Nhạc sỹ Nguyễn Tuấn:

Nghệ sỹ phải sẵn lòng thể nghiệm, nhưng không "đẽo cày giữa đường"

ANTĐ - Một quãng đời nhiều va vấp, một cá tính ngang tàng kiêu bạc, những cơn oán giận và nhìn nhận lại với cuộc đời đã làm nên một Nguyễn Tuấn với một trái tim âm nhạc dữ dội, đa màu sắc và không thường lệ. Với gia tài khoảng 100 ca khúc ở đủ mọi thể loại, đủ mọi chất liệu khác nhau, chỉ một số ít người biết được rằng anh hoàn toàn chưa hề trải qua bất cứ một trường đào tạo âm nhạc chính quy nào, thậm chí những giai điệu đầu tiên đến với anh khi chưa hề biết đến hình nốt nhạc. Tuấn sáng tác nhạc như một sự thôi thúc trong nội tại, như một sứ mệnh buộc anh phải hoàn thành và ngày ngày nỗ lực để hoàn thiện một cách triệt để hơn; không đơn giản chỉ là để xứng đáng với danh vị Nhạc sỹ, mà còn để không cảm thấy hổ thẹn và thua kém với chính mình.

Gặp mặt và trò chuyện cùng nhạc sỹ Nguyễn Tuấn trong một ngày cuối năm rét mướt tại Hà Nội, anh đã có những chia sẻ rất giản dị nhưng chân tình về chính con người cũng như những quan điểm và cả những dự định âm nhạc sắp tới của mình:

- Chào anh, rất lâu rồi mới có dịp gặp lại anh tại Hà Nội. Nghe nói anh đã có một quãng thời gian khá dài sống và làm việc tại TP.HCM. Vậy điều gì đã đưa anh trở lại với khán giả thủ đô?

Nhạc sĩ Nguyễn Tuấn: Những chuyến đi của dân Nghệ sĩ chúng tôi thường thiếu tính nguyên tắc. Trước kia tôi cũng vậy, ngay từ đầu tôi đã nghĩ mình sẽ trở ra Bắc sau một vài tuần dạo chơi TP.HCM và coi đó như một chuyến du lịch ngắn ngày, nhưng niềm đam mê ca hát đã níu tôi ở lại. Cũng bởi chính bản thân tôi khi đó dồn nén quá nhiều năng lượng ca hát, tôi muốn chia sẻ và chỉ bằng cách đó mới có thể xả bớt năng lượng ra bên ngoài để mình có được một khoảng trống, một sự trống rỗng cần thiết và rộng đường chờ đón những giai điệu mới.
TP.HCM là vùng đất năng động để tôi hội nhập, chất Văn hóa “Du canh du cư” đã cho quãng đời du ca của tôi nhiều cảm xúc thăng hoa và nhận thức đúng đắn nhất về những điểm mạnh, điểm yếu của mình trong âm nhạc. Và sau khi nguồn năng lượng đã vợi đi như một chai rượu rỗng, tôi có nhu cầu lấp đầy nó. Tôi nhớ về đất Bắc như một con chuột mơ tưởng đến vựa thóc khổng lồ.
Hà Nội là vùng đất của nghìn năm Văn hóa, nó đậm đặc và nhiều chất xúc tác hấp dẫn để tôi tìm về, bởi nơi đây chưa bao giờ lãng quên tôi, và tôi cũng vậy. Sợi dây gắn kết giữa tôi với đất Bắc là Trúc Linh – con gái lớn của tôi hiện sống với mẹ cháu ở Hải Phòng, và những câu chuyện sâu cay nhiều kỷ niệm với anh em mang phong vị đặc trưng Văn hóa sông Hồng… Tôi nghĩ rằng mình đã tự tìm về nơi đây như một sự cần thiết, đúng đắn.

Nghệ sỹ phải sẵn lòng thể nghiệm, nhưng không "đẽo cày giữa đường" ảnh 1Nhạc sỹ Nguyễn Tuấn - tác giả của khoảng 100 ca khúc dù chưa từng bước chân qua trường nhạc (Ảnh do nhân vật cung cấp)

- Vậy còn với âm nhạc, việc thay đổi cuộc sống, môi trường, điều kiện sống có ảnh hưởng đến công việc sáng tạo của anh? Hay nói cách khác, TP.HCM và Hà Nội có gây cho anh sự dao động về tư tưởng hoặc nhận thức, dẫn đến sự thay đổi về cách anh tiếp cận với âm nhạc?

Nhạc sĩ Nguyễn Tuấn: Nếu mỗi ngày qua đi và tôi bắt gặp mình còn mỉm cười với cái ngô nghê của tư duy hôm trước, thì tức là trí óc tôi vẫn đang linh hoạt, uyển chuyển với những nhận thức chung… Những tháng ngày đầu tiên khi tay trắng lên Hà Nội lập nghiệp, tôi đã gặp nhiều khó khăn để duy trì cuộc sống, tôi nghĩ sẽ không vượt qua nổi, thì ngay ngày hôm sau nó đã vơi đi, dần dần nó tự biết mất, bởi tại Hà Nội, tôi có những người bạn tốt và đồng cảm trong thơ ca với tôi.
Điều tôi nói tưởng như ít tính liên quan tới âm nhạc, nhưng nó lại gắn liền với những sản phẩm âm nhạc của tôi. Bắt nguồn từ tư duy rằng “Sống là phải vui”, tôi tự tạo ra niềm vui và lấy trải nghiệm ra để làm nhạc bằng nhiều “ống kính” khác nhau khi nhìn nhận một vấn đề, cho nên những tác phẩm của tôi khá giàu cảm xúc, chân thực, và mang tính độc lập cao. Tôi nghĩ ở đâu cũng vậy, ví dụ: “Nếu tôi đang sống tại Việt Nam và nhìn cuộc sống bằng ánh mắt chán chường, để rồi nghĩ sẽ đi tìm niềm vui tại một nơi chốn khác… Sẽ là không công bằng, bởi - Khi anh với thái độ tiêu cực và không muốn thay đổi, thì đi bất cứ đâu anh cũng không tìm thấy sự thoải mái!”

- Sở hữu một gia tài khá lớn khoảng hơn 100 ca khúc, hầu hết những sáng tác đó đều được giới chuyên môn đánh giá rất cao cả về ca từ lần giai điệu, nhưngchưa thực sự có nhiều những sản phẩm của anh được đông đảo khán giả biết đến? Có bao giờ anh thấy buồn vì điều đó? Và theo anh lý do chính ớ đây là gì?

Nhạc sĩ Nguyễn Tuấn: Khi những sáng tác còn ít người biết đến, có nghĩa rằng tôi còn kiểm soát được chúng. Tác phẩm cũng giống con người, có đời sống riêng. Những tác phẩm khi chưa được nhiều người biết đến mang lý do riêng của nó, có vẻ như chúng cần tôi biên tập, chỉnh sửa lại cho trọn vẹn hơn…? Mà nếu quả thực là vậy thì tôi phải vui mới đúng. Tôi nói vậy bởi tôi là người cầu toàn trong âm nhạc của mình!


Nghệ sỹ phải sẵn lòng thể nghiệm, nhưng không "đẽo cày giữa đường" ảnh 2Sự khác biệt trong cách tiếp cận khán giả của nhạc sỹ Nguyễn Tuấn khiến các tác phẩm của anh chưa đến được với nhiều người(Ảnh do nhân vật cung cấp)

 - Là một nhạc sỹ tay ngang, không hề qua trường lớp chính quy về âm nhạc, đến với âm nhạc như một cuộc dạo chơi, một sứ mệnh rất tự nhiên, nhưng lại được giới chuyên môn đánh giá cao, vậy theo anh, viết nhạc đơn thuần để thỏa mãn đam mê, thỏa mãn cái tôi bản năng khác như thế nào với việc viết nhạc để hướng đến công chúng? Ngoài yếu tố truyền thông ngoại cảnh thì bản thân người nhạc sỹ cần thêm những yếu tố gì?

Nhạc sĩ Nguyễn Tuấn: Trong làng nhạc, tôi là kẻ tay ngang thực sự. Nhưng cách viết và cả cách thể hiện tác phẩm bằng cây Guitar, mà theo những người trong giới nghề, họ đều nhận thấy sự chín chắn trong cách tìm tòi chất liệu cho âm nhạc.
Theo tôi, cả hai khía cạnh “Viết để thỏa mãn cho sự đam mê chính mình” và “Viết để hướng đến công chúng” đều có khiếm khuyết vì tính định kiến và chủ quan của mỗi bên. Tôi thường viết nhạc bằng cả hai lý do trên, bởi tôi nghĩ tác phẩm cũng là sản phẩm, và phải coi cả hai điều đó như nhau. Tôi là người biết tự trau dồi nên ít nhiều cũng gọi là có nghề, và có cả “Nghiệp” trong âm nhạc nên không nghĩ rằng mình “dạo chơi” ở đây, những người có chuyên môn đã từng nghe nhạc của tôi sẽ hiểu khi tôi nói điều này. Còn yếu tố dẫn đến thành công lại là duyên phận mỗi người, có thể thành công đến sớm, hoặc muộn. Hoặc thành công (theo cách nghĩ của số đông) sẽ không tìm đến với mình. Nhưng trước hết, tôi cần phải hoàn thành sứ mệnh của mình để ít ra, cũng là sự thành công rất chính đáng giữa mình với đời. 

- Vậy thì, điều cần thiết và quan trọng nhất của một người làm âm nhạc nói riêng và nghệ thuật nói chung trong xã hội hiện nay là gì, theo anh?

Nhạc sĩ Nguyễn Tuấn: Là sẵn lòng thể nghiệm. Không “đẽo cày giữa đường”, phải lọc lõi để tìm hướng đi riêng trong cách viết, với thái độ cần bổ sung nhiều hơn nữa về những điều vui vẻ, thậm chí phải khơi dậy lý trí, khơi dậy tình yêu nhân sinh quan để nó thẩm thấu vào đời sống của mọi người. Chứ tôi nhận thấy trong văn học hay âm nhạc tại Việt Nam, người ta đã khai thác những tính chất buồn chán, não tình, sự nghèo nàn èo uột… và đã bị nói ra quá nhiều rồi. Tôi nghĩ nên để những việc mang tính tích cực lên tiếng nhiều hơn! 

- Là một nghệ sỹ được đánh giá là có bản năng rất mạnh mẽ, rất “ điên”. Điều đó có giống với anh trong đời thường? Và, điều gì giúp anh cân bằng giữa nghệ thuật và cuộc sống? Có bao giờ anh cảm thấy bị áp lực giữa tất cả những điều đó không?

Nhạc sĩ Nguyễn Tuấn: Bạn thử tưởng tượng về một viễn cảnh mà ở đó bạn không có những áp lực mà xem… Tôi nghĩ rằng nếu áp lực đi vắng, thì bạn chỉ chờ tuổi già đến thăm mà thôi. Bởi vậy, điều cảm thấy áp lực với tôi, là không còn áp lực nào trong cuộc sống. Áp lực như một ông thầy giáo đang nghiêm khắc uốn nắn mình, cho mình thêm sự dẻo dai để thích nghi với cuộc sống tốt hơn. Có thể âm nhạc của tôi mang sự điên cuồng, nhưng cái điên cuồng ấy nó có vẻ khác người, nhưng không phải là không giống người.
Thật ra thì tôi còn giữ được cho mình những yếu tố đặc trưng của bọn trẻ con vì tôi có thể thực sự làm bạn với chúng được… Khi có dịp ngồi đàn hát cho bọn trẻ và thấy chúng tương tác với mình bằng cách chăm chú lắng nghe, hoặc nhảy nhót và hát theo giai điệu của mình, tôi nhận thấy trong mắt bọn trẻ có biểu lộ sự quan tâm gì đó, như thể tôi đang làm những điều mang ý nghĩa tích cực nhất định…
Tôi thường xuyên hát cho Hoa Lê, con gái nhỏ của tôi mới hơn 1 tuổi, tôi tin vào sự thẩm định của cháu với các sáng tác của mình bằng chính cảm xúc mà cháu biểu lộ… Với tôi, con trẻ là người thầy trong sáng nhất để tôi lĩnh hội mà không phải mất một xu nào trả phí. 

- Nghe nói, anh đang bắt tay thực hiện một đêm nhạc lớn nhất từ trước đến nay của mình với những ca khúc nhạc tình nhẹ nhàng, sâu lắng. Ý tưởng nào đưa anh đến việc thực hiện đêm nhạc này? Đó có phải là một sự làm mới mình hay là một sự phá cách?

Nhạc sĩ Nguyễn Tuấn: Tôi là người nghiêm cẩn trong giai đoạn hình thành một tác phẩm, nhưng lại rất à uôm trong việc đưa tác phẩm đến người nghe. Chính vì vậy nên những đêm nhạc trước của tôi đều thiếu ý tưởng và tính chuyên nghiệp, hầu hết chỉ lệ thuộc vào bản năng của mình. Đêm nhạc lần này do vợ tôi – Lan Anh đưa ra ý tưởng, sau đó chúng tôi cùng một số anh em bạn bè thân thiết nhất trong giới văn nghệ sỹ là nhà thơ Nguyễn Thế Hoàng Linh, ban nhạc M6 (gồm nhạc sỹ Ngô Tự Lập, Nguyễn Lê Tâm, Nguyễn Thắng, Giáng sol…) và nhiều người anh em bạn bè khác cùng bắt tay thực hiện.
Tuy nhiên, ý tưởng về một đêm nhạc thực sự quy mô và thực sự chỉn chu cả về phần nghe và phần nhìn cũng được tôi ấp ủ từ rất lâu, nên sự kiện lần này có thể gọi là một bước tiến lớn trong sự nghiệp sáng tác của tôi, nó có ý nghĩa rất lớn với cá nhân tôi và những người yêu thích âm nhạc của tôi, một sự hồi sinh mạnh mẽ.
Tôi coi đây như một bước đệm để đưa những sáng tác tâm huyết nhất của mình tới gần khán giả hơn. Về phần âm nhạc, “Rời Tổ” bao gồm phần lớn là những ca khúc Pop được viết trải dài trong nghiệp sáng tác của tôi trong hơn 20 năm (1994 – 2015). Đây cũng có thể sẽ là một sự bất ngờ trong cách nhìn của nhiều người về một Tuấn Gà với dòng Dân gian đương đại đặc thù mà ít nhiều đã được định danh trong làng nhạc đất Bắc.

- Anh có thể chia sẻ thêm một chút thông tin về đêm nhạc này với khán giả được không ạ? Anh muốn gửi gắm điều gì tới khán giả qua sự kiện lần này?

Nhạc sĩ Nguyễn Tuấn: Đêm nhạc “Rời Tổ” dự định sẽ diễn ra vào tháng 3 tới tại Trung tâm văn hóa Pháp L’espace với  một ê-kíp thực hiện đáng mơ ước với không chỉ riêng cá nhân tôi… Họ là những người thực sự có tâm huyết và đam mê với nghề. Nhạc sĩ Trần Đức Minh, nhạc sĩ Giáng Sol tham gia vào đêm nhạc với vai trò Phối khí, Chỉ đạo Nghệ thuật và Cố vấn chương trình, Kịch bản sẽ do nhà thơ Nguyễn Thế Hoàng Linh (người được ví như Thiên tài của thi ca Việt Nam đương đại) chắp bút và tương tác với nhà báo-MC Trác Thúy Miêu để dẫn nhịp cho chương trình…
Về ca sỹ thể hiện, có những gương mặt lần đầu thể nghiệm với nhạc của tôi nhưng khiến tôi thực sự rất thích thú và bất ngờ, đó là ca sỹ Đinh Mạnh Ninh và nữ ca sỹ Minh Chuyên, ngoài ra cũng có những gương mặt rất trẻ nhưng đầy tài năng và đặc biệt dành cho nhưng ca khúc của tôi một sự ưu ái lớn, như ca sỹ Hà Minh Tiến (quán quân SMĐH 2014), nữ ca sỹ Hoàng Thu Trang, ca sỹ Tuấn Dũng Idol … Tất cả đều đồng tâm giúp sức cho đêm nhạc của tôi bởi chúng tôi trân trọng nhau bằng cả cái cái tài và cái tâm. Có thể nói, toàn bộ ekip chương trình đều là những gương mặt mà tôi cảm thấy thực sự yên tâm khi gửi gắm những đứa con tinh thần của mình.

 

Nhạc sỹ Nguyễn Tuấn và nhóm M6
- Khán giả Hà Nội đã biết đến một Tuấn gà với những ca khúc rất “ dị” và “ quái” qua những đêm nhạc trước đây của anh như “ Tiếng gáy thời gian”, “ Đêm ngoại ô” hay “ Hà Nội cúc vàng”, những sản phẩm đó hầu như đều nhận được sự thích thú và khen ngợi của khán giả. Vậy, anh có nghĩ những ca khúc Pop hoàn toàn khác lạ mà anh chọn để đưa ra trong đêm nhạc lần này sẽ nhận được sự đón nhận của khán giả Hà Nội vốn rất khắt khe và tinh tế?

Nhạc sĩ Nguyễn Tuấn: Có lẽ đặc tính trong tác phẩm của tôi cũng rất Hà Nội, đó chính là tính khắt khe và đôi phần tinh tế, vì vậy tôi đã chọn Hà Nội để làm nhạc và sinh sống tại đây. Tôi cũng hy vọng nhận được sự cổ vũ của khán giả khi đón nhận dòng nhạc Pop mà tôi đã tâm huyết viết ra trong nhiều năm qua. Tuy nhiên ở cuối chương trình, để tăng độ “ép phê”, khán giả cũng sẽ được tặng kèm một số ca khúc nhạc thể nghiệm của tôi nhưng được phối khí hoàn toàn mới lạ, rất độc và rất chất. Đảm bảo “không say không về” (cười).

- Trong thời gian tới đây, màu sắc âm nhạc nào là chủ đạo anh sẽ chọn để hướng đến? Và những dự định của anh trong thời gian sắp tới là gì? 

Nhạc sĩ Nguyễn Tuấn: Dự định gần của tôi là bắt tay thực hiện một album nhạc Pop mà phần lớn là những ca khúc tôi sẽ đưa ra trong đêm nhạc lần này, đó cũng là nguyện vọng của tôi từ rất lâu rồi mà bây giờ tôi mới có dịp thực hiện. Xa hơn một chút, có thể cuối 2015 hoặc đầu 2016, tôi sẽ tiếp tục với một đêm World Music gồm những bài nhạc mang chất quái cùng với một DJ tên tuổi của Việt Nam. Tôi hi vọng sẽ nhận được sự yêu thương và đón nhận của khán giả Hà Nội cũng như khán giả cả nước.

- Cảm ơn anh. Chúc anh có nhiều thành công hơn nữa trên con đường âm nhạc của mình!