Chưa thấy ứng cử viên sáng giá

ANTĐ - Số lượng phim truyện tham dự nhiều nhất từ trước tới nay, phim tư nhân áp đảo và vắng bóng phim hài là những điểm nổi bật được ghi nhận tại sân chơi “Cánh Diều Vàng 2015”.

Chưa thấy ứng cử viên sáng giá ảnh 1“Những đứa con của làng” từng là 1 trong 2 phim đại diện điện ảnh Việt Nam tranh tài 
tại “Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội 2014”

Phim Nhà nước “lép vế”

So với nhiều mùa giải gần đây, sân chơi “Cánh Diều Vàng 2015” không còn phải đối mặt với nỗi lo phim dự thi quá ít bởi theo thông tin được Hội Điện ảnh Việt Nam công bố vào chiều qua 2-3 thì có chính thức 17 bộ phim truyện ghi danh tranh giải. Tuy nhiên, cũng giống như các năm trước, lần này phim do các đơn vị tư nhân sản xuất vẫn chiếm số đông và áp đảo phim Nhà nước. Theo đó, có tới 13 bộ phim tư nhân tranh giải trong khi phim Nhà nước chỉ khiêm tốn dừng lại ở con số 4. Theo tìm hiểu của phóng viên ANTĐ, nhiều bộ phim tư nhân ra rạp trong dịp Tết vừa rồi không đăng ký dự thi, còn bộ phim “Mỹ nhân” do Hãng phim Giải Phóng sản xuất quyết định rút lui vào phút chót, nếu không số lượng phim tranh giải không chỉ dừng lại ở con số 17. 

Không chỉ “lép vế” so với phim tư nhân về số lượng mà cả 4 phim Nhà nước góp mặt tại Cánh Diều Vàng năm nay còn bị xem là yếu thế hơn khi chưa gây được tiếng vang và lận đận trong việc tìm đường đến với khán giả. Minh chứng là “Sống cùng lịch sử” từng gây xôn xao bởi không bán được vé khi ra rạp dù đạo diễn NSND Thanh Vân đã chọn góc tiếp cận rất mới với việc làm phim lịch sử qua góc nhìn của người trẻ. Trong khi “Mộ gió” của đạo diễn NSƯT Nguyễn Hữu Phần – bộ phim truyện đầu tiên làm về biển đảo lại được xếp vào thể loại phim miền núi và hải đảo, lại chỉ ra rạp trong dịp lễ nên không được người xem biết đến rộng rãi. Mới hơn và có chất lượng “nhỉnh” hơn là “Thầu Chín ở Xiêm” và “Những đứa con của làng”, tuy nhiên cả hai bộ phim này vì chịu chung cảnh không đầu tư quảng bá nên chưa gây được ấn tượng đặc biệt khi “chào hàng” người xem. Bị bỏ xa về số lượng lẫn doanh thu, lại không có điểm đột phá gây chú ý về nội dung, các phim Nhà nước dự thi năm nay được dự đoán là sẽ khó có thể làm nên chuyện. 

Chưa thấy ứng cử viên sáng giá ảnh 2“Chàng trai năm ấy” được lòng người xem nhưng liệu có chinh phục được hội đồng “cầm cân nảy mực”

Phim tư nhân: Tiếng nhiều hơn “miếng”

Nhìn vào danh sách 13 phim tư nhân góp mặt tại giải Cánh Diều Vàng lần này, không phải không có phim bị xếp vào hàng “thảm họa”. Đáng nói trong số này phải kể đến “Hiệp sĩ mù” – bộ phim đầu tay do ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng sản xuất. Bộ phim này sau khi ra rạp thậm chí còn bị giới chuyên môn xếp vào hàng phim “tự kỷ” của đạo diễn Lưu Huỳnh vì vốn dĩ từ trước đến nay những bộ phim ông nhận làm đều có giá trị nghệ thuật nhất định chứ không nhạt và “nhảm” như bộ phim này. Cùng với đó là sự vắng mặt khó hiểu của vị đạo diễn gạo cội trong tất cả các lần đoàn làm phim giao lưu và ra mắt. Cùng có chất lượng hạn chế còn có hai bộ phim hài “Bí mật lại bí mật” và “Năm sau con lại về”. Cả hai bộ phim này đều quy tụ dàn “sao” hài tên tuổi như: Hoài Linh, Trấn Thành, Nhật Cường… nhưng đều không thoát khỏi công thức tấu hài kiểu “lẩu thập cẩm” như các phim khác thuộc thể loại này. 

Trong số các phim tư nhân được quảng bá là đem về cho nhà sản xuất doanh thu “khủng” như “Hương Ga”, “Để Hội tính”, “Quả tim máu”, “Scandal – Hào quang trở lại”… thì “Chàng trai năm ấy” gây chú ý hơn cả về mặt chất lượng. Cùng lấy môtip một nhân vật có thật ngoài đời để dựng thành phim, trong khi “Hương Ga” gây tranh cãi về yếu tố bạo lực và nhiều tình tiết phi lý thì “Chàng trai năm ấy” lại có cách tiếp cận khá nhẹ nhàng và cảm động. Tuy chưa đến mức xuất sắc song bộ phim này tiếp tục khẳng định phong cách làm phim rất riêng của đạo diễn Quang Huy. Mặc dù vậy, những ồn ào không đáng có về ca khúc chủ đề của phim bị tố là đạo nhạc, cùng sự không ủng hộ hoàn toàn về mặt nội dung phim từ  gia đình cùng bạn bè thân thiết của nguyên mẫu – cố ca sĩ Wanbi cũng khiến “Chàng trai năm ấy” khó có thể chạm tay vào giải thưởng cao nhất vốn luôn được xem là dành cho những bộ phim đẹp ít tì vết.

Tiêu chí của “Cánh Diều Vàng” năm nay là đề cao những phim có dấu ấn sáng tạo trong nghệ thuật thể hiện, mang đậm bản sắc dân tộc, giàu giá trị nhân văn và đạt hiệu quả xã hội tích cực. Nếu chiếu theo tiêu chí này thì xem ra trong số cả 17 phim dự thi, chưa thấy có phim nào hội tủ đụ tất cả các yếu tố trên. Vì vậy, dù có đông phim và nhiều thể loại nhưng Diều Vàng năm nay sẽ khó mà có thể bay cao.