Đem thóc đãi gà rừng?

ANTĐ - Thể thao TP.HCM đang nóng chuyện rót tiền tỷ đầu tư cho tuyển taekwondo nhưng khi các VĐV “đủ lông đủ cánh” thì lại được đưa đi thi đấu lấy thành tích cho đơn vị khác.

Đem thóc đãi gà rừng? ảnh 1Việc chuyển nhượng VĐV quá đà khiến taekwondo TP.HCM được đầu tư hàng tỷ đồng nhưng chỉ giành 1 HCV 

Cụ thể, tại Đại hội TDTT toàn quốc 2014, VĐV Nguyễn Quốc Minh giúp đoàn Bình Phước giành HCV quyền cá nhân, nhóm 3 VĐV Phước Đại - Nguyên Bảo - Chí Khanh giành HCV quyền đồng đội nam trong màu áo Cà Mau. Việc cho mượn các VĐV giỏi khiến taekwondo TP.HCM dù được đầu tư hàng tỷ đồng mỗi năm nhưng lại xếp chung cuộc hạng 5 tại đại hội vừa qua với duy nhất 1 HCV biểu diễn đồng đội nữ. Vụ việc càng được chú ý hơn khi tại cuộc họp nội bộ Sở VH-TT&DL TP.HCM hôm 12-1, ông Nguyễn Hùng - Phó giám đốc Sở đã chất vấn người đồng cấp là ông Mai Bá Hùng: “VĐV ăn lương TP.HCM lại đi đánh cho tỉnh khác là chủ trương của ai? Liệu có việc mua bán huy chương không khi TP.HCM bỏ cuộc trong trận chung kết quyền đồng đội nam?”.

Có thể thấy căn nguyên vụ việc trên đến từ bệnh hám thành tích của một số địa phương, đơn vị. Thay vì tự mình đào tạo VĐV, các đơn vị này chọn cách mua (hoặc mượn có thỏa thuận) từ các đơn vị khác về thi đấu giải theo mùa vụ. Số tiền mua một VĐV giỏi về thi đấu chắc chắn ít hơn tiền phải bỏ ra để tự đào tạo (trung bình đào tạo một lứa trẻ, sau 5-7 năm mới được 1 VĐV có khả năng giành HCV các giải trong nước). Nhưng chính cách làm “ăn xổi thành tích” này khiến tiêu cực ngày một nhiều, kéo tụt sự phát triển sâu rộng của thể thao nước nhà. Còn các địa phương dùng tiền ngân sách để nuôi VĐV sau đó đem bán/cho mượn để thu về tiền chuyển nhượng. Và bên cạnh chất vấn “có hay không chuyện mua bán huy chương” của Phó giám đốc Sở VH-TT&DL Nguyễn Hùng với người đồng cấp, vấn đề đang đặt ra ở vụ việc của tuyển taekwondo TP.HCM: Những khoản tiền chuyển nhượng VĐV có quay vòng để phục vụ việc phát triển thể thao TP.HCM hay… chảy vào túi cá nhân?

Chuyên gia Nguyễn Hồng Minh - nguyên Trưởng đoàn thể thao Việt Nam: “Không thể cấm mua bán VĐV”

Vệc chuyển nhượng VĐV là xu hướng tất yếu, không thể ngăn cấm được. Điều lệ Đại hội TDTT quy định các VĐV chuyển nhượng trước 1-1-2014 được phép thi đấu cho đơn vị mới. Nhưng nếu thực sự các VĐV từ sau 1-1-2014 vẫn hưởng tiền trợ cấp, tập luyện, hưởng lương của TP.HCM mà lại thi đấu cho đơn vị khác như báo chí thông tin thì rõ ràng không tuân thủ nguyên tắc chuyển nhượng. Môn bóng đá đi đầu về chuyển nhượng HLV, cầu thủ và chẳng ai phàn nàn bởi vì có quy chế chặt chẽ. Còn ở thể thao đỉnh cao, bắt nhịp xu hướng này chậm hơn nên mới xảy ra những rắc rối, lùm xùm quanh chuyển nhượng mà vụ việc ở tuyển taekwondo TP.HCM chỉ là một ví dụ. 

Giáo sư Dương Nghiệp Chí - nguyên Cục trưởng Cục TDTT: “Phải có quy chế chuyển nhượng chặt chẽ”

V  iệc chuyển nhượng VĐV trong các đại hội TDTT toàn quốc mới chỉ xảy ra trong vài năm trở lại đây. Theo đó, các địa phương có thể mua/bán VĐV từ đơn vị khác để thi đấu. Sự phát sinh này xuất phát từ nhu cầu tất yếu phải có ở thời kinh tế thị trường. Vì vậy, không thể cấm đoán được. Vấn đề là chúng ta quản lý như thế nào cho đúng hướng. Hiện nay chưa có quy chế Nhà nước về vấn đề chuyển nhượng, tranh chấp VĐV nên mới xảy ra những vụ việc như ở môn taekwondo tại Đại hội TDTT toàn quốc mà báo chí phản ánh vừa qua. Tôi đề nghị việc chuyển nhượng VĐV phải có luật lệ, quy chế chứ không thể chỉ dựa vào điều lệ của từng đại hội, giải đấu cụ thể. Và Tổng cục TDTT hay Ủy ban Olympic Việt Nam là đơn vị chịu trách nhiệm đề ra và áp dụng quy chế này.

Ông Trần Đức Phấn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT: “Từ đại hội sau, chắc chắn sẽ không còn hiện tượng này”

Những vấn đề có thể phát sinh trong quá trình chuyển nhượng VĐV, chúng tôi đã nhìn thấy từ các kỳ đại hội TDTT toàn quốc trước và ở đại hội năm 2014 đã siết chặt được một phần. Bản thân Tổng cục TDTT đã hoàn tất việc xây dựng phương án tổ chức đại hội TDTT toàn quốc năm 2018, trong đó xây dựng điều lệ khung áp dụng xuyên suốt cho tất cả các kỳ đại hội, bao gồm cả các quy định về chuyển nhượng VĐV. Theo đó, việc chuyển nhượng vẫn được diễn ra nhưng bắt buộc đơn vị được chuyển nhượng phải có hệ thống đào tạo VĐV của môn đó, chứ không phải anh chẳng đào tạo gì rồi đến giải lại đi mua VĐV nơi khác về đấu lấy thành tích. Chúng tôi khẳng định, chắc chắn những sự vụ tương tự như ở tuyển taekwondo TP.HCM vừa qua sẽ không xảy ra từ đại hội tới, năm 2018.    

Tổng cục TDTT chưa nhận được báo cáo

Trước tính chất nghiêm trọng của vụ việc, ngày 28-1, Tổng cục TDTT đã gửi văn bản cho Sở VH-TT&DL TP.HCM, Liên đoàn taekwondo TP.HCM yêu cầu phải sớm báo cáo cụ thể bằng văn bản. Trao đổi với phóng viên vào chiều qua (29-1), Phó giám đốc Sở VH-TT&DL  TP.HCM Mai Bá Hùng cho biết, đang thu thập thông tin để sớm giải trình với Tổng cục TDTT nên chưa thể nói gì. Cùng ngày, Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng cho biết phải chờ báo cáo của Sở VH-TT&DL TP.HCM mới đưa ra hướng xử lý tiếp theo.