ không khó khăn gì để nhận thấy, Văn Chương hát văn rất có hồn, yêu ra yêu, ghét ra ghét, lẳng lơ ra lẳng lơ và chính chuyên ra chính chuyên. Gặp Văn Chương ngoài đời, nhiều người sẽ bất ngờ với một người hát văn lại chẳng hề “đồng bóng”. Anh thân thiện, cởi mở, sống chân tình và hay giúp đỡ mọi người. Gương mặt vuông vức và ăn hình của Văn Chương đã trở nên quen thuộc với những người yêu mến nghệ thuật truyền thống trên truyền hình. Ở anh, những tố chất cần thiết của một người làm nghề ca hát như: thanh-sắc-thụ-tinh-khí-thần đều hiện diện đầy đủ. Đôi mắt biết nói cùng kỹ năng thuần thục của người dày dạn kinh nghiệm biểu diễn buông câu nhả chữ, luyến láy đã lôi cuốn khán giả đến với các bài hát. 

Đặc biệt, không chỉ nổi tiếng với nhiều bài hát văn, các album về hát văn đã ra đời trước đó, Văn Chương còn là tay ngâm thơ nổi tiếng của Việt Nam và tay hát chèo có tiếng. Thế nhưng riêng với nghệ thuật hát văn, anh vẫn chỉ dám nhận mình là người hát được khán giả yêu mến và sợ đụng tới chữ “nổi tiếng”.