Ngao ngán "cầu thủ thứ 12"

ANTĐ - Ở V-League bây giờ, cổ động viên (CĐV) có thể xem như một nghề có thể kiếm rất nhiều tiền. Và cũng từ đây xuất hiện nhiều câu chuyện cười ra nước mắt.

Ngao ngán "cầu thủ thứ 12" ảnh 1Tờ giấy cho thấy sự mâu thuẫn, kỳ thị lẫn nhau giữa 2 hội CĐV cùng của Bình Dương xuất hiện trong trận đấu vòng loại AFC Champions League chiều 24-2

Rất nhiều CĐV Bình Dương khi đến sân cổ vũ đội nhà trong trận vòng bảng AFC Champions League 2015 gặp CLB Shandong Luneng (Trung Quốc) tối 24-2, không khỏi bức xúc khi nhận được tờ giấy có in hình một số thành viên chủ chốt của hội kèm yêu cầu không được mang băng-rôn, cờ, trống vào sân cổ vũ… cùng nhiều lời lẽ sặc mùi kỳ thị. Những tờ giấy này được phát ra từ một hội CĐV khác của CLB Bình Dương. Sự việc làm lộ ra nhiều chuyện dở khóc dở cười giữa 2 hội CĐV của cùng một đội bóng nhưng khác chí hướng. Như trong trận đấu vòng 7 V-League trên sân Long An hôm 8-2, một nhóm CĐV Bình Dương hò reo sôi động, trong khi nhóm còn lại thì ủ rũ dù cùng đến sân cổ vũ đội nhà, khiến người chứng kiến ngao ngán. Tình trạng một đội bóng có hội CĐV chia bè phái, mâu thuẫn nhau không chỉ diễn ra ở đội Bình Dương.

Vài mùa bóng trở lại đây, việc thành lập Hội CĐV nở rộ ở nhiều đội bóng, kéo theo đó là những tranh giành quyền lợi. Hội CĐV nào được CLB công nhận chính thức sẽ có tiền tài trợ, được bán các sản phẩm cổ động mà theo tiết lộ của lãnh đạo một Hội CĐV: “Nếu ở đội bóng khá giả, tiền Hội CĐV thu về mỗi năm không dưới 1 tỷ đồng, chưa kể 100 triệu đồng do BTC V-League trao thưởng cho Hội CĐV xuất sắc nhất giải”. Cũng bởi những khoản lời khó cưỡng mà CĐV giờ được xem như một nghề ở V-League. Giới CĐV phía Nam truyền tai nhau về trường hợp một CĐV ở TP.HCM tranh thủ về tỉnh gần nhằm có tên trong danh sách ban chấp hành, rồi tìm cách lôi kéo, lật đổ các thành viên của địa phương để nắm quyền. Khi không được thì tách riêng, lập đội CĐV khác để cổ vũ cạnh tranh. Hoặc nhiều CĐV tuần này cổ vũ đội A nhưng tuần sau lại khoác áo cổ vũ đội B chịu chi hơn, dù 2 đội là kình địch. Đằng sau những hằm hè trên sân đôi khi là cả những đe dọa kiểu “xã hội đen” ở ngoài đời, nhắm vào những người phụ trách Hội CĐV đối phương.


Ngao ngán "cầu thủ thứ 12" ảnh 2Hai nhóm CĐV Bình Dương việc ai nấy làm dù đang cùng cổ vũ đội nhà trong trận làm khách trên sân Long An ngày 8-2

Đem thực trạng đáng buồn trên hỏi một thành viên BTC giải thì được trả lời: “Đó là chuyện nội bộ của các CLB, BTC không thể can thiệp”, còn lãnh đạo một đội bóng thừa nhận đó là tất yếu của thời kỳ quá độ lên bóng đá chuyên nghiệp trong cơ chế kinh tế thị trường. Và cứ thế trên khán đài V-League vẫn tồn tại những người khoác áo CĐV, nhân danh tình yêu bóng đá để vụ lợi. Động cơ xấu xí đó không chỉ bôi nhọ hình ảnh đội bóng mà còn làm xấu hình ảnh và phủ nhận đóng góp của những CĐV chân chính.