Cuộc tình buồn của người đàn bà nặng duyên với Trịnh Công Sơn

ANTĐ - Với những người yêu nhạc Trịnh ở Hà Nội, Khánh Lê không còn là một cái tên xa lạ. Giọng hát khàn khàn liêu trai, đôi mắt ướt và buồn thăm thẳm...

Người đàn bà ấy giống như con tằm vẫn từng đêm rút rụột nhả ra những lời ca chất chứa đầy tâm sự, và cũng để trút những nỗi niềm riêng bằng lời ca tiếng hát.

Âm nhạc của Trịnh Công Sơn đã cứu rỗi linh hồn tôi trong những phút giây tuyệt vọng nhất

Đã rất nhiều lần ngồi dưới khán đài nghe chị hát, trong những quán trà lung linh đèn nến, trong những đêm hội ngộ, trong những buổi biểu diễn ca nhạc lớn nhỏ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác nhàm chán bởi mỗi lần biểu diễn, tiếng hát chị lại mang đến một cảm xúc khác. Khánh Lê nói rằng, mỗi ngày được đứng trên sân khấu là một ngày chị được sống, được thỏa mãn với những khát khao của chính mình.

Với Khánh Lê, nhạc Trịnh giống như một mối duyên từ kiếp trước, giống như một câu hát đầy day dứt của ông: “Ta biết em trong tiền kiếp với cọng buồn cỏ khô”.

Năm 1975, khi cuộc kháng chiến trường kì của dân tộc vừa kết thúc, cũng là lúc cô bé Lê vụt trở thành thiếu nữ. Vốn đam mê ca hát từ nhỏ, cô nữ sinh Hà Thành cùng với những người bạn của mình đã lập nhóm biểu diễn với mục đích đem lời ca tiếng hát cổ vũ cho mọi người hăng say lao động sản xuất, xây dựng đời sống mới. Họ hát những ca khúc chính trị, hát những bài dân ca, những bản tình ca và cả những ca khúc nước ngoài. Hát để thể hiện niềm đam mê, tình yêu với cuộc sống này và truyền những cảm hứng đó tới những người khác chứ không phải để cầu sự nổi tiếng.

 

Lê còn nhớ rất rõ, lúc bấy giờ chị còn chưa biết Trịnh là ai, chỉ biết tới những bài hát của Khánh Ly trong “Sơn ca 7” mà một người bạn may mắn đem được từ Sài Gòn về tới Hà Nội. Những ca từ đầy chất thơ của ông đã tạo nên một ấn tượng đặc biệt với chị: “Gọi nắng cho cơn mê chiều nhiều hoa trắng bay, cho tay em dài gầy thêm nắng mai,... áo xưa dù nhàu cũng xin bạc đầu gọi mãi tên nhau”, “Trên bước chân em âm thầm lá đổ, chợt hồn xanh buốt cho mình xót xa”. Nhưng ngày đó, nghe và hát Trịnh vẫn còn là một điều cấm kị, chỉ có thể tập và hát cho nhau nghe một cách bí mật, chị chưa từng nghĩ rằng có ngày được tương ngộ cùng người nghệ sĩ tài hoa xứ Huế này.

Ấy vậy mà điều đó lại trở thành sự thật, lại không chỉ một lần. Năm 1983, chị hoàn toàn bất ngờ khi một buổi tối có hai người đàn ông tìm đến nhà tìm mình, một trong hai người đó là nhạc sĩ Trần Long Ẩn chị đã quen biết từ lâu, người đàn ông kia thì cao gầy, điềm đạm, nói giọng Huế, trông rất là nghệ sĩ. Ông tự giới thiệu mình là Trịnh Công Sơn và xin phép mẹ để chị có thể tham gia vào buổi giao lưu cùng những người bạn hôm đó. Hóa ra những người bạn trong nhóm ca khúc chính trị đã bằng những mối quan hệ quen biết bắt được liên lạc với Trịnh và mời ông một chuyến ra thăm Hà Nội. Cái tên Khánh Lê vô tình đến được tai người nhạc sĩ tài hoa. Không phụ sự kì vọng của ông, Lê đã hát với tất cả nhiệt huyết và tài năng của mình, như một người đàn bà đang yêu, thậm chí quên mất những đầu ngón tay rỉ máu vì dây đàn hoen rỉ. Đêm đó chị chỉ hát hai bài nhưng đã khiến Trịnh Công Sơn phải thốt lên: “Cám ơn em vì đã thổi những ngọn lửa mãnh liệt nhất vào nhạc của anh” như một sự tri ngộ với người con gái đất Bắc.

Chị bảo, có lẽ không phải mình tìm đến với nhạc Trịnh mà chính Trịnh đã đến và khai hóa cho mình. Rồi cứ thế, những ca khúc của ông trở nên thân thiết và gắn bó mỗi khi chị hát. Giữ mối liên lạc với nhau, đến năm 1990, chị một mình lên tàu vào Sài Gòn chơi theo lời mời của Trịnh. Ông dẫn chị đến gặp gỡ những người bạn của mình: Nhạc sĩ Phạm Trọng cầu, Từ Huy, Trần Long Ẩn... Tất cả đều đã trở thành kỉ niệm khó phai trong lòng chị.

Đến bây giờ, sau bao nhiêu năm ôm đàn hát, cảm xúc của chị vẫn như còn nguyên vẹn. Giọng nói ấy, con người ấy, tình cảm ấy vẫn như còn đang hiển hiện trước mặt. Nhạc Trịnh đối với chị không chỉ còn là đam mê mà còn là một tình yêu lớn, một mối lương duyên của những tâm hồn đồng cảm. “Có nhớ em trong từng ngày yêu dấu/ có biết trong em tình mãi bền lâu/ trong em mặt trời khô héo/ trong em ngày ấy vực sâu một đời”.

Tài hoa cũng lắm, đa đoan cũng nhiều

Người ta hay nói, phàm những thứ đam mê quá mức thì lại trở thành sợi dây oan trói xuống đời người. Người ta thấy chị hát trên sân khấu trẻ trung và sôi nổi dường như không có tuổi, nhưng mỗi khi cánh màn khép lại, chị lặng lẽ trở về với cuộc sống của một người đàn bà bình thường, với công việc giáo vụ ở trường học, cũng bận bịu và đầy những lo toan. Chị nói: “Đừng bảo Lê không may mắn, bởi vì cuộc đời đâu thể toàn vẹn được tất cả mọi điều. Được hát, đó đã là niềm an ủi và hạnh phúc lớn nhất rồi, huống hồ mình còn có hai đứa con rất ngoan ngoãn và thương mẹ”.

Những đêm đi hát về muộn, bật điện thoại lên lúc nào cũng đầy ắp tin nhắn của “Cún con” mà chị biết chỉ lát nữa thôi sẽ được thấy các con đang đợi mình trước cửa. Trong câu chuyện, chị dường như ngại nhắc về chồng bởi ký ức về anh vui ít buồn nhiều.

 

Anh chị yêu và đến với nhau cũng vì âm nhạc, rạn vỡ cũng chỉ vì âm nhạc. Anh đã không vượt qua được quan niệm “xướng ca vô loài” mà các cụ thường nói. Buổi đầu yêu nhau, anh chinh phục chị bằng những bản nhạc hiếm có, thay vì những cuộc hẹn hò, họ dành thời gian cùng nhau nghe những ca khúc cả hai cùng yêu thích. Cũng có lúc anh đàn chị hát, tuổi trẻ và nhiệt huyết càng làm cho tình yêu trở nên gắn bó. Lúc ấy, chị đi hát cũng chỉ theo phong trào, gặp gỡ bạn bè làm vui, anh không phản đối mà còn thường xuyên tháp tùng người yêu đi hát.

Lấy chồng rồi sinh con, chị dành toàn tâm toàn lực cho gia đình bé nhỏ để anh có thời gian cho sự nghiệp. Hàng ngày, chị tới trường làm việc, rồi về nhà chăm sóc chồng con, thời gian dành cho bạn bè cứ ngắn dần lại. Con đường hoan lộ của anh ngày càng rộng mở, các con cũng cứng cáp dần lên, chị có thời gian dành cho mình, niềm đam mê lại trỗi dậy. Chị muốn đi hát trở lại, muốn gặp gỡ bạn bè. Một phần vì ghen, một phần vì những lời bóng gió của người đời, anh tìm cách ngăn cấm chị, từ đó, tình cảm vợ chồng cứ mai một dần, khoảng cách cứ rộng dần không sao kéo lại được.

Tự nhận mình là người suy nghĩ đơn giản trong cuộc sống nhưng lại khá cầu toàn trong công việc, lại thêm sự thẳng tính nên nhiều khi chị không tránh khỏi mất lòng người khác. Nhưng ai giận chị thì cũng chỉ giận thế thôi, có giận lâu được bao giờ. Khi đi hát, chị thường nhắc nhở đồng nghiệp và đàn em phải trau chuốt và tôn trọng từng câu từng chữ của ca từ, nhất là với những ca từ của Trịnh - với chị vốn đã trở thành một thứ xác tín.

Đi hát nhiều, cũng không còn xa lạ gì với cộng đồng những người yêu nhạc Trịnh nhưng khi hỏi về việc ra đĩa, chị chỉ cười, nói việc đi hát là đam mê, chỉ cần được hát đã là hạnh phúc. Lê chia tay tôi bằng câu hát: “Bao nhiêu năm làm kiếp con người/ chợt một chiều tóc trắng như vôi/ lá úa trên cao rụng đầy/ cho trăm năm vào chết một ngày”. Ngoài bờ hiên, nắng lạnh vẫn bay bay.