“Dó” và những điều tự do như gió...

ANTĐ - Giấy dó là một chất liệu quen thuộc, gần như các họa sĩ đều đã vẽ qua. Một chất liệu có thể nói rằng dễ vẽ nhưng lại khó thành. Chất của loại giấy này mong manh quá, yếu đuối quá, đỏng đảnh, “tình cờ” quá, run rẩy quá. Chiều nó thì dễ sa vào “điệu”, nhất là cái lòe nhòe, mờ ảo, mơ mộng của giấy dó dễ lừa mắt, nịnh mắt, nên cũng dễ gây cảm giác “tưởng là đẹp”. 

“Dó” và những điều tự do như gió... ảnh 1Tranh tham dự triển lãm của họa sĩ Lê Thiết Cương

Thế là, không ít người đã sa vào cái bẫy này, mà nếu làm ngược lại thì còn gì là giấy dó nữa. 

Chất liệu nào thì ngôn ngữ đó. Mỗi chất liệu đều có cái dễ và khó của nó. Đó là cái nết của từng loại. Hiểu nhau, vào được trong nhau, cảm được nhau thì thành.

Thế có nghĩa là người cầm bút phải “luyện công” để yêu được mà cũng ghét được chất của dó, buông lỏng, thõng tay mà cũng vẫn chế ngự được dó. Tóm lại, nghệ sĩ hài hòa, cân bằng và chế ngự chất liệu dó được thì sẽ thành. Vẽ với giấy dó tốt nhất nên “kiệm”, vẽ mà như không vẽ gì. Thế nhưng, đó vẫn là lý thuyết, bởi nghệ thuật đồng nghĩa với phá cách, nổi loạn, là làm khác, là sáng tạo. Cho nên, cái gì là lý thuyết, là công thức có nghĩa nó chả còn là nghệ thuật nữa. Và Triển lãm “Dó” với 6 họa sĩ là 6 tìm tòi, 6 “phá hoại”, 6 phản tỉnh. Mỗi người một cách dò dẫm, phiêu lưu ít nhiều đi tìm hướng khác cho dó. 

Hoàng Phượng Vỹ chuyên với chất liệu sơn dầu trên vải bấy lâu nay, bỗng dưng “trở mặt”, lao vào giấy dó, nhưng không phải là mầu nước trên dó mà là bột mầu. Vẫn cái bảng mầu mạnh, thời gian gần đây có vẻ như Vỹ “hồi họa”, tương phản nóng lạnh, xanh đỏ tím vàng, tưng bừng, chói chang, rực thắm hơn hẳn giai đoạn trước.

Đinh Ý Nhi là người chuyên sơn dầu đen - trắng mấy chục năm nay. Lần này, chị góp mặt với “Dó” bằng 3 tác phẩm, vẫn là đen - trắng, nhưng là mầu nước và bột mầu trên giấy dó. Những người vẽ giấy dó đều mặc định rằng mầu của giấy là mầu sáng nhất, tương đương là trắng nhưng Nhi lại coi mầu ngà giấy dó là trung gian để nối đen và trắng (bột mầu) lại với nhau. Hiệu quả của nó là đen trong hơn, trắng đục hơn  và mầu giấy dó sẽ ngà hơn.

Phương Bình lại là một họa sĩ sống chết với giấy dó, chỉ mực nho trên giấy dó. Chị tận dụng, khai thác đến kiệt cùng những gì là thế mạnh của giấy dó, mềm mại, ảo huyền, ướt át… và rất hợp với đề tài khỏa thân nữ.

Tào Linh cũng chỉ mực nho trên giấy dó. Nhưng Linh khác ở chỗ ít khai thác hiệu quả nhòe mà chú tâm vào nét. Với thủ pháp tương phản của nét khô, nét ướt, đọng, rớt, Tào Linh cô đọng phần hình, chắt lọc nó để tôn mầu nền đặc thù của giấy dó.

Doãn Hoàng Lâm đã đi qua một quãng đường dài với nhiều chất liệu: sơn dầu, acrylic, cắt hình phim X-quang… Lần này, Lâm thể nghiệm một cách mới với giấy dó bằng chuỗi thao tác, vẽ hình trên giấy dó ướt để khai thác tối đa độ nhòe rồi xé, dán lại trên toan đã được vẽ một số hình, mảng miếng. Cách pha trộn này rất mới, tạo ra những hiệu quả thị giác nhất định với hướng tìm này. Người xem hy vọng Doãn Hoàng Lâm có thể đi được dài.

Và tôi - Lê Thiết Cương tham gia Triển lãm “Dó” bằng vài bức tranh khắc gỗ, in độc bản trên giấy dó. Tôi nghĩ thế này, dó là một chất liệu bản năng, ưa tự do vì cây dó chỉ sống được ở vùng cao nơi có nhiều sương gió, giữa đất trời, tự nhiên, thiên nhiên. Dó tự do như gió, lãng đãng như gió. Khắc, khuôn là đa bản nhưng vẽ mầu lên ván khắc rồi in kiểu khuôn ngửa để không bị đè mầu xuống mà nhổ mầu lên thì sẽ “mất trật tự”, sẽ hợp với giấy dó. Có thể thế chăng?

Đường ai nấy đi, nhưng dẫu thế nào thì mỗi người trong 6 họa sĩ chúng tôi vẫn đi riêng trên hành trình chung - đó là giấy dó. Chúng tôi đều muốn làm mới một chất liệu cũ. Chúng tôi đều muốn làm khác một chất liệu đã quen. Chúng tôi đều muốn làm mới và làm khác cho giấy dó.