Chàng trai teo cơ thành kỷ lục gia thế giới

ANTĐ - Chứng kiến lực sỹ cử tạ Lê Văn Công sung sướng sau khi giành HCV, phá kỷ lục thế giới tại Đại hội thể thao người khuyết tật châu Á 2014 hôm 19-10, các thành viên đoàn Việt Nam đã không kìm được nước mắt vì hạnh phúc lẫn khâm phục ý chí phi thường của chàng trai 30 tuổi có hoàn cảnh éo le.

Chàng trai teo cơ thành kỷ lục gia thế giới ảnh 1Gia đình kỷ lục gia thế giới Lê Văn Công trong căn nhà thuê chật hẹp tại TP.HCM

Bị chứng teo cơ chân từ nhỏ do mẹ bị sốt xuất huyết khi mang thai, nhưng Lê Văn Công  (30 tuổi, quê Hà Tĩnh) đã sớm có ý thức vượt lên số phận. Năm 19 tuổi, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, chàng trai khuyết tật tìm vào TP.HCM theo học tại trường dạy nghề công nghệ thông tin dành cho người khuyết tật. Trong thời gian này, anh bắt đầu làm quen với cử tạ.

Tố chất cùng sự khổ luyện giúp Công mau chóng gặt hái thành công với tấm HCV ASEAN Para Games 2007 với thành tích 152,2kg, rồi trở thành VĐV chủ lực của đoàn Việt Nam tại các đại hội thể thao khuyết tật. Tại ASEAN Para Games 2007, Lê Văn Công phá kỷ lục châu Á hạng 49kg với thành tích 176kg và tại Asian Para Games 2014 đang diễn ra tại Hàn Quốc, chàng trai quê Hà Tĩnh đã khiến tất cả phải sửng sốt với kỳ tích 181,5kg, giành HCV đồng thời phá kỷ lục thế giới 181kg của Yakubu (Nigeria) nắm giữ. Chứng kiến màn xác lập kỷ lục của học trò, HLV Nguyễn Hồng Phúc xúc động: “Không thể tin nổi bởi trong thâm tâm tôi chỉ dám mơ Lê Văn Công giành HCV, nhưng cậu ta đã làm được nhiều hơn thế. Công đã vượt qua chính mình bằng nỗ lực phi thường”.

Chàng trai teo cơ thành kỷ lục gia thế giới ảnh 2Lực sỹ khuyết tật Lê Văn Công phá kỷ lục thế giới

Với những người khuyết tật, sinh hoạt và tự chăm sóc cho bản thân đã rất khó khăn, nhưng Lê Văn Công còn trên vai cả gánh nặng mưu sinh gia đình. Hai vợ chồng anh hiện sống trong căn phòng thuê chật hẹp ở TP.HCM. Người vợ của Công cũng chung hoàn cảnh nên chỉ có thể ở nhà may vá, bếp núc. Thu nhập chính của gia đình phụ thuộc vào người chồng đi làm thuê nhưng do cơ thể khiếm khuyết nên Lê Văn Công chỉ làm được việc vặt, với tiền công bèo bọt. Suốt bao năm qua, nếu như các VĐV bình thường được hưởng chế độ lương, trợ cấp quanh năm thì với những VĐV khuyết tật, chỉ khi nào tập trung đội tuyển đi thi đấu mới được hưởng trợ cấp. Có lần trò chuyện với Tổng thư ký Hiệp hội thể thao người khuyết tật Việt Nam Vũ Thế Phiệt, ông tâm sự: “Trợ cấp cho VĐV khuyết tật hiện tại hầu như không có.

Không riêng Lê Văn Công mà hầu hết VĐV đều có gia cảnh rất khó khăn. Nhiều lúc trái nắng trở trời, bệnh tật phát tác họ thậm chí chỉ biết cắn răng chịu đựng chứ không có tiền mua thuốc. Khó khăn lắm!”. Về phần mình, Lê Văn Công tâm sự: “Từ nhỏ đã khổ quen rồi nên giờ có khổ thêm mấy cũng không sao. Chỉ nghĩ làm sao cố hết khả năng để có tiền nuôi vợ, nuôi con”. Niềm vui sau tấm HCV cùng kỳ tích phá kỷ lục thế giới vừa qua không chỉ mang vinh quang về cho Tổ quốc mà với Lê Văn Công, nó còn giúp anh và gia đình có thêm những khoản tiền thưởng để vơi bớt nỗi lo cơm áo, gạo tiền.