Hà Nội thời bao cấp qua khung “Cửa sổ”

ANTĐ - “Tôi không nhớ đã có bao nhiêu giấc mơ mà trong ấy tôi bay được và bay qua cái cửa sổ đó, bay rất cao và nhìn cả Hà Nội trải ra bên dưới” - họa sỹ Tạ Huy Long đã tâm sự như thế trong lời đề tựa cuốn truyện tranh “Cửa sổ” - một tác phẩm nghệ thuật chân thực, nhưng giàu chất thơ về cuộc sống của một cậu bé sống trong khu phố cổ Hà Nội thời kỳ bao cấp, được vẽ nên từ câu chuyện thật của chính anh.

Hà Nội thời bao cấp qua khung “Cửa sổ” ảnh 1Hình ảnh quen thuộc của phố phường Hà Nội thời bao cấp trong “Cửa sổ”

Nhìn thế giới qua ô cửa sổ

Khởi nguồn từ một dự án do Đan Mạch tổ chức, mỗi người đưa ra một ấn tượng thời thơ ấu, Tạ Huy Long đã thực hiện dự án truyện tranh “Cửa sổ” dựa trên câu chuyện của chính anh khi sống trong khu phố cổ Hà Nội. Ngày ấy, không chỉ riêng anh mà hầu như đứa trẻ nào trên phố khi bố mẹ đi làm thường cũng bị khóa cửa nhốt trong nhà. Anh tâm sự: “Nếu chúng tôi đi học buổi sáng thì bị nhốt buổi chiều, nếu đi học buổi chiều thì bị nhốt buổi sáng. Gia đình anh sống ở phố Hàng Bồ, trong căn phòng nhỏ chỉ hơn chục mét vuông vốn được cơi nới từ một khoảng không để hàng hóa.

Ban đầu căn phòng không có cửa sổ, về sau bố mẹ anh xin phép trổ được một cái cửa sổ ở tít trên cao. Cũng bởi vậy, cậu bé sống trong cảnh tù túng, tối tăm, chỉ quanh quẩn tự bày ra những trò chơi để tránh nhàm chán, lúc thì đọc sách, lúc thì thầm thì kể những chuyện ma quỷ, hay chơi cờ   ca-rô, bắn máy bay qua những tấm vách với đứa trẻ nhà kế bên. Bởi thế, cửa sổ là thứ duy nhất để cậu bé trông ra bên ngoài, để cho những mơ ước, tưởng tượng được bay đến thế giới bên ngoài. 

Kể câu chuyện của trẻ em thời bao cấp, nhưng dường như bất cứ độc giả nào cũng nhận ra ý nghĩa nhân văn trong câu chuyện ấy vẫn còn nóng hổi, khi trong xã hội hiện đại có rất nhiều trẻ em bị cô độc trong chính căn nhà của mình, chịu cảnh tù túng giữa những bức tường hẹp, khiến cho những ước mơ, những niềm mong mỏi được vui chơi, được khám phá thế giới bị chôn vùi. 

Hà Nội thời bao cấp qua khung “Cửa sổ” ảnh 2Ước mơ của cậu bé gửi cả ở khung cửa sổ

Bay vào vũ trụ 

Cuốn truyện tranh không chỉ cho thiếu nhi, đó là chia sẻ của tác giả Tạ Huy Long với dự án “Cửa sổ”. Lấy bối cảnh Hà Nội những năm 1980 với những nét vẽ trong sáng, tươi mới nhưng cũng đầy chân thực, tác phẩm đã làm sống dậy trong những người dân Thủ đô những ký ức thân quen của thời kỳ bao cấp. Đó là hình ảnh những mái ngói lô xô, những căn nhà cũ kỹ, tàu điện leng keng… Đó là buổi sáng tấp nập ở nơi phố phường, với những người dân tất bật mua bán, kháo nhau những thông tin ít ỏi họ có được, từ giá cả các mặt hàng, cho đến việc Phạm Tuân bay vào vũ trụ - một trong những sự kiện “chấn động” nhất lúc bấy giờ. 

Không chỉ miêu tả một Hà Nội lung linh, đáng yêu, đáng sống, Tạ Huy Long cũng phản ánh một khía cạnh khác về Thủ đô thời kỳ “nước lọ cơm niêu”, khi cuộc sống của người dân còn lam lũ, khó khăn. Đâu đó là những căn phòng chật hẹp, được ngăn tạm bợ bởi nào phên, nào vách, những vật dụng sinh hoạt tồi tàn từ bát ăn cơm, phích đựng nước… Rồi những con ngõ dài hun hút, mà mỗi đứa trẻ bước vào đó đều cảm giác như một đường hầm vô tận, chỉ muốn chạy thật nhanh để thoát khỏi bóng tối. 

Nhưng chính trong cảnh sống có phần buồn tẻ ấy, nhân vật trong truyện lại tìm thấy ước mơ, dù chỉ gửi gắm rất kín đáo qua sự bàn tán xôn xao của mọi người về việc người Việt Nam bay vào vũ trụ, vốn đã là thần tượng trong mắt các cô bé, cậu bé lúc bây giờ hay rõ hơn là hình ảnh ông châu chấu khổng lồ đến đón cậu bé qua ô cửa sổ, đưa cậu đến thế giới của mơ ước và tưởng tượng. Yếu tố kỳ ảo và hiện thực đan xen, lúc bùng nổ ánh sáng, lúc bủa vây bóng tối đưa người đọc vào những tầng sâu của suy ngẫm và liên tưởng, thoát ra khỏi  

mô-tuýp của tranh truyện thông thường.