Fan “cuồng” và những giọt nước mắt tuổi trẻ

ANTĐ - Tháng 6-2001, trong trận chung kết SeriA lịch sử, AS Roma gặp Parma, phút 84 hàng trăm khán giả bỗng tràn xuống sân đuổi theo cầu thủ để ôm hôn. Vài phút sau, khi trật tự được lập lại, nhiều cầu thủ bị lột mất áo thi đấu, riêng Francesco Totti thì gần như không còn gì trên người… Cách ăn mừng của các cổ động viên trận chung kết năm đó dù có phấn khích nhưng… vui. 

Fan “cuồng” và những giọt nước mắt tuổi trẻ ảnh 1Nhiều bạn trẻ bật khóc khi được gặp những ngôi sao ca nhạc Hàn Quốc tại sân bay Nội Bài

Mỗi khi bóng lăn, dù là World Cup hay Euro, dù là Champions League hay các giải vô địch lớn như Primes League, La Liga, Seri A, Bundesliga… thì có cả triệu trái tim người hâm mộ trên thế giới hòa cùng nhịp đập. Rất nhiều nước mắt, nụ cười, những cung bậc cảm xúc vỡ òa cùng bước chạy của 22 cầu thủ dưới sân. Không ai lý giải nổi tại sao người ta lại cuồng si đến mức khi đội bóng mà mình hâm mộ thua cuộc thì thất vọng đến nỗi ôm tivi nhảy lầu tự tử như trường hợp của một vài cổ động viên Nam Mỹ. Có lẽ vì thế mà bóng đá được mọi người gọi là môn thể thao “vua” và người hâm mộ là những tín đồ. 

Quay trở lại với chuyện nước mắt người hâm mộ. Mấy hôm nay ở nước ta, nhiều phụ huynh, chuyên gia tâm lý, nhà giáo dục học… đã phải đưa ra quan điểm, để lý giải, để phân tích về cái sự khóc của những học sinh… khi được xem một số ngôi sao ca nhạc Hàn Quốc đến Hà Nội trình diễn. Đa phần các bậc phụ huynh đều ngỡ ngàng, thậm chí giận dữ khi thấy con mình nức nở khi được gặp thần tượng. Rất nhiều trách móc: “Chẳng lẽ nước mắt là thứ dễ rơi đến thế sao?”, “Những ngôi sao mà bạn yêu đến phát cuồng như thế có thăm hỏi khi bạn ốm đau, ở bên bạn những lúc thành công hay thất bại không?”, “Bạn chờ đợi, nhưng đáp lại là sự lạnh lùng, không một cái vẫy tay của thần tượng liệu có đáng không?”… Bên cạnh đó, cũng có nhiều ý kiến bênh vực rằng không nên quá khắt khe, những người trẻ tuổi cũng mạnh dạn bày tỏ quan điểm và suy nghĩ của mình. 

Hôm trước, thật tình cờ, tôi ngồi café cùng họa sĩ Thành Chương, ông bảo tuổi trẻ thì không có đúng có sai vì các cụ xưa từng bảo “Khôn đâu tới trẻ, khỏe đâu tới già”, chỉ có người lớn chúng ta là sai. Sai vì chúng ta đã không hiểu được tâm tư tình cảm của lớp trẻ. Chúng ta luôn kể về thời của chúng ta một cách đầy tự hào, đầy nhiệt huyết và hừng hực lửa, nhưng rồi con cháu chúng ta hoặc là im lặng nhẫn nại nghe, hoặc là phẩy tay thôi bố, mẹ, ông, bà… đừng nói về cái thời đã xa đó. Mỗi thời một khác, tâm tư, suy nghĩ, thế giới quan đều khác. Chúng ta chỉ có thể hiểu được lớp trẻ khi kéo gần được khoảng cách các thế hệ, càng gần càng tốt, có thể ngồi xuống trò chuyện với chúng như những người bạn, tin cậy. Khi đã trò chuyện, đã mở lòng thì dù đó là những giọt nước mắt hồn nhiên và nông nổi của tuổi trẻ hay những câu chuyện “ngày xưa xa ngái” cả hai thế hệ mới có thể hiểu và cảm thông cho nhau. Nữ nhà văn Trang Hạ thì từng nói đại ý thế này, 18 tuổi có thể yêu say đắm ai đó tưởng như chết được, nhưng khi bạn 30 tuổi thì có chết cũng không lấy người mà mình đã yêu năm 18 tuổi. Những cô gái đã khóc khi gặp thần tượng của mình cũng vậy. Có thể vài năm sau khi họ trưởng thành, nhìn lại mình và cười ngất và tự hỏi vì sao mình lại khóc?

Chỉ đơn giản thế thôi và tuổi trẻ đâu có tội tình gì!